Lý Quốc Sư Nguyễn Minh Không


Nguyễn Minh Không, tên húy Chí Thành, đạo hiệu Không Lộ, là một vị thiền sư nổi tiếng và có sức ảnh hưởng; nhiều công hạnh và thần tích kỳ bí mà được phong làm Quốc sư triều Lý, đứng đầu tổ chức Phật giáo quốc gia. Quốc sư cho xây dựng tới 500 ngôi chùa trên đất Đại Việt, đưa Phật giáo Bắc tông trở nên thịnh hành. Ông được tôn làm Tổ nghề đúc đồng, là Đức Thánh Nguyễn và được thờ phụng ở nhiều nơi như chùa Bái Đính, chùa Quán Sứ, chùa Lý Quốc Sư… Ông cũng là vị thần trấn Bắc của Hoa Lư Tứ Trấn; một số tài liệu xưa cũng từng xếp ông vào một trong Tứ Bất Tử thay vì Từ Đạo Hạnh, trước khi thần tích về Mẫu Liễu Hạnh lan tỏa rộng rãi trong dân chúng.

• Thần tích chữa bệnh hóa hổ cho vua Lý Thần Tông:

Nguyễn Chí Thành thời trẻ ở chùa Quốc Thanh, sau lên đường học đạo gặp được các bạn đồng môn là Từ Đạo Hạnh và Nguyễn Giác Hải, đều là các thiền sư nổi danh triều Lý sau này. Từ Đạo Hạnh gặp người tài bèn truyền tâm ấn, lại đặt cho tự Minh Không. Về sau Từ Đạo Hạnh có cơ hội đầu thai vào hoàng tộc, trước khi viên tịch có nhắn gửi tới Minh Không mấy lời: “Ta nay sắp tạ thế, ở cái địa vị làm thầy người ta, bệnh tật kiếp sau khó tránh khỏi. Ta với ngươi có duyên, nên cứu giúp nhau”. Rồi Đạo Hạnh hóa, thác sinh thành Lý Dương Hoán con trai Sùng Hiền Hầu, sau trở thành vua Lý Thần Tông. Nguyễn Minh Không sau cuộc hội ngộ cuối cùng cũng trở về chùa cũ cày ruộng.

Hai mươi năm sau, đột nhiên vua Lý Thần Tông mắc bệnh lạ, lông mọc khắp cơ thể, tâm trí rối loạn, đau đớn gầm rú như hổ, các lương y đều bó tay cứu chữa. Bỗng có đứa trẻ cất tiếng hát: “Dục trị thiên tử bệnh, tu đắc Nguyễn Minh Không” (Muốn chữa bệnh cho vua, phải tìm Nguyễn Minh Không). Triều đình bèn sai sứ đi tìm Minh Không. Minh Không nhớ lại lời dặn xưa của Đạo Hạnh, liền gật đầu. Ông đón sứ thần và đám lính chèo thuyền bằng một nồi cơm nhỏ, ấy chẳng hiểu sao cả đám trăm người vẫn ăn uống no say. Rồi dặn mọi người ngủ say, chốc lát sau thuyền đã về đến kinh đô, khiến ai nấy đều làm lạ.

Khi Minh Không tới, các bậc học sĩ khinh ông quê mùa không thèm chào. Minh Không đóng chiếc đinh dài năm tấc vào cột, nói: “Có nhổ được đinh này hãng nói chuyện chữa bệnh”. Chẳng ai dám nhổ, Minh Không bèn lấy hai ngón tay trái mà nhổ, đinh bật phăng ra khiến ai nấy kính phục. Đoạn tới đối mặt vua Thần Tông, lên tiếng: “Kẻ đại trượng phu được tôn lên ngôi thiên tử, giàu có khắp bốn bề, cớ sao còn phát bệnh cuồng loạn như vậy?”. Vua nghe nói rất run sợ.

Minh Không lấy chiếc vạc lớn đựng dầu đun lên sôi sung sục. Ông thò tay trần vào vạc sôi khoắng bốn lần, rắc vẩy lên mình vua, tức thì bệnh tật khỏi hết. Nguyễn Minh Không được phong làm Quốc sư, vua quan dân chúng đời đời trọng vọng.

Thực tế, Quốc sư Minh Không còn là một dược sư, tinh thông thảo dược, châm cứu; có thể chính nhờ phương pháp này mà chữa bệnh nan y cho vua Lý Thần Tông, lâu dần câu chuyện được thần kỳ hóa thành truyền thuyết như trên.

• Ông tổ nghề đúc đồng:

Quốc sư Nguyễn Minh Không, đạo hiệu Không Lộ, không ai khác chính là nhân vật Không Lộ (có nơi chép Khổng Lồ) trong truyền thuyết Không Lộ đúc chuông.

Trong quá trình cho xây dựng chùa chiền, Quốc sư Minh Không đã phục hưng nghề đúc đồng và được tôn làm Tổ nghề đồng. Truyền thuyết kể rằng Không Lộ tu thiền đắc đạo có thể đi mây về gió, có lần sang phương Bắc chữa khỏi bệnh cho vua Tống. Vua trả ơn, hỏi muốn lấy gì, Không Lộ chỉ xin đồng đen cho vừa tay nải. Lạ thay, tay nải của Không Lộ tưởng chừng không đáy, cả kho đồng đen của nhà Tống có thể nhét vừa. Rồi ông lên thuyền, thả mũ một cái thuyền chạy băng băng về nước Nam, đem đồng đen đúc thành chuông lớn. Đồng đen là mẹ của vàng, nên khi gióng chuông, con trâu vàng từ phương Bắc nghe thấy tưởng trâu mẹ gọi, chạy sang Đại Việt. Khi tiếng chuông tắt, trâu vàng lồng xéo giẫm sụt mặt đất thành hồ rồi mắc kẹt luôn dưới đáy, gọi là hồ Kim Ngưu. Nay chính là Hồ Tây ở Hà Nội.

Nhân đây kể thêm một dị bản khác của truyền thuyết trâu vàng Hồ Tây. Tương truyền xưa ở núi Tiên Du có con trâu vàng, nửa đêm thường tỏa sáng. Nhà sư trấn yểm lên trán trâu, làm trâu hoảng sợ bỏ chạy, húc vào làm sụt đất, về sau thành thôn Húc. Rồi trâu chạy tới tận ven sông Tô Lịch, đúng lúc Cao Biền cưỡi diều giấy bay qua. Biền tính đuổi theo, mà thoắt cái trâu đã chạy xuống hồ rồi không thấy đâu nữa. Từ ấy gọi là hồ Kim Ngưu, nay là Hồ Tây.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *