Không chỉ riêng tool LMHT, việc phần mềm thứ 3 can thiệp vào game đã trở thành một phần tất yếu của hệ sinh thái trò chơi trực tuyến.
- Bốc trúng “án tử” cho đội đồng hương Rogue, Jankos bị đồng đội cũ mắng cho to đầu
- Kết quả bốc thăm chia bảng CKTG 2021: “Người cũ tái ngộ”, T1 đối đầu EDG, Tarzan gặp lại Chovy, DK và FPX chung bảng
- RNG công bố đội hình tham dự CKTG 2021, HLV trưởng một lần nữa phải ngồi nhà “chỉ đạo online” vì VISA
Định nghĩa và khái niệm cơ bản về tool Liên Minh Huyền Thoại
Kể từ thời điểm Liên Minh Huyền Thoại vươn mình trở thành tựa game “quốc dân” tại Việt Nam, cộng đồng game thủ trong nước đã quen với cảnh “sống chung với tool”, về mặt truyền thông và cộng đồng, đây được coi là một “vấn nạn” gây ra nhiều nỗi nhức nhối đối với cả phía Nhà phát hành lẫn người chơi.
Trên thực tế, vấn đề sử dụng tool trong Liên Minh Huyền Thoại (LMHT) không phải là một vấn đề riêng của bất kỳ khu vực máy chủ cụ thể nào, mà nó gần như đã lưu hành trên phạm vi toàn thế giới, và không riêng gì Garena, mà đến cả Riot Games hay Tencent Games (đơn vị hợp tác vận hành LMHT tại Trung Quốc) cũng “vô phương xử lý”.
Vậy tool Liên Minh Huyền Thoại là gì? Và nó có ảnh hưởng thế nào tới hệ sinh thái của một trong những tựa game thể thao điện tử đình đám nhất thế giới?
92437715910934752_5
Về nguồn gốc, tool LMHT xuất hiện lần đầu tại máy chủ Bắc Mỹ vào năm 2014, do một Legendshap – Một studio đặt trụ sở tại Đức phát hành. Vào năm 2015, studio này đã bị khởi kiện và phải bồi thường cho Riot Games vì hành vi phát tán dạng phần mềm thứ 3 gây ảnh hưởng tới hệ sinh thái game LMHT. Tuy nhiên, “phát súng khai màn” của Legendshap đã mở ra một làn sóng ngầm trong cộng đồng LMHT, nơi nhiều người chơi đã có cách để tìm đến chiến thắng, mà không cần thông qua con đường chông gai là cải thiện kỹ năng.
Nói một cách chính xác, tool là dạng phần mềm được thiết kế dựa trên thuật toán auto-click. Đây không được coi là hack game – Một dạng “gian lận” khác dựa trên cheat và bug. Ở những phiên bản ban đầu, tool chỉ có tính năng thống kê thông số, đọc tọa độ và chiếm chuột.
Lâu dần, cùng với thời gian, tool được nâng cấp thành các phiên bản sở hữu những công năng đặc dị, giúp người sử dụng “hóa thần”, nói cho vui thì là họ có được Thiên Lý Nhãn và Lăng Ba Vi Bộ, giúp mở tầm nhìn bản đồ và đọc được hướng di chuyển, thao tác của đối phương để tránh né dễ dàng.
Tại sao tool có thể thịnh hành?
Cũng tương tự như hack game, tool vốn dĩ đã sở hữu một sức ảnh hưởng và tầm phủ sóng rất rộng trong LMHT từ khi xuất hiện. Lý do thì rất đơn giản, dùng tool khiến người chơi dễ dàng có được chiến thắng hơn, dễ tận hưởng trải nghiệm “i’m gosu” hơn.
Thay vì bỏ thời gian try-hard, cải thiện tư duy và kỹ năng, thì chỉ cần bỏ ra một số tiền không lớn, người ta hoàn toàn có thể tận hưởng cảm giác né chiêu như Faker. Nhìn chung, việc tool vẫn tồn tại và phát triển cho đến ngày nay nằm ở 2 thế mạnh cơ bản: Hiệu quả và rẻ.
Riot Games rõ ràng hiểu rõ điều này, và cha đẻ của LMHT đã dành rất nhiều tâm huyết để khắc chế vấn nạn lạm dụng tool trong game. Nhưng vấn đề là, sẽ không bao giờ có chuyện các Nhà làm game có thể triệt tiêu hoàn toàn tool hay hack khỏi game, bởi dù là hack hay tool thì bản chất của chúng đều được sản sinh từ chính những mã nguồn của tựa game đó, và ngay cả khi nâng cấp hệ thống bảo mật, thì các phần mềm hack và tool cũng sẽ cứ thế mà “tiến hóa” theo.
Như đã đề cập, một trong những vấn đề khiến tool trở nên thịnh hành, là bởi chúng giúp “nâng tầm” kỹ năng của người chơi một cách vô điều kiện. Theo thống kê hiện nay, nếu tính theo bậc xếp hạng, thì chỉ có 10% tổng số người chơi LMHT đạt bậc rank Bạch Kim – Cột mốc được đánh giá là “trung bình khá” của tựa game này, và chỉ có 1,8% là sở hữu bậc rank Kim Cương, tức những người chơi thuộc dạng giỏi về cả tư duy lẫn kỹ năng, nhưng chưa đạt đến trình độ đẳng cấp cao.
Tâm lý của game thủ khi gắn bó với một trò chơi nào đó, nghiễm nhiên họ luôn muốn khẳng định bản thân bằng những chiến thắng, những thống kê ấn tượng, mà minh chứng rõ nét nhất là thông qua bậc xếp hạng. Nếu người chơi đó không nằm trong số 10% đạt rank Bạch Kim, tức là họ chỉ đạt trình độ trung bình trong game. Để cải thiện điều này, họ chỉ có một lựa chọn duy nhất nếu muốn theo con đường “chính đạo”, đó là cải thiện kỹ năng và vốn hiểu biết về game.
Tuy nhiên, đây không phải là vấn đề có thể lấy “cần cù để bù thông minh”, thực tế, LMHT là tựa game đòi hỏi rất nhiều yếu tố về phản xạ, cách nhận thức và lối tư duy linh động. Nó vừa sở hữu một kho dữ liệu, thông số đồ sộ, vừa có lối chơi yêu cầu sự linh động trong thao tác điều khiển. Những yếu tố này đều ít nhiều cần tới một chút “thiên bẩm”, và ngay cả khi người chơi tập trung try-hard, thì cũng chẳng biết bao nhiêu cho đủ, bởi “bạn tiến lên nhưng người khác cũng đâu chịu ngồi yên!”
Và thế là tool trở thành cứu cánh cho những người chơi muốn lên rank nhưng trình độ chưa cho phép, hoặc đơn giản là một chút tâm lý “sống ảo”, muốn khoe trình, đăng một chút highlight…
Nói về độ thịnh hành của tool LMHT, chỉ cần gõ từ khóa này lên Google, người ta có thể lọc ra hàng chục ngàn kết quả tìm kiếm trong 0,5 giây, mà phần lớn trong số đó sẽ dẫn người xem tới các địa chỉ mua bán, phân phối các loại tool.
Theo chia sẻ của một vài “người trong ngành”, hiện nay giá cả của các phần mềm tool LMHT rất đa dạng, loại rẻ nhất là 1.000 VNĐ/1 giờ sử dụng, cho đến những loại “cao cấp” hơn với giá 70.000 VNĐ/24 giờ sử dụng.
Việc phân loại này sẽ dựa trên tiêu chí về độ an toàn của phần mềm đó, giá càng cao đồng nghĩa với việc càng khó bị các công cụ chống phần mềm thứ 3 của Riot Games phát hiện, tức là độ an toàn cho người sử dụng sẽ tốt hơn.
Tuy nhiên, không một nhà phân phối tool nào dám cam kết với khách hàng của mình rằng họ sẽ an toàn tuyệt đối ngay cả khi sử dụng những gói tool VIP nhất, vì bằng cách này hay cách khác, Riot Games vẫn có khả năng truy quét và tiến hành ban các tài khoản sử dụng tool.
Vậy câu hỏi đặt ra là tại sao ngay cả khi cầm chắc “án phạt”, nhưng vẫn có rất nhiều game thủ bất chấp mọi cảnh cáo để sử dụng tool? Điều này chỉ có thể xét trên 2 phương diện tâm lý và thói quen để tìm kiếm câu trả lời.
Một lần nữa chúng ta phải nhắc lại câu chuyện ở phần trên: Bạn sẽ làm gì nếu muốn thắng nhưng… không thắng nổi? Một là try-hard, hai là sử dụng tới tool như một công cụ hỗ trợ kỹ. Theo trải nghiệm của những người đã sử dụng tool, việc dùng phần mềm này sẽ giúp cho họ tăng tiến một “trình độ ảo” ít nhất là 2 thang xếp hạng, nếu trình độ thực sự của họ nằm ở bậc Vàng I, thì khi có tool, họ sẽ đánh như một người chơi Kim Cương, với khả năng né chiêu siêu đẳng và phản xạ nhanh nhạy tới… đáng ngờ.
Việc tăng tiến trình độ thần tốc mà chẳng tốn chút công sức nào, dễ nảy sinh tâm lý… gây nghiện. Mà một khi đã nghiện thì người ta sẽ bất chấp rất nhiều thứ. Dù Riot Games hay Garena có đưa ra cả danh sách hàng chục ngàn người chơi bị khóa tài khoản mỗi ngày, thì nhiều game thủ vẫn cứ ậm ừ: “Chắc họ chừa mình ra.”
Hơn nữa, một khi đã dùng đến tool, sẽ rất khó để người chơi có thể thoát ra. Bởi dùng công cụ hỗ trợ quá nhiều sẽ dẫn đến kỹ năng của chính họ cũng bị mai một dần. Tương tự như những gì xảy ra trong bộ phim hoạt hình viễn tưởng Wall-E, nơi mà con người thậm chí mất khả năng đi lại trên đôi chân của mình, khi họ đã quá phụ thuộc vào những cỗ máy di chuyển cá nhân vậy.
Một người chơi đã quen với tool, khi không có công cụ này hỗ trợ, sẽ dễ dàng nhận ra rằng anh ta thậm chí đã đánh mất chính mình, chơi game còn kém hơn hẳn so với trình độ thực tế trước kia. Một cảm giác “tù” không tả nổi khi tự chơi bằng thực lực, sẽ khiến người đó càng phải phụ thuộc vào tool nhiều hơn.
Khi một người chơi sử dụng tool quá nhiều, thì ngay cả những kỹ năng di chuyển cơ bản của họ cũng dễ bị mai một
Tool – Một phần tất yếu của hệ sinh thái game trực tuyến, và mối xung đột lợi ích giữa cá nhân – cộng đồng
Ở kỳ trước, chúng ta đã tìm hiểu những khái niệm cơ bản về tool Liên Minh Huyền Thoại và cách mà chúng trở nên phổ biến trong cộng đồng. Hôm nay, hãy cùng tiếp tục khai thác những khía cạnh sâu rộng hơn về vấn đề này. Liệu người sử dụng tool có lý lẽ riêng của họ, và cộng đồng có cơ sở nào để chấp nhận những lý lẽ đó?
Có một thực tế là, nếu phân loại tool như một dạng phần mềm thứ 3 can thiệp vào cơ chế game thông thường, thì chắc hẳn phần lớn trong số chúng ta đều đã từng “dùng tool”. Nhưng tool ở đây là trong các tựa game MMORPG – Nhập vai trực tuyến cày cuốc.
Chẳng hạn, bạn chắc chắn đã từng nghe tới câu chuyện “tải auto Võ Lâm Truyền Kỳ”, hay “auto Phong Thần” rồi chứ? Đó cũng là một dạng tool dựa trên auto-click, hỗ trợ cực kỳ hữu hiệu cho người chơi trong tiến trình cày cuốc, như tính năng tự động dò đường, tự động farm quái… Những phần mềm này dù được phát triển bởi bên thứ 3, nhưng gần như không bị các NPH đả động đến, do xét trên phương diện tính năng, nó chỉ mang lại những hiệu ứng tích cực cho người chơi.
Thậm chí, nếu nhìn vào chiều dài lịch sử của game MMO, chúng ta sẽ dễ dàng thấy được những dòng game tân thời phát hành sau năm 2010, thậm chí còn tích hợp cả những tính năng này vào game, tạo nên một kỷ nguyên “game tự động đánh”.
Rất nhiều người chơi dòng game MOBA, ARTS sau này, đều là những game thủ gắn bó lâu dài với dòng game MMO, vì vậy, thói quen sử dụng tool cũng len lỏi vào trong cộng đồng LMHT một cách âm thầm và lặng lẽ. Đối với những người chơi phân biệt rạch ròi khái niệm trình độ, họ sẽ phản đối việc dùng tool để can thiệp vào một trò chơi thuần kỹ năng và không hề có yếu tố cày cuốc. Bởi việc nhờ đến phần mềm thứ 3 để “gian lận” trình độ là điều bất công đối với những game thủ đi lên bằng thực lực của mình.
Đối với những cá nhân sử dụng tool, suy nghĩ của họ đơn giản là “tôi có tiền, tôi mua chiến thắng, phạt thì chịu”
Tuy nhiên, dưới góc độ của những người sử dụng tool, họ đơn giản coi đây là một sở thích, thú vui riêng. Có cung thì ắt có cầu và ngược lại. Thực tế là hiện nay, chưa một quốc gia nào áp dụng chế tài pháp luật cụ thể để xử lý hành vi sử dụng phần mềm gian lận. Thường thì chính quyền các nước sẽ nhắm vào các đối tượng sản xuất và lưu hành tool, do vấn đề liên quan đến xung đột lợi ích của các doanh nghiệp – Nhà phát hành game là đủ để cấu thành hành vi vi phạm pháp lý, chứ hiếm khi xử phạt những người sử dụng chúng.
Đối với phần lớn nhóm người chơi sử dụng tool, họ chấp nhận việc bỏ một số tiền ra để mua chúng, chấp nhận việc tài khoản của mình có thể bị khóa bất kỳ lúc nào. Rồi sau đó, chỉ bằng một số tiền rơi vào khoảng 50.000 – 100.000 VNĐ cho một tài khoản mới “trắng tinh” thông tin, họ sẽ lại lặp lại động thái đó. Trong quan điểm của nhiều người chơi tool, họ bỏ tiền ra để tận hưởng cảm giác chiến thắng – Một tâm lý rất thường thấy trong văn hóa game MMO kéo dài gần 2 thập kỷ.
Nhưng vấn đề cũng nằm ở đây, đó là việc niềm vui cá nhân của họ lại xung đột trực tiếp với lợi ích cộng đồng, như đã đề cập ở trên. Việc các nhà phát hành lên án vấn nạn sử dụng tool, hack, về mặt giấy tờ và pháp lý, thường chỉ được coi là quy tắc riêng biệt của từng cộng đồng, chứ chưa phải là hành vi vi phạm pháp luật. Ở một số quốc gia, việc sử dụng phần mềm thứ 3 cũng có thể bị xử phạt, nhưng thường chỉ dừng ở mức phạt hành chính.
Trong vài năm trở lại đây, các khu vực Trung Quốc, Đài Loan hay Đông Nam Á đã trở thành “vùng đỏ”, nơi các phần mềm thứ 3 trở nên phổ biến và có sức ảnh hưởng sâu rộng trong mọi tựa game thịnh hành, chứ không riêng gì LMHT. Một trong những nguyên nhân khiến Riot Games hay Garena, và thậm chí là cả Tencent, trở nên bất lực trong việc kiểm soát tool, là bởi số lượng các điểm phát hành phần mềm này vẫn mọc lên như nấm mỗi ngày, và trở thành một hoạt động kinh doanh “xuyên biên giới”.
Các phần mềm tool được sản xuất tại Trung Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ hay châu Âu thì thường không được phát hành trong nước, bởi rất dễ để các cơ quan pháp luật truy quét. Thay vào đó, chúng thường được lưu hành ra hải ngoại, bán cho người dùng ở các quốc gia lân cận, hoặc các khu vực mà ở đó, sự quản lý của các NPH game là không đủ chặt chẽ.
Một “shop” phân phối tool có thể xuất từ vài chục đến vài trăm đơn hàng mỗi ngày, và gần như công việc này sẽ không gặp quá nhiều cản trở, bởi khi NPH game nâng cấp công cụ chống phần mềm thứ 3, thì các đầu mối sản xuất tool cũng lập tức đưa ra các “bản update” tương ứng. Và quan trọng là một khi nhu cầu của người chơi về việc sử dụng tool vẫn vô cùng lớn, thì việc buôn bán tool vẫn sẽ diễn ra một cách trơn tru.
Nói đến đây thì chúng ta lại phải quay lại vấn đề góc nhìn và tư tưởng. Câu chuyện sống chung với tool vẫn có thể tóm gọn vấn đề trong việc xung đột giữa một bên là sở thích cá nhân và một bên là lợi ích cộng đồng. Thực tế là không phải game thủ nào cũng dành quá nhiều thời gian suy nghĩ về những vấn đề lớn lao khác ngoài việc giải trí trong game, và câu chuyện ý thức cũng sẽ chỉ dừng lại ở những lời chỉ trích vô nghĩa, bởi ý thức hệ giữa hai phe “tool” và “thực lực” vốn dĩ đã quá khác biệt.
Vấn nạn tool, hack thực tế sẽ không bao giờ được giải quyết triệt để, bởi ngoài vấn đề chuyên môn, chuyên ngành, thì việc hướng hàng triệu người chơi về cùng một tư tưởng, một lối suy nghĩ đồng nhất, thực sự là một giấc mộng viển vông.
Theo GameK