Ragnarok (Phần 1)
Khi Ragnarok đến, cả thế giới sẽ trải qua ba mùa đông dài liên tiếp mà người ta gọi là Fimbulwinter. Và khi những con gà trống đỏ ở Asgard, Jotunheim, và Niflheim cất tiếng gáy, mọi người đều biết ngày đó đã đến.
Trong sự kiện Ragnarok, những người khổng lồ, được dẫn đầu bởi Surt, sẽ tấn công lên Asgard. Ba người con của Loki sẽ cùng tụ hội để trả thù các vị thần.
Khi những người khổng lồ đánh đến Asgard, Surt sẽ vung lưỡi kiếm lửa của mình, thiêu rụi cây cầu Bifost, những bức tường và cung điện. Con rắn Jormundgan trỗi dậy từ biển cả, dâng nước nhấn chìm cả vùng chiến trường Vigrid. Con sói Fenrir cũng cắn đứt sợi xích trói buộc nó và phá hủy mọi thứ trên đường đi của nó. Mặt Trăng Mani và Mặt Trời Sol thì bị 2 con sói – con của Fenrir là Skoll và Hati nuốt chửng.
Những cuộc giao tranh khốc liệt sẽ diễn ra. Thần Odin sẽ bị Fenrir nuốt chửng. Fenrir lại bị thần Vidar giết.
Thor và con rắn Jormundgandr đánh nhau, tuy giết được con rắn, nhưng thần Thor cũng dính nọc độc của nó và chết theo.
Thần Tyr cùng chết với con chó ngao địa ngục Garm trong trận đấu. Loki và Heimdall cũng bỏ mạng khi giao tranh với nhau.
Thần Freyr bị Surt giết. Sau cùng, Surt đốt cháy cả thế giới, và mặt đất chìm dần trong biển lửa.
Ragnarok (Phần cuối)
Khi hầu hết các vị thần và những người khổng lồ, những con quái vật đã bỏ mạng trong trận chiến cuối cùng, Thế giới chìm vào đêm tối. Nhưng sự hủy diệt không thống trị mãi mãi. Chẳng bao lâu, những vùng đất chìm dưới đáy biển nay lại nổi lên. Thần Baldur và em trai là vị thần mù Hodr trở về từ địa ngục và giúp cây cối đất đai trở nên tươi tốt như xưa. Một cặp vợ chồng người trần là Lif và Lifthrasir may mắn sống sót sau ngày tận thế nhờ trốn vào dưới gốc cây thần Yggdrasil, trở thành tổ tiên của loài người hậu Ragnarok.
Một số vị thần khác cũng sống sót như Vidar, Vali. Hai người con trai của Thor là Modi và Magni sẽ thay cha sử dụng cây búa thần Mjolnir. Họ cùng nhau đi đến một vùng đất còn nguyên vẹn là Idavoll và xây dựng ngôi nhà vĩ đại Gimli với mái bằng vàng.
Có thể nói, trong thần thoại Bắc Âu, ngày tận thế không phải là ngày tận thế. Đó không phải là sự tận diệt, mà là sự kết thúc của một cái cũ và khởi đầu của những điều mới. Sự kiện Ragnarok thể hiện tính chu kì trong quan điểm về thần thoại của người Bắc Âu. Đó đơn giản là giai đoạn chuyển tiếp từ chu kì này sang chu kì khác. Nói tóm lại, có thể hiểu Hủy diệt và Sáng tạo trong thần thoại Bắc Âu là 2 điểm ở 2 đầu của một hình tròn, không phải là 2 đầu của một đường thẳng.