THẾ GIỚI THẦN TIÊN VIỆT NAM 2

***Lưu ý: Đây là chuỗi bài viết theo góc nhìn cá nhân của admin nhằm vẽ nên một bức tranh chỉnh thể về toàn bộ hệ thống chư vị thần thánh Việt Nam, lấy cảm hứng từ cách phân chia Tứ phủ. Bài viết đôi chỗ có sự phóng tác trong giới hạn cho phép để kết nối các yếu tố tín ngưỡng riêng biệt, do vậy không tránh khỏi những quan điểm chủ quan, mong bạn đọc đóng góp ý kiến***
ĐỊA PHỦ

Địa phủ là một khái niệm rộng, có thể chỉ cả hai miền Địa: cõi người và cõi âm, nhân phủ và âm phủ.

Cõi nhân gian, hay Nhân phủ, do Thánh Mẫu Thần Chủ Liễu Hạnh tiên chúa phụng mệnh Ngọc Hoàng nhiều lần rời ngôi Thượng Thiên để hạ phàm mà quán xuyến. Tiên chúa là con út Vua cha Ngọc Hoàng, giáng thế cũng muộn nhất so với các tiên thánh nhà trời (thế kỉ XVI), thế nhưng Ngài nhanh chóng trỗi dậy trở thành một hình tượng Thánh mẫu được dân gian tôn thờ bậc nhất. Liễu Hạnh công chúa đứng cả hai ngôi Mẫu Thiên Tiên, Mẫu Địa Tiên, được tôn là một trong Tứ Bất Tử. Từ khi ngài giáng thế cai quản miền Địa, tín ngưỡng Tứ phủ lẫn thờ cúng Thành hoàng ngày một thịnh, thần thánh tứ phương ngày một nhiều, quy tụ dưới trướng Ngài rợp trời sắc vàng của miền Địa phủ.

Dưới quyền Mẫu Liễu là vô vàn các vị thần linh được phân vào những hàng ngũ khác nhau. Đầu tiên là các vị gia thần, táo quân, thổ công, ông địa, vừa dưới quyền Mẫu Liễu vừa phải báo cáo về Thiên phủ cho Ngọc Hoàng. Kế tới là chư vị nhân thần, gồm thành hoàng bản cảnh, tổ tiên tổ nghề, tiền hiền dân tộc, thánh thần Bắc quốc (*) được dân chúng thờ phụng, nhiều không đếm xuể. Chư vị tiên thánh dưới trướng Tiên chúa còn có các thánh khâm sai quyền cai miền đất bằng: Quan Lớn Đệ Tứ Khâm sai, Chầu Đệ Tứ Khâm sai, Quan Hoàng Mười, Cô Tư, vân vân…

Dẫu vậy, xuôi về phương nam, quyền lực của Mẫu Liễu Hạnh cũng như các vị Mẫu khác thu hẹp dần. Nơi đây hưng thịnh tín ngưỡng thờ các thánh Bà: Bà Chúa Ngọc, Bà Chúa Xứ, Bà Đen, Bà Hỏa, Bà Thủy Long, Bà Thiên Hậu… Các Bà thường cai trị đơn lẻ, không có hệ thống quan tướng dưới quyền hùng hậu như Tứ phủ, trừ một số trường hợp các Bà tập hợp thành hội nhóm như Ngũ Hành Nương Nương, Bảy Bà, cộng hưởng tạo nên sức mạnh và quyền năng lớn lao hơn. Miền Địa phủ phương nam được phó thác cho các thánh Bà, nhưng tựu chung dù là Mẫu hay Bà thì các vị tiên thánh vẫn luôn một lòng phù hộ cho người Việt.

Trước đây không có cõi Địa ngục, mà con người quan niệm trời sinh trời dưỡng, khi chết sẽ về chầu Trời. Nhưng từ ngày dân chúng sinh sôi nảy nở công việc này Thiên phủ quản không xuể. Bấy giờ Thiên phủ có nàng Quảng Cung công chúa con gái Vua cha Ngọc Hoàng, bề ngoài xấu xí ma chê quỷ hờn, vì tủi nhục mà tự đào một cõi dưới lòng đất để lánh mặt, gọi là Địa ngục.

Chứng kiến những hồn ma bóng quế chết đi không được đầu thai, đích thân Địa Mẫu ngồi trên cỗ xe ngựa, cầm thòng lọng thu hồi những linh hồn về cõi âm. Bà chọn lấy linh hồn của chín người tạo đủ phước đức lúc sinh thời và phong họ làm Cửu Điện Diêm Vương, về sau lại bổ sung thêm một vị nữa là Chuyển Luân Vương cai quản việc đầu thai chuyển thế. Có người lại nói Thập Điện Diêm Vương chính là hóa thân của Phong Đô đại đế, tức Vua cha Địa phủ. Hầu cận Ngài có các vị tư quân, phán quan trợ giúp Ngài trong việc xét xử công tội các âm hồn.

Công việc ban đầu Vua cha và Địa mẫu lo không xuể, con người và giống vật giết chóc nhau sinh ra những hồn ma kì dị: ma da, ma đói, ma trành, ma vú dài, ngáo ộp,… hoành hành khắp cõi người. Nhưng nhờ có bộ máy địa ngục trơn tru mà Địa Mẫu cùng các quan lại miền địa phủ hoàn thành nhiệm vụ xét xử công tội, đầu thai chuyển kiếp cho nhân gian. Dù dân gian ngày nay không nhiều người nhớ đến bà, nhưng trong tâm thức vẫn luôn có dáng hình của vị thánh mẫu miền Địa ngục.

Ngoài các vị thánh của riêng các phủ, lại có Ngũ Hổ tướng quân, Thanh Xà, Bạch Xà tướng quân phụng sự chung cho Tứ phủ.

 CHƯ PHẬT

Một thế giới tâm linh nơi chứa toàn bộ hệ thống thánh thần Việt Nam, như Tây Du, Phong Thần, sẽ không thể hoàn chỉnh nếu không nhắc tới sự hiện diện của Chư Phật.

Các vị Phật, Bồ tát, La hán được lưu truyền tới Việt Nam từ xa xưa, và luôn hiện hữu trong tâm thức của người Việt. Trong hình dung của  về một thế giới có mọi chư vị thần thánh Việt Nam, thì Chư Phật tựa như trong Tây Du Ký, đứng ngoài Tứ phủ và không can thiệp vào nội bộ thánh thần Tứ phủ, nhưng sự linh thiêng của Phật vẫn luôn hiện hữu trong Tứ phủ; Phật thường hiện ra cứu giúp nhân gian, đôi khi dưới hình hài thân thuộc của Ông Bụt. Tương truyền, Thánh Mẫu Thần Chủ Liễu Hạnh từng suýt gặp tai ương trong trận Sùng Sơn đại chiến với dòng phù thủy Nội Đạo Tràng, may thay được Phật Thích Ca Mâu Ni cứu. Từ đó bà quy y Phật, và Chư Phật hội nhập vào Tứ phủ, được phối thờ và xếp trên cùng trong thứ bậc tiên thánh, trên cả hàng Thánh mẫu và Vua cha, với biểu trưng là Phật Bà Quan Âm (1). Tranh thờ, nghi lễ và văn chầu vẫn có sự hiện diện của Phật.

Các hình tượng Chư Phật trong tâm thức của người Việt hầu hết vẫn giống với nguyên mẫu từ dòng Phật giáo Bắc tông, Nam tông và Mật tông tùy theo niềm tin của người Phật tử. Phật Thích Ca Mâu Ni, Phật A Di Đà, Phật Di Lặc, Quan Âm Bồ Tát… là những hình tượng phổ biến nhất.

Phật giáo hội nhập vào Tứ phủ, và ngược lại tín ngưỡng thờ Mẫu của người Việt cũng ảnh hưởng lên Phật giáo. Các hình tượng Phật Mẫu, Phật Bà rất được tôn thờ: Phật Bà Quan Âm (với các hóa thân Quan Âm Thị Kính, Quan Âm Diệu Thiện), Phật Mẫu Diêu Trì (từ Đạo giáo du nhập vào Phật giáo và đạo Cao Đài, còn gọi là Diêu Trì Kim Mẫu, Địa Mẫu) và đặc biệt là vị Phật Mẫu hoàn toàn thuộc về bản địa Việt Nam: Phật Mẫu Man Nương và Tứ Pháp. Tứ Pháp từng là các vị thần trong tín ngưỡng nông nghiệp bản địa, bảo hộ cho mây, mưa, sấm, chớp, về sau được Phật hóa, tái sinh thành tứ vị Phật Bà con gái của Phật Mẫu Man Nương: Pháp Vân, Pháp Vũ, Pháp Lôi, Pháp Điện (2).

Ngoài ra, trong hệ thống chư thần Phật giáo Việt Nam còn xuất hiện các vị Thiền sư Thánh tổ: Từ Đạo Hạnh, Nguyễn Minh Không, Giác Hải, Nguyễn Bình An… là các vị thiền sư có phép lạ thần thông quảng đại, được thờ như các vị Thánh trong các ngôi chùa có cấu trúc “tiền Phật hậu Thánh” như Chùa Láng, Chùa Thầy…

=================

Nguồn tham khảo:

1. Đạo Mẫu Việt Nam, GS. Ngô Đức Thịnh.

2. Tín ngưỡng thờ Mẫu trong mối quan hệ với tín ngưỡng, tôn giáo khác, Thanh Long.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *