Phiên bản live-action đầu tiên của Dragon Ball được đánh giá là thảm họa và khiến nhiều fan thất vọng.
Dragon Ball từ lâu đã là một trong những thương hiệu đình đám, với sức lan tỏa vượt xa cả quê nhà Nhật Bản. Chính vì vậy mà hãng Fox vào năm 2009 đã cho ra mắt phiên bản live-action đầu tiên mang tên gọi là Dragon Ball: Evolution với sự kỳ vọng rất lớn từ cộng đồng fan.
Nhưng càng kỳ vọng bao nhiêu lại thất vọng bấy nhiêu, khi những vấn đề từ kinh phí sản xuất và nội dung đã vô hình chung đưa bộ phim vào ngay danh sách những live-action tệ nhất lịch sử. Tuy vậy, vẫn có những chi tiết sau đây mà suýt chút nữa đã trở thành bệ đỡ nâng tầm bộ phim.
10. Cố gắng phát triển chủ đề phiêu lưu
Yếu tố phiêu lưu đã luôn là một trong những điểm cốt lõi của loạt Dragon Ball, khi Goku phải đối mặt với nhiều thử thách khó nhằn và đối thủ đáng gờm. Để rồi sẽ trở nên mạnh mẽ, thông thái hơn trước khi bước vào một cuộc phiêu lưu khác.
Dragon Ball: Evolution cũng đã làm khá tốt trong việc tái hiện không khí phiêu lưu của Goku và những người bạn. Có những nhận định cho rằng, nếu tác phẩm tập trung nhiều vào cuộc hành trình của chính Goku, chi tiết này sẽ giúp cho bộ phim trở nên hay hơn nữa.
9. Dàn diễn viên tâm huyết
Đối với người xem, Dragon Ball: Evolution như một sự không tôn trọng tới nguyên tác khi đã làm sai lệch đi rất nhiều. Tuy vậy, những Emmy Rossum và Justin Chatwin thực chất là đều đã dành thời gian xem anime và manga gốc để thể hiện tốt nhất có thể vai diễn mà mình đảm nhận.
Trong khi đó, đạo diễn Stephen Chow thậm chí còn là fan của thương hiệu này. Nhưng như vậy là vẫn chưa đủ để bù đắp cho chất lượng của bộ phim.
8. Tập trung vào võ thuật của Chi-chi
“Nóc nhà” của Goku, Chi-Chi là một nhân vật thú vị và cũng sở hữu khả năng võ thuật đáng nể. Nhưng cả anime lẫn manga chỉ tập trung nhiều vào khía cạnh của một người vợ, người mẹ hơn là phô diễn quá nhiều kỹ năng chiến đấu.
Phần phim Evolution đã dành ra một phần thời lượng để giúp cho người xem có được cái nhìn về khả năng võ thuật của nhân vật Chi-Chi, tạo nên phần nào chiều sâu trong việc phát triển nhân vật. Đây là một điểm về nhân vật khá được yêu thích.
7. Đi sâu vào nguồn gốc của Goku
Mặc dù cách thể hiện không thực sự tốt, nhưng Dragon Ball: Evolution đã nỗ lực trong việc khai thác về nguồn gốc người Saiyan của Goku. Chi tiết này được bám theo khá sát với nguyên tác, đặc biệt là về hình dạng khỉ đột khổng lồ của Goku.
Chỉ tiếc là bộ phim lại loại bỏ chiếc đuôi, thứ được xem như hình ảnh gắn liền với Goku trong khoảng thời gian đầu của loạt Dragon Ball.
6. Nội dung kết hợp từ nhiều sự kiện khác nhau
Là một thương hiệu với 9 saga và 3 arc khác nhau, việc chuyển thể lên màn ảnh rộng với thời lượng có hạn là một nhiệm vụ khó khăn. Đội ngũ làm phim đã chuyển thể dựa trên Emperor Pilaf Saga, Tourament Saga và King Picolo saga, kết hợp với sự sáng tạo để làm nên tính mới mẻ hơn ở cách kể truyện.
Dragon Ball: Evolution đã không thể hiện tốt khoản này, nhưng nhận định cho rằng bộ phim có thể đỡ hơn phần nào nếu có thêm thời lượng.
5. Nhân vật bản điện ảnh lớn tuổi hơn
So với nguyên tác của Akira Toriyama khi mà Goku từ khởi điểm là một đứa nhóc, phiên bản điện ảnh đã có sự thay đổi. Đó là biến Goku thành một học sinh trung học, như được lấy cảm hứng từ khoảng thời gian trưởng thành trong Dragon Ball Z. Đây là một chi tiết có tiềm năng nhưng lại được phát triển chưa tốt.
4. Picolo
Lãnh chúa Picolo, phản diện chính khi lên phim đã được thay đổi về ngoại hình mà theo nhiều người đánh giá là có phần tân tiến và đẹp hơn nguyên tác. Việc thay đổi này được chính nam diễn viên James Marsters đề xuất.
Nhờ vào ý kiến từ James, mà Picolo tuy có sự thay đổi nhưng vẫn tái hiện phiên bản từ trong nguyên tác.
3. Trang phục
Một trong những điểm sáng hiếm hoi của Dragon Ball: Evolution là khi bộ phim có sự đầu tư về trang phục của dàn nhân vật. Ví dụ như ông của Goku, Gohan với bộ đồ vest bám sát theo nguyên tác từ manga/anime. Hay như Bulma cũng tái hiện lại bộ trang phục từ khoảng thời gian đầu tiên mà nhân vật này xuất hiện, thêm vào chút cải tiến để thể hiện chất phiêu lưu hơn.
Đặc biệt là Goku với bộ trang phục màu cam mang tính biểu tượng. Khi lên phim, dàn diễn viên trong những bộ trang phục ấy được đánh giá khá cao.
2. Mối quan hệ giữa Goku và ông
Trong nguyên tác, ông Gohan đã nhận nuôi Goku sau khi tìm thấy anh, dạy võ thuật và những điều hay lẽ phải để làm nên một con người chính trực. Có thể nói, Gohan chính là người thân duy nhất mà Goku có được trước khi ông qua đời. Sau này Goku đã đặt cho Gohan theo tên của người ông đã mất như muốn thể hiện sự kính trọng.
Đến với phần phim điện ảnh, mối quan hệ giữa hai ông cháu vẫn phần nào được giữ nguyên về sự gắn kết. Goku hết mực yêu thương, tin tưởng người ông của mình và sẵn sàng làm mọi thứ để đưa Gohan quay trở lại.
1. Nhiều ngôi sao tên tuổi
Tuy là bom xịt đáng nhớ trong lịch sử điện ảnh, nhưng không thể phủ nhận về việc tác phẩm sở hữu một vài diễn viên tên tuổi và có thực lực. Đầu tiên sẽ là Emmy Rossum với màn thể hiện tuyệt vời và rất có tâm huyết với vai diễn.
Đó là nam tài tử Châu Nhuận Phát từng tham gia vô số tác phẩm hành động nổi tiếng như Ngọa hổ tàng long. Jamie Chung, một diễn viên đầy tài năng vào thời điểm phim ra mắt và ngày càng chứng tỏ thực lực. Park Joon Hyung, thành viên nhóm nhạc G.O.D và một trong những thần tượng kỳ cựu của nền âm nhạc Hàn Quốc cuối thế kỷ 20 – đầu thế kỷ 21. Cuối cùng là James Marsters, cái tên đình đám từ tv series Buffy the Vampire Slayer.
Theo GameK