Ở vùng đất Giải Châu xưa có kẻ quan quân đô hộ, chúng ngang tàng hống hách dám đập phá miếu mạo thần linh. Ngọc Đế nổi giận ban lệnh không cho trời mưa trong ba năm, kể từ đó dân chúng lầm than, sinh linh đồ tháng. Ở vùng này có hồ muối lớn, bên hồ có ngôi thiền tự có lão hòa thượng chơi cờ rất giỏi từ trước tới nay không hề thua một nước nào. Hôm nọ có vị hảo hán đi ngang ngỏ ý thi kỳ cùng lão, chẳng ngờ qua ba ván cờ lão tăng đều thua. Vị nam hảo hán hỏi rằng: “Có chuyện chi khiến cho đại sư không tập trung đánh cờ?”. Vị hòa thượng đáp: ” Lão nạp tu hành tại chùa này mấy chục năm nay nhưng chưa bao giờ thấy dân chúng lầm than như vậy. Tất cả những tai hoạ này đều do hạn hán mà ra, nhìn cảnh người dân chết đói, giành giật nhau thức ăn lão nạp thấy đau lòng vô cùng. Lúc đánh cờ lão nạp vẫn nghĩ tới chúng sinh nên không thể tập trung được.” Lúc này vị kia mới lên tiếng nói rằng: ”Ta đây vốn là Long Vương của vùng này, Ngọc Hoàng ban lệnh không mưa, chẳng qua do lũ ác bá thừa cơ làm bây mà ảnh hưởng chúng sinh vô tội. Ta đây nhìn thấy cũng rất đau lòng nhưng không còn cách nào khác.” Đến đó, vị hòa thượng quỳ xuống van xin Long Vương ban mưa, nếu không dân chúng sẽ chịu khổ muôn phần, lúc này Long Vương động lòng: “Được, ta sẽ về trời làm mưa. Nhưng ta có một thỉnh cầu mong đại sư giúp đỡ. Đợi khi mưa rứt, đại sư hãy đem một chiếc thùng lớn đến bên bờ hồ, khi nào nước nổi đỏ ngầu thì múc đầy thùng nước đem về chùa, để đúng 108 ngày.”
Đến một ngày, vùng Giải Châu trời mưa như thác đổ, bách tính vui mừng cảm tạ thần linh phù hộ. Vị sư già nhớ lời hứa của mình với Long Vương, ông chờ nước nổi đỏ rồi múc một thùng mang về đậy kín để ở chùa. Đúng 108 ngày sau từ trong thùng nổi lên đứa trẻ trắng trẻo, thần thái lanh lợi. Lão hòa thượng biết ngay đây là Long Vương cãi lệnh trời bị phạt, nước nổi đỏ kia chính là huyết long của ngài. Vì thấy Long Vương có thể hồi sinh nên vị sư đặt đứa trẻ tên là Trường Sinh. Trường Sinh sau này lớn lên lấy tên Quan Vũ, tính khí cương trực, là một hảo háng trượng nghĩa. Một lần nhìn thấy quan quân ức hiếp bá tánh, ông đã ra tay cứu giúp và nhỡ tay đánh chết một tên lính làm càng. Quan Vũ bị truy sát, ông chạy vào rừng nhưng quân lính vẫn đuổi theo, có người phụ nữ ngồi trước hiên nhà xua ông vào rồi bày ông tự đánh vào mũi cho chảy máu, lấy máu đó xoa lên mặt. Nàng cắt tóc mình dán lên mặt ông, người nhìn thấy từ xa trông như một lão già râu dài mặt đỏ bừng bị sốt nên chúng bỏ đi. Không ngờ màu đỏ của máu thấm lên mặt ông và nước da cũng tự nhiên thành màu đỏ, chòm râu giả lại dính vào khuôn mặt và trở thành râu thật. Ông vừa muốn cảm ơn nữ nhân rộng tình giúp đỡ thì cô ấy đã biến đâu mất rồi. Thật ra cô gái kia chính là Quan Âm Bồ tát hóa thân, bà biết Quan Vũ sau này sẽ hành đại nghiệp lại còn giúp đỡ muôn dân nên đã cứu ông một mạng.
Sau này Quan Công đứng đầu trong ngũ hổ tướng của nước Thục. Những chiến công của ông gần như không ai sánh bằng, về sau ông thua trận với Tôn Quyền mà vong mạng. Tương truyền, Tôn Quyền sau khi thắng Quan Vũ thì mở tiệc khao quân, khi hắn rót rượu Lã Mông đã nhảy lên mà hét: “Cái thằng mặt xanh râu đỏ và bọn chuột kia có biết ta là ai không?”, rồi họ Lã xô Tôn Quyền ngã nhào sau đó ngồi chễm chệ trên ghê của Quyền mà la lớn: “Ta chính là Hán Thọ Đình hầu Quan Vân Trường đây!”, Tôn Quyền Kinh hãi quỳ lạy, Lã Mông hộc máu chết tươi tại chỗ.
Lại nói lúc Đông Ngô dâng đầu Quan Vũ cho Tào Tháo, Tào Tháo vừa thấy đầu Quan Vũ đã giễu: “Lâu không gặp, Vân Trường vẫn mạnh giỏi chứ?”. Ngay lập tức, đầu Quan Vũ mắt mở trợn trừng, râu tóc dựng ngược lên, Tào Tháo kinh hãi té nhào sau đó sinh bệnh. Họ Tào buộc phải làm một hình nhân bằng gỗ cho lắp đầu Quan Vũ vào rồi tống táng, đích thân hành lễ trước mộ.
Về sau nhiều lần Quan Vũ cũng nhiều lần báo mộng cho Lưu Bị, bảo đại ca trả thù cho mình và hiện hồn ở nhiều nơi để đòi thủ cấp. Tương truyền, nhà sư Phổ Tịnh ở núi Ngọc Tuyền nửa đêm nghe tiếng la: “Trả đầu lại cho ta!”, nhà sư nhìn thấy vị võ tướng mặt đỏ râu dài, cưỡi xích thố, hai bên có tùy tướng, nhà sư Phổ Tịnh nói: “Nhân trước, quả sau. Nay tướng công bị Lã Mông làm hại mà đòi trả lại đầu, vậy thì trước kia Nhan Lương, Văn Sú cùng với 6 tướng ở 5 ải bị tướng quân chém đầu, và biết bao quân tướng nữa chết dưới tay tướng quân thì đòi đầu ở đâu?”. Vân Trường giác ngộ, từ đó không hiện hồn đòi đầu nữa.
Nho Giáo:
Trong lịch sử Trung Quốc, Quan Vũ là danh tướng có tầm ảnh hưởng sâu rộng đối với hậu thế. Các nhà thống trị phong kiến xem ông là biểu tượng “trung dũng thần vũ” và tinh thần “vì nước quên thân”. Sự sùng bái của người dân Trung Quốc đối với Quan Công được đẩy lên cực điểm vào triều Thanh, khi Quan Vũ trở thành người đứng đầu các vị thần trong Nho giáo, vị trí của ông còn được xem trọng hơn cả Khổng Tử.
Phật Giáo:
Đại sư Phổ Tịnh sau đó đã giảng giải Phật pháp cho Quan Vũ, khiến Quan Công hổ thẹn mà xin được truyền thụ “tam quy ngũ giới”, trở thành đệ tử Phật môn và thề nguyện làm Hộ pháp cho Phật giáo. Về sau, nhân vật anh hùng được người dân Trung Quốc kính ngưỡng Quan Vân Trường trở thành Già Lam bồ tát, cùng với Vi Đà bồ tát là hai đại Hộ pháp của Phật giáo.
Lão Giáo:
“Quan thánh Đế quân”, hay còn gọi là “Quan đế”, vốn là một trong “Hộ pháp tứ soái” của Đạo giáo. Tín ngưỡng Đạo giáo ngày nay chủ yếu thờ phụng Quan Công như một Thần Tài.
Theo tín ngưỡng của đạo này, Quan đế là vị thần “trị bệnh trừ tai, trừ ma diệt ác, tru phạt phản nghịch, tuần sát Âm phủ”.
Ngoài ra, giới thương nhân tin rằng lúc sinh thời Quan Công rất giỏi về quản lý tài chính nên họ thờ ông để phù trợ thương nghiệp. Do tính cương trực, nghĩa hiệp nên giới cảnh sát (ở Trung Quốc) thờ ông làm tổ nghề, và chắc cũng có lẽ vì tính công tư phân minh, trọn nghĩa huynh đệ mà giới…xã hội đen cũng tôn ông làm thần linh hộ mệnh. Ngoài ra, do lúc nghèo khó ông từng đi bán đậu hủ nên người bán đậu phụ cũng thờ cúng ông.
Ngày nay, người ta chọn lễ vía Quan Thánh Đế Quân là ngày ông hiển thánh và quy y tam bảo là ngày 24 tháng 6 âm lịch. Khi người Hoa di cư qua miền nam Việt Nam, họ mang tín ngưỡng thờ Quan Thánh qua và người Việt cũng từ đó mà sùng bái Quan Thánh Đế Quân. Trong các gia đình, nam gia chủ thường thờ ông là thần bảo hộ gọi là “ông độ mạng”.