Jesus Christ – Đức Thiên Chúa

Đức Jesus Christ là hình tượng trung tâm của Cơ Đốc giáo, là Chúa Con trong Chúa Ba Ngôi (Father – Son – Holy Spirit) – ba khía cạnh đều là hiện thân của một Thiên Chúa duy nhất. Các tín đồ Cơ Đốc giáo cũng tin rằng ngài là đấng Messiah được tiên báo sẽ xuất hiện từ kinh Cựu Ước, là Thiên Chúa hóa thân thành con người cứu rỗi nhân gian khỏi tội lỗi, và cái chết của ngài trên cây thập tự là sinh tế chuộc tội cho loài người. “Christ” là danh hiệu được đặt cho Ngài, nghĩa là Đấng được xức dầu, Đấng Cứu thế.

Cuộc đời của Đức Jesus từ khi sinh ra đến khi chết rồi phục sinh là những câu chuyện trung tâm của kinh Tân Ước, được kể lại trong 4 cuốn sách Phúc âm (Matthew, Mark, Luke, John) như sau:

Đêm nọ, một thiên sứ ghé thăm Mary, người trinh nữ, người đã được hứa hôn cho Joseph, và nói rằng cô sẽ mang thai đứa con của Thiên Chúa. Thiên sứ cũng trấn an Joseph để ông yên tâm thành hôn với Mary. Bấy giờ người Do Thái đang chịu ách cai trị của La Mã, và theo luật Joseph và Mary phải trở về nguyên quán Bethlehem để kê khai tài sản thu thuế. Mary gần sinh mà các quán trọ tại Bethlehem đã chật kín phòng, buộc họ phải nghỉ ngơi trong chuồng súc vật và hạ sinh Jesus, đặt cậu bé trong máng cỏ. Tin tức về Đấng Cứu thế ra đời được các thiên sứ loan truyền cho những người chăn cừu và ba vị thông thái. Họ đến viếng thăm cậu bé Jesus và dâng lên ngài những vàng bạc, nhũ hương và mộc dược.

Vua Herod của người Do Thái hay tin về “vị vua Do Thái” mới ra đời, ra lệnh giết tất cả trẻ em dưới hai tuổi, buộc Joseph và Mary phải đưa Jesus trốn sang Ai Cập và chỉ trở về sinh sống tại thành Nazareth khi Herod ngã bệnh qua đời. Jesus lớn lên ngày càng khôn ngoan, mới 12 tuổi đã đàm đạo say mê với các nhà thông thái trong vùng. Sau này, Đức Jesus được người anh họ là John Tẩy Giả (John the Baptist) làm lễ thanh tẩy, rồi lên đường giảng đạo và giúp đỡ chúng sinh. Trong khoảng thời gian này còn có một tích khác kể rằng Jesus đã nhịn đói 40 ngày giữa sa mạc để cầu nguyện, khi đó ác quỷ Satan đã dùng cả thế gian để cám dỗ Ngài, nhưng Ngài nhất nhất một lòng hướng về Thiên Chúa.

Dọc đường đi, Đức Jesus thu thập được những người học trò tin vào Ngài, tin vào Chúa, và họ bỏ lại mọi của cải việc làm đi theo Ngài thuyết giảng. Họ là 12 tông đồ của Jesus, bao gồm có:

1. Simon, còn có tên khác là Peter. Ông cũng được coi là Giáo hoàng đầu tiên của Công giáo.
2. Andrew, em trai của Peter, cả hai anh em là những người đánh cá.
3. James, con trai của Zebedee
4. John, em trai của James
5. Philip
6. Bartholomew
7. Thomas, người duy nhất nghi ngờ về sự phục sinh của Jesus
8. Matthew, người thu thuế bị dân chúng căm ghét đã bỏ lại quá khứ sau lưng để đi theo Ngài
9. James, con trai của Alphaeus, thường gọi là James Nhỏ để phân biệt với James, con trai Zebedee.
10. Thaddeus, còn có tên khác là Jude hoặc Judas, nhưng không phải Judas Iscariot kẻ phản bội
11. Simon, người Canaan
12. Judas Iscariot, kẻ phản bội.

Thường đi cùng Đức Jesus còn có những người phụ nữ, trong đó tiêu biểu là Mary, mẹ Ngài, và Mary Magdalene, người phụ nữ đã chứng kiến sự phục sinh của Jesus.

Cùng nhau họ theo Đức Jesus đi khắp các thành phố thuyết giảng, cứu giúp chúng sinh, và chứng kiến những phép lạ của Ngài. Ngài có thể làm cho rượu nho đầy chum, chữa lành cho những người cùi, khiến người bị liệt đi lại được, hồi sinh chàng trai trẻ Lazarus, cho đủ 5000 người ăn chỉ bằng năm ổ bánh và hai con cá nhỏ, đi bộ trên mặt biển… Tiếng tăm của Ngài vang khắp mọi miền, và khi Ngài cùng các môn đồ đến thành Jerusalem, dân chúng đã ùa ra chào đón. Tuy vậy, sự ảnh hưởng của Jesus khiến các thượng tế và trưởng lão không hài lòng, và Judas Iscariot, một trong mười hai tông đồ của Ngài mưu làm phản, thỏa thuận sẽ giao nộp Jesus cho họ với giá là ba mươi đồng bạc.

Trong buổi lễ Vượt Qua, Đức Jesus và các tông đồ đã có bữa tối cuối cùng. Ngài bẻ bánh ra từng miếng nhỏ, tượng trưng cho thân thể của Ngài, ban cho các môn đệ; rồi chia cho họ cùng uống ly rượu, tượng trưng cho máu của Ngài. Đây là nghi thức lễ Vượt Qua của người Cơ Đốc giáo, thay cho nghi thức cũ của người Do Thái giáo được ấn định từ thời Moses.

Rồi Jesus nhìn quanh và buồn bã nói rằng: “Trong anh em đây, có một người sẽ phản bội ta”. Mọi người đều ngơ ngác hỏi rằng: “Có phải con không?”. Jesus trả lời: “Đó là kẻ mà ta đưa miếng bánh này”. Nói rồi Ngài đưa miếng bánh cho Judas Iscariot, và hắn lủi thủi chạy mất.

Tối hôm đó, Đức Jesus và các môn đệ tới vườn Gethsemane cầu nguyện. Ngài đã dặn Peter, James và John thức canh gác cho Ngài, nhưng họ ngủ quên mất. Và đó là lúc Judas xuất hiện. Hắn đến gần và hôn lên trán Đức Jesus, hòng đánh dấu cho đám vệ binh đến trói chặt Ngài. Peter lao đến chém đứt vành tai phải của một tên lính, nhưng Jesus ngăn những môn đồ lại, chữa lành cho chiếc tai của tên lính rồi chấp thuận bị áp giải. Từ đó có điển tích “nụ hôn của Judas”, tượng trưng cho nụ hôn bội phản.

Đức Jesus được đem tới xét xử trước mặt tổng trấn La Mã Pontius Pilate. Vào lễ Vượt Qua có phong tục quan tổng trấn cho người dân phóng thích bất cứ người tù nào họ chọn. Và ông gọi đám đông người dân Do Thái tới và hỏi họ muốn thả ai: tên giết người Barabbas hay Jesus, kẻ được gọi là đức Christ. Lạ thay, dân Do Thái đã bị các thượng tế sách động sự hung hãn từ trước, gào lên đòi thả Barabbas và yêu cầu đóng đinh Jesus lên thập tự giá. Pilate nhún vai, rửa tay trong chậu nước và nói rằng: “Ta vô can trong việc đổ máu người này”. Còn Judas hối hận vì hành động bội phản người thầy, quẳng lại ba mươi đồng bạc trước mặt lũ thượng tế rồi treo cổ tự vẫn.

Vậy là Đức Jesus phải ôm cây thập tự diễu hành giữa đám đông buông những lời mạt sát, chế nhạo và đánh đập. Họ choàng lên Ngài áo hoàng bào và đội lên chiếc vương miện đan bằng gai, phỉ báng người được coi là “vua Do Thái”. Đức Jesus bị đóng đinh trên cây thập tự trên đồi Calvary, cùng với hai tên cướp. Một tên nhạo báng Ngài, tên kia biện hộ cho Ngài, và Ngài nói với anh ta rằng anh sẽ được cùng lên thiên đàng. Đến chiều, Ngài trút linh hồn trên cây thập tự.

Vừa lúc đó một cơn động đất chấn động Jerusalem, màn trướng trong đền thờ bị xé làm hai, khiến người đội trưởng La Mã phải thốt lên rằng: “Quả thật người này là con Thiên Chúa”. Thi hài của Jesus được hạ xuống từ cây thập tự và đưa về mai táng trong ngôi mộ đá.

Sáng sớm ngày thứ ba sau cái chết của Đức Jesus, Mary Magdalene đến thăm mộ Ngài nhưng thấy ngôi mộ trống rỗng. Cô hốt hoảng về báo cho các tông đồ, rồi khi trở lại, Đức Jesus xuất hiện trước mặt Mary Magdalene. Sự phục sinh của Ngài được loan báo trong khắp các tín đồ. Tất cả đều vui mừng, chỉ trừ tông đồ Thomas còn hoài nghi, và Ngài đã xuất hiện trước mặt Thomas để dẹp tan nỗi nghi ngờ đó. Ngài giao lại nhiệm vụ chăn dắt những con chiên, truyền bá thông điệp của Thiên Chúa khắp thế gian cho các tông đồ rồi về trời, để lại niềm tin rằng một ngày Ngài sẽ trở lại cũng bằng cách như vậy.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *