T1 sở hữu một “bảo vật” nhưng chưa bao giờ phát huy tối đa sức mạnh.
Trận đấu giữa T1 – Bilibili Gaming có thể nói là phần nào đã làm khán giả hơi thất vọng khi nhiều người mong chờ một cuộc tranh tài căng thẳng kéo dài đủ 5 ván. Nhưng trên thực tế về mặt thế trận thì kết quả này lại không có gì bất ngờ khi BLG tỏ ra áp đảo hoàn toàn T1. Chỉ có duy nhất ván thi đấu thứ hai là T1 với những lựa chọn phù hợp meta cũng như lối chơi là có thể cho thấy sự kiểm soát. Còn lại, cả 3 ván thua họ đều bị BLG dẫn dắt và tất cả những gì nhà đương kim vô địch CKTG làm được là những màn băng trụ cũng như một số pha highlight không mang quá nhiều ý nghĩa tổng thể.
Có thể nói, BLG đã khóa chặt chiến thuật của T1 ngay từ khâu cấm chọn. Bằng việc có cho mình những lựa chọn tốt hơn, BLG còn buộc các tuyển thủ T1 phải lộ “sở đoản” thông qua những vị tướng “trái khoáy”. Ví dụ như Faker phải sử dụng Veigar và Akali – một vị tướng thì không phù hợp lắm với meta hiện tại còn Akali đã lâu gần như không còn xuất hiện trong tay Faker. Lối chơi của Faker là make play nhưng có ván đấu BLG đã cấm hết vào 5 tướng phù hợp nhất cho vai trò của Faker.
Có thể nói, khi Faker không còn được make play, T1 ngay lập tức như “rắn mất đầu”. Nhưng thực tế, không phải ván nào BLG cũng cấm hết tướng của Faker. Như không ai hiểu tại sao họ tiếp tục chọn vào Twisted Fate – vị tướng đã khiến chính T1 gặp khó trong trận với G2 Esports và rất nhiều trận trước đó. Và trong khi T1 tập trung lên cánh trên, họ vô tình bỏ qua một “bảo vật” xứng đáng nhận được nhiều sự quan tâm, chính là Gumayusi.
Trong cả 4 ván đấu, lần duy nhất Gumayusi thực sự được sử dụng một vị tướng Xạ Thủ có thể gánh team chính là ván quyết định. Trong khi đó, Elk được sử dụng Kalista và Lucian – 2 trong số những Xạ Thủ mạnh nhất hiện nay ở 3 ván. Thậm chí, khi để cho Elk sử dụng Senna, BLG cũng có dàn chắn vô cùng mạnh mẽ, với Nautilus và K’Sante. Cùng với Nidalee và Tristana là hai vị tướng khuấy đảo giao tranh cũng như gank lane rất mạnh, Senna của Elk hoàn toàn thoải mái.
Trong khi đó, quay lại với Gumayusi, anh không nhận được sự “ưu ái” này, ít nhất trong trận gặp BLG vừa qua. Ván 1, đội hình mỏng và cần farm của T1 chỉ có K’Sante và Tahm Kench chống chịu tốt nhưng đối phương lại sở hữu Vayne có thể xem là khắc chế cứng của K’Sante khi đi đường nhờ sát thương chuẩn. Sang ván 3, vẫn là Senna nhưng lần này nhiệm vụ dàn chắn dồn hết lên Keria vì T1 chọn 4 vị tướng còn lại đều là sát thương. Đến khi Gumayusi được sử dụng Kalista, thì mọi thứ đã quá muộn.
Gumayusi là một trong số những Xạ Thủ tốt nhất thế giới hiện tại và anh đã rất nhiều lần chứng minh điều đó, thông qua những vị tướng như Varus hay Lucian. Đành rằng đối phương cũng có thể cấm vào những tướng của Gumayusi, nhưng T1 gần như chỉ để cho Xạ Thủ của mình sử dụng những vị tướng có thể nói là có phần tù túng như Senna. Chưa kể, họ cũng không có dàn chắn phù hợp để Gumayusi thoải mái xả sát thương. Ngay cả khi sử dụng Varus, không ít lần “Thái tử” phải tự lực cánh sinh.
Riêng tại MSI lần này, Gumayusi đã trải qua 13 ván đấu, nhưng anh chỉ được sử dụng 3 tướng. Và đáng ngạc nhiên, trong số đó lại không hề có Lucian – vị tướng cũng rất sở trường của Gumayusi. So với Elk, anh này đã mang ra dùng đến 5 vị tướng và chỉ có mỗi Senna là không phải AD thuần. Hay Hans sama cũng 4 tướng và tất cả đều là tướng Xạ Thủ. Trong khi đó, Kalista là tướng được Gumayusi dùng nhiều nhất với 5 ván. Hai cái tên ngang bằng nhau là Senna và Varus với 4 ván nhưng Senna lại không phải Xạ Thủ thuần.
Tất nhiên, mọi tuyển thủ đều phải tuân thủ lối chơi chung của T1. Nhưng những chiến thuật đã qua chưa cho thấy sự hiệu quả. Bây giờ T1 đang ở thế chân tường và có lẽ, khi sở hữu một Xạ Thủ như Gumayusi, đã đến lúc T1 tận dụng tối đa “bảo vật” để có thể vượt qua giai đoạn khó khăn hiện tại và vươn đến danh hiệu đầu tiên trong năm 2024.
Theo GameK