Mẫu Đệ Nhị Thượng Ngàn 

Thánh Mẫu Thượng Ngàn hay còn gọi là Bà Chúa Thượng Ngàn, Lâm Cung Thánh Mẫu là một trong ba vị Tam Tòa Thánh Mẫu, bà vốn là con vua Ngọc Hoàng do tính tình thẳng thắng khó bảo nên được cha giao cho cai quản nơi núi rừng hoang vu. Từ lúc bà về ngự thì mùa vụ nào cũng thành công bội thu, bà còn dạy dân cách dùng lửa vì vậy dân rất đem lòng kính ngưỡng bà.

Thu phục Mộc Tinh:


Sau khi bị Kinh Dương Vương đánh cho trầy da tróc vẩy, con Quỷ Xương Cuồng bỏ chạy về phía Tây Nam. Tại đây nó tác oai tác quái, làm đủ mọi trò yêu ma để dân phải bắt người làm vật tế lễ. Lâm Cung công chúa biết chuyện đùng đùng nổi giận, bà mang rìu đến phanh thây con yêu làm trăm mảnh, chỉ chừa lại một cành cây.

Bà mang cành đó về trồng, nó mọc ra trăm loại hoa quả khác nhau. Muôn dân ăn vào ai cũng khen ngon, chỉ duy nhất một cô gái chê dở. Mẫu nghe được rất giận từ đó không cho ai nếm các loại quả một lần nào nữa. Cô gái ấy biết lỗi nên đem thu nhặt những hạt mà mọi người ăn xong gom lại và gieo trên đường đi của mình. Về sau mỗi hạt lại mọc lên mỗi cây, mỗi cây lại sinh ra mỗi quả khác nhau, cô gái ấy thì được tôn làm bà Tổ nghề Nông.

Nghĩa mẫu Sơn Tinh:

Trong một lần đi săn, Mẫu Thượng Ngàn nhìn thấy một đứa trẻ nằm chết dưới gốc cây. Cảm thương cho phần đoản mệnh, bà mang về truyền sinh khí rồi cứu chữa tận tình. Cậu bé lớn lên thông minh lanh lợi lại có tài có đức, bà đặt tên Sơn Tinh và giao cho cai quản vùng núi Ba Vì.

Giáng thế vì dân:

Sau khi Sơn Tinh lớn lên thì cũng đến ngày phải thành gia lập thất, ông đến hỏi cưới nàng Mỵ Nương con gái vua Hùng và được ban ra luật phải mang sính lễ đến đúng giờ thì mới được thành thân cùng công chúa. Giỏi bề tài trí nên Sơn Tinh đã đến đúng giờ và kết duyên cùng Mỵ Nương, Thủy Tinh tức giận dâng nước khiêu chiến. Trận chiến kinh thiên động địa đó lưu truyền mãi về sau, và cũng chính trong lần giao tranh giữa đất liền và biển cả ấy, lúc muôn phần loạn lạc, Thượng Ngàn Thánh Mẫu đã chẳng may ra đi. Bà trở về Thiên Giới nhưng lòng thương xót cho dân chúng bơ vơ, bà xin vua cha cho hạ phàm. Nhìn thấy trần duyên chưa dứt, Ngọc Hoàng cho bà hạ phàm làm con gái của Sơn Tinh và Mỵ Nương.

Lại nói về Tản Viên Sơn Thánh lấy được Mỵ Nương, họ sinh ra hài nữ đặt tên La Bình. La Bình thường được cha đưa đi ngao du núi non và rừng sâu, thung lũng và hang động. Sau này, La Bình lớn lên đích thân dạy dân Việt ta mọi điều. Từ săn bắn thú rừng đến trồng trọt nương rẫy, xây dựng nhà cửa, đắp ruộng bậc thang, hái thuốc chữa bệnh,… Những khi Tản Viên Sơn Thánh đi vắng mà dân kêu gọi thì La Bình thay cha gánh vác mọi sự, Người cũng rất được chư vị Sơn Thần kính trọng.

Đến khi Tản Viên Sơn Thánh cùng phu nhân được Ngọc Hoàng gọi về trời, trở thành hai vị thánh bất tử thì La Bình được sắc phong công chúa Thượng Ngàn, thay cha trông coi tám mươi mốt cửa rừng trung du của nước Nam. Công chúa Thượng Ngàn ứng hiện mọi nơi dạy bảo muôn loài bảo ban nhau sinh sống, tránh ăn các loại độc thảo, biết tìm nơi cư trú mỗi khi bão lũ thiên tai kéo đến. Mang bản tính tỉ mỉ chu đáo của nữ nhi, bà không những dạy dân ta xây nhà cho chắc mà còn phải xây cho đẹp, ở những con thuyền độc mộc thì phải khắc hình đầu rồng chạm vào nhau, lấy ống bương mà dẫn nước cho việc tưới tiêu, dạy con người cách nấu nướng thức ăn có vị ngon hợp khẩu. Bà có nhiều phép thần thông quảng đại lại được Ngọc Hoàng ban cho bà trở thành vị thánh bất tử để đời đời săn sóc muôn dân. Dân Việt ta tôn kính bà vì công ơn phù hộ cho quốc gia được bình an thịnh trị nên gọi là Mẫu.

Giúp dân trừ giặc:

Tương truyền khi nghĩa quân Lam Sơn bị giặc Minh bao vây ở Phản Ấm, lúc ấy quân ta yếu thế, binh sĩ trọng thương, mã tượng tan tác. Giữa đêm tối mịt mờ u ám, Lâm Cung công chúa hóa thân thành bó đuốc sáng soi đường cho quan quân tập hợp. Đi theo hướng của ngọn linh đăng, họ đã tìm được nhau và trở về Chí Linh. Kỳ lạ thay, bó đuốc rực sáng như thế nhưng chỉ quân ta mới nhìn thấy còn quân Minh thì chẳng nhìn ra. Nhờ sự chở che của bà, quân Lê Lợi nhanh chóng lớn mạnh phản kháng lại giặc xâm lăng. Sau những trận Tốt Động, Chúc Động, Chi Lăng, quân ta chớp lấy thời cơ giành lại hòa bình cho non sông. Công chúa Thượng Ngàn cũng từ đó mà được nhân dân khắp mọi miền tôn kính lập nơi phụng thờ.

Con vua Hùng Định Vương:

Ở truyền thuyết này, bà là con vua Đế Thích giánh sinh xuống trần tên là Mỵ Nương Quế Hoa công chúa, con của Vua Hùng Định Vương và hoàng hậu An Nương.Theo sự tích khi sinh bà ra, Hoàng Hậu đau quá phải vịn vào cành quế mới sinh hạ được bà nên Vua Hùng Vương mới đặt tên cho bà là Quế Hoa công chúa. Lớn lên, Quế Hoa luôn nhớ thương mẹ nên đã đi vào rừng sâu để tìm dấu vết người mẹ hiền. Nàng được tiên ông ban cho phép thuật nên đã cùng mười hai thị nữ ra sức tu tiên luyện đạo, cứu giúp dân lành. Bà dạy dân cách làm nương làm rẫy, xây nhà, chăn nuôi, săn bắn, mười hai thị nữ thì lo phần hộ sinh mỗi khi có ai chuyển dạ thai sinh vì bà không muốn nhìn thấy bất kì đứa trẻ nào phải chịu nỗi đau mất mẹ khi vừa lọt lòng như mình. Lúc nhân dân các bản Mường đã có cuộc sống no ấm, Mỵ Nương Quế Hoa cùng mười hai thị nữ ngự trên ngũ sắc linh vân hồi quy tiên cảnh. Từ đó dân nhớ công ơn bà tôn làm Thượng Ngàn Thánh Mẫu lập nơi phụng thờ hương khói không ngừng, mười hai thị nữ thì trở thành thập nhị mụ bà phù hộ cho nữ nhân lúc sinh nở.

Con nhà họ Cao:

Lần thứ hai giáng thế bà sinh làm tiểu nữ con nhà họ Cao, cha bà là vị tù trưởng ở Yên Bái. Bà dạy dân cách đi nương, đi rẫy, vào rừng, xây ruộng bậc thang, muôn dân suy tôn là Diệu Tín Thuyền Sư Diệu Nghĩa Tàng Hình, hay còn gọi là Bạch Anh Trưởng Quản Đỉnh Thượng Cao Sơn Thần Nữ Cao Mường Sơn Triều. Sau này bà hiển linh phò vua Lê Thái Tổ nên được tôn phong là Lê Mại Đại Vương.

Thần tích đền Đông Cuông:

Đông Quang công chúa Lê Thị Kiểm chính là phu nhân của ông Hà Văn Thiên vốn là người Tày Đông Cuông được triều đình giao cho cai quản vùng Đông Cuông. Ông chính là hậu duệ của Hà Đặc Hà Bổng_người đã hy sinh trong cuộc chiến chống quân Mông Nguyên. Sau khi qua đời, người dân thờ ông tại Ghềnh Ngai và thờ phu nhân cùng các con ở bờ sông Hồng bên kia. Bà Lê Thị Kiểm được coi là một hóa thân của Mẹ Rừng, dân ta tôn kính gọi là Mẫu Thượng Ngàn.

Đến nay, bản doanh của Lâm Cung công chúa vẫn là ở nơi ngàn xanh rừng núi, những ai đi rừng thường dâng lễ cầu xin bà che chở.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *