Quốc Mẫu Âu Cơ là vị mẫu thần tổ tiên của người Việt. Truyền thuyết kể rằng bà là con gái vua Đế Lai phương bắc. Đế Lai nhân việc trong nước nhàn rỗi, đem quân đội tùy tùng xuống phương Nam ngao du, thấy hoa thơm cỏ lạ, phong thủy hữu tình, thích thú ở lại, quên cả về phương Bắc. Người dân bị Đế Lai và người phương Bắc xuống quấy nhiễu, cuộc sống không còn được yên ổn như xưa, mới đến cầu Lạc Long Quân cứu giúp. Ông từ thủy phủ trở về, vô tình gặp được nàng Âu Cơ là con gái vua Đế Lai, dung mạo xinh đẹp, mới đem lòng yêu. Âu Cơ vui lòng theo Long Quân. Ông giấu nàng ở Long Đài. Đế Lai mất con gái, tìm khắp bốn phương mà không thấy. Long Quân lại dùng phép thuật hóa ra trăm loại quái vật đe dọa, người phương Bắc sợ quá phải bỏ về nước.
Lạc Long Quân và Âu Cơ kết duyên, Âu Cơ đẻ ra một cái bọc, sợ là điềm lạ, đem ra vứt ngoài cánh đồng, sau bảy ngày thì trong bọc vỡ ra trăm quả trứng, mỗi trứng nở ra một người con trai, không phải bú mớm gì, một trăm người tự lớn lên, cao đẹp lạ thường, trí dũng song toàn. Về sau do thủy hỏa tương khắc, Lạc Long Quân và Âu Cơ không thể chung sống mới bàn chuyện chia li. Long Quân dẫn 50 người con trai xuống biển chia nhau trị vì các xứ. Âu Cơ dẫn 50 người con trai lên đất Phong Châu, lập ra nước Văn Lang, suy tôn người anh cả lên làm vua, xưng là Hùng Vương. Họ chính là tổ tiên của người Việt ta ngày nay.
Lại nói về mẹ Âu Cơ cùng 50 người con lên núi khai khẩn đất đai, mở mang bờ cõi. Đi tới đâu bà cũng dạy dân cấy lúa trồng dâu, nuôi tằm, dệt vải, dạy dân cách sinh sống hòa thuận ấm no, khiến cho ai nấy đều biết ơn tôn kính. Một ngày nọ, Quốc Mẫu đặt chân đến trang Hiền Lương, quận Hạ Hoa, trấn Sơn Tây. Thấy phong cảnh thiên nhiên ở Hiền Lương tươi đẹp hài hòa, mẹ Âu Cơ đã cho khai hoang lập ấp. Bà cũng dạy dân đào giếng lấy nước sạch để tắm giặt, sinh hoạt cộng đồng, dựng nên những giếng Loan, giếng Phượng, gò Thị, gò Cây Dâu… vẫn còn lưu lại tới ngày nay. Rồi lại rời Hiền Lương, bà cùng các con lên đường khai khẩn các vùng đất mới. Đến khi giang sơn đã thu về một mối, bờ cõi biên cương được mở rộng, Quốc Mẫu lại trở về với Hiền Lương, nơi gắn bó nhất cuộc đời bà. Tương truyền, ngày 25 tháng Chạp, mẹ Âu Cơ lên núi hái thuốc thì gặp một bầy tiên nữ mang xiêm y lộng lẫy đến đón mẹ về trời. Bà xuống nước tắm rồi thay xiêm áo, nơi đó ngày nay đã trở thành địa danh Ao Trời – Suối Tiên. Rồi bà cùng bầy tiên nữ bay về trời, để lại dưới gốc đa một dải yếm lụa đào. Chính tại đây, dân Hiền Lương đã dựng ngôi đền thờ mẹ, đời đời hương khói. Đó chính là đền Quốc Mẫu Âu Cơ, hai bên tả hữu có giếng Loan giếng Phượng, vắt ngang không trung còn dải yếm lụa đào. Ngày 7 tháng Giêng hàng năm người dân lại mở lễ hội mừng ngày mẹ giáng trần, và ngày 25 tháng Chạp lại dâng lễ dịp Mẫu Âu Cơ thác hóa.
Bà được sắc phong Quốc Mẫu, được phối thờ ở nhiều đền đài Tứ phủ như đền Mẫu Âu Cơ Đầm Đa. Ở đền Vạn Kiếp tại Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk, Mẫu Âu Cơ còn hóa thân thành Mẫu Thượng Ngàn, được đặt tượng ở chính giữa trên ban thờ Tam Tòa Thánh Mẫu thay vì tượng Mẫu Thượng Thiên như thường lệ (theo Đạo Mẫu Việt Nam, GS. Ngô Đức Thịnh).