Poh Nagar / Thiên Y A Na _ Bà mẹ xứ sở


Bà Thiên Y A Na Thánh Mẫu chính là nữ thần Poh Yang Inư Nagar trong văn hóa Chăm. Vì tên gọi đầy đủ là Thiên Y A Na Diễn Ngọc Phi nên có nơi gọi là Chúa Ngọc Nương Nương. Bà được thờ phổ biến tại miền Nam Trung Bộ và Nam Bộ dưới nhiều tính ngưỡng khác nhau, được triều đình Nguyễn sắc phong là “Hồng nhân phổ tế linh ứng thượng đẳng thần”. Khi nước Đại Việt chiếm được vùng Chiêm Thành, người Việt chuyển đến sinh sống tại vùng miền Trung, tại đây các thánh tích thờ phụng nữ thần Poh Nagar vẫn còn đó và họ tiếp nối nguồn văn hóa này, vị nữ thần của người Chăm đã được Việt hóa và hòa quyện với cả tín ngưỡng người Hoa để trở thành mẹ Thiên Y Thánh Mẫu.

Truyền thuyết bà Poh Nagar:
Tương truyền, nữ thần Poh Nagar do ánh sáng mặt trời hòa quyện với bọt biển tạo thành. Một hôm kia nước biển dâng trào và đưa bà đến sông Yjatran ở Kauthara. Sấm chớp nổi lên, gió lộng tứ bề, muôn loài biết tin bà giáng thế đã, nước trên cao vội chảy xuôi gấp để nghênh đón bà, cây cỏ hạ mình thụ lễ với bà. Nữ thần đã dùng muôn loại phép màu của mình mà hóa ra cung điện tráng lệ, lúa gạo cùng trầm hương. Hậu cung của bà có đến 97 người chồng, uy quyền bậc nhất chỉ có ông Pô Yan Amo. Bà có 83 người con gái, trong đó nữ thần Pô Nogar Dara, Arai Anaih và Pô Bia Tituk là được tôn thờ nhiều nhất.
Trong lịch sử “Yang Poh Inư Nagar” được xem là mẫu, là mẹ của người Chăm; vì “Yang” nghĩa là thần; “ Poh” là tôn kính; “ Inư” là Mẫu, là mẹ; “Nagar” là xứ sở, đất nước. Vì vậy, vị nữ thần này còn được gọi là Bà mẹ xứ sở. Bà được xem là vị thần đầu tiên và đã khai sinh ra vương quốc Chăm Pa, là người khai sáng các ngành nghề, bảo vệ con người khỏi thú dữ, quỷ ma.

Trở vị nữ thần người Việt:
Sau khi Đại Việt thâu tóm lãnh thổ Chăm Pa, người Việt di cư đến vùng duyên hải miền Trung, tại đây các thánh tích về nữ thần Poh Nagar vẫn còn đó, câu chuyện về Bà mẹ xứ sở tuy có nguồn gốc sâu xa từ Ấn Độ Giáo nhưng lại rất phù hợp với quan niệm đạo đức và thẩm mỹ Việt Nam thế nên dân ta đã tiếp thu, cũng xem bà là Bà mẹ xứ sở của mình và Việt hóa bà Poh Nagar trở thành Thiên Y Thánh Mẫu.

Theo truyền thuyết, tại vùng núi Đại An kia có hai vợ chồng lão Tiều không có con cái, họ khai khẩn đất mà trồng trọt sinh sống. Thắc mắc vì sao ruộng dưa cứ bị mất trộm, ông rình xem và bắt được cô gái trẻ. Cô ta chính là tiên cô giáng trần, cảm thấy thương mến cô gái nên nhận là con nuôi. Một hôm mưa bão kéo đến làm cảnh quan tiêu điều, cô nhớ về chốn tiên cảnh của mình nên đã xếp đá làm thành hòn giả sơn ai ngờ cha không ưng bụng nên rầy la. Cảm thấy nhớ cuộc sống tiêu dao tự tại trước kia, cô hóa vào khúc gỗ trầm hương mặc cho sóng biển mang ra ngoài đại dương. Khúc gỗ ấy trôi dạt đến xứ Trung Hoa và tấp vào bờ biển kia, thái tử Bắc Hải con vua lúc ấy nhìn thấy khúc gỗ huyền bí lạ kì đã cho mang về cung. Một hôm thấy có bóng người đi ra từ khúc gỗ, chàng bắt lại tra hỏi, cô gái ấy xưng tên là Thiên Y A Na. Cảm mến dung mạo thanh tao, cốt cách tiên tử, chàng xin thánh thượng ban hôn cùng Thiên Y. Sau đó, Thiên Y thái tử phi đã sinh ra một hoàng tử đặt tên Trí và một công chúa đặt tên Quý.

Một hôm bỗng nhớ nhung quê nhà, nàng dắt hai con nhập vào khúc gỗ trầm hương trở về cố quốc. Đến nơi thì nghĩa phụ, nghĩa mẫu đã thành người thiên cổ, mồ đã xanh cỏ, nàng cho sửa sang thành nơi phụng thờ khang trang. Thấy dân chúng làng Đại An thật thà, chất phác, nhưng cuộc sống nghèo khổ, bà đã đem những gì học được ở quê chồng như phép tắc, lễ nghi, nghề nông chỉ dạy cho dân làng cày đất trồng lúa, trồng dâu nuôi tằm, kéo tơ dệt vải… Dân Đại An ngày một no đủ, giàu có. Đến một ngày nọ, một con bạch hạc từ trên trời cao bay xuống rước Bà cùng hai con về cõi tiên. Nhớ ơn đức cao vời của Bà, dân Đại An xây tháp, tạc tượng phụng thờ. Thái tử Bắc Hải thương nhớ thái tử phi nên đã lên đường tìm kiếm nhưng nàng vẫn bặt vô âm tính. Lúc chàng đưa thuyền vào đất Nam và hỏi thăm thì dân chúng bảo rằng vợ chàng cùng hai con đã cưỡi chim về trời rồi. Không chấp nhận được sự thật, chàng cho quan quân bắt bớ tra khảo dân chúng. Trong lúc bị hành hạ, họ đã thành tâm khấn gọi Mẹ xứ sở cứu giúp và chính lúc ấy, cuồng phong nổi lên, bão cát kéo đến cuốn phăng đám quan quân, đá lớn nhấn chìm thuyền bè xuống sông Cái.

Tượng Bà Thiên Y A Na, tượng chính được thờ ở khu Tháp là tượng nữ thần bằng đá xanh nguyên khối thể hiện Mẹ Xứ Sở ngồi xếp bằng trên đài sen. Toàn bộ tượng và bệ thờ cao với 2 cánh tay chính với 8 cánh phụ ở đằng sau phù điêu hình lá bồ đề gắn liền với tượng. Đây là sự biểu hiện tính toàn năng. Hai cánh tay chính đặt trên đầu gối, bàn tay trái mở ra với ý nghĩa ban phát, bàn tay phải dựng đứng, lòng bàn tay ngửa ra trước, trong tư thế trấn an. Ý nghĩa chung là đem lại sự bình an và ban hạnh phúc cho mọi người ở mọi nơi.Tám cánh tay phụ gồm có mỗi tay cầm một vật phụ khác nhau như: đoản kiếm, mũi tên, vòng mặt trời Sakra, mũi lao, chuông nhỏ, lưỡi giáo Ankura, tù và bằng vỏ ốc, cách cung. Các cánh tay này tỏa ra hình rẻ quạt, rất sinh động. Tất cả những vật này tượng trưng cho quyền uy và trí tuệ của Nữ thần.Pho tượng đặt trên một Yôni lớn, ngực trần, hai bầu vú căng tròn, bụng có nhiều nếp nhăn, chứng tỏ đã trải qua nhiều kỳ sinh nở, bên dưới mặc một chiếc xà rông. Toàn bộ khối tượng với đường nét, tinh tế, uyển chuyển, thanh thoát, đầy sinh lực, gây cho người nhìn một cảm giác gần gũi mà vẫn giữ được vẻ tôn nghiêm.

Sau khi tiếp nhận văn hóa Chăm, người Việt đã đội thêm mão miện, xiêm y long phụng cho bà Poh Nagar, gọi là Mẹ Thiên Y. Ngọn tháp bên cạnh thờ thần Cricamblu trở thành nơi thờ thái tử Bắc Hải chồng bà. Ngọn tháp đầu tiên thờ thần Shiva được gọi là Tháp Cố, thờ ông Cố và bà Cố, cha mẹ nuôi của bà. Ngọn tháp phía sau thờ thần Ganesha và các sinh thực khí được gọi là tháp Cô Cậu thờ hai con của bà. Hiện nay, tùy từng nơi, do tính chất của hoạt động sản xuất mà việc thờ phụng Thiên Yana mang những sắc thái khác nhau. Với các ngư dân chuyên khai thác biển thì bà và ông Nam Hải được coi là vị thánh phù hộ cho nghề cá và ngư dân, trong khi đó ở những làng chuyên nghề nông thờ bà với tư cách là thánh mẫu dạy cho dân biết trồng trọt, phù hộ mùa màng, khai hóa văn minh.Đối với cư dân thành thị, đặc biệt người làm nghề buôn bán thờ bà như một vị phúc thần, phù hộ cho họ buôn may, bán đắt. Với cư dân chuyên nghề khai thác lâm sản Thiên Yana trở thành bà chúa trầm hương, chúa rừng… Hầu như, trong tất cả mọi ngành, nghề ở Nam Trung Bộ đều in đậm tín ngưỡng thờ bà. Các con bà là nữ thần Pô Nogar Dara trở thành Nữ thần Trầm Hương, nữ thần Rarai Anaih trở thành Nữ thần vùng Phan Rang và nữ thần Pô Bia Tikuk chính là Nữ thần vùng Phan Thiết.

Hai nơi thờ bà lớn nhất hiện nay tại Khánh Hòa là Tháp Bà và Am Chúa, vì vậy người dân miền Trung có câu: “Am Chúa hiển nhân, Tháp Bà hiển thánh”. Từ vùng Nha Trang, Khánh Hòa, văn hóa thờ bà Thiên Y lan khắp vùng miền Trung. Suốt vùng eo biển nước ta đều có các am miếu thờ Bà, điện Hòn Chén của Huế cũng thờ Bà và hằng năm tổ chức lễ rước bà trên sông Hương. Trở ra phía Bắc,Thánh Mẫu Liễu Hạnh được xem là một hóa thân của bà. Xuôi về miền Nam, bà là giữ hành Hỏa trong Ngũ Hành Thánh Mẫu, ở vùng núi Tây Ninh đã Việt hóa bà trở thành Linh Sơn Thánh Mẫu (Bà Đen) và xứ Châu Đốc, An Giang bà đã trở thành một hình tượng khác mang tên Chúa Xứ Thánh Mẫu.

Ngày vía bà là ngày 23 tháng 3 âm lịch (trùng ngày vía với Bà Chúa Xứ và Bà Thiên Hậu), người dân xứ Tháp Chàm tổ chức lễ cúng bà cầu quốc thái dân an, thiên hạ thái bình, an cư lạc nghiệp.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *