Chính cựu tuyển thủ cũng không hiểu vì sao anh lại bị ném đá vì tựa game Black Myth: Wukong đình đám hiện nay.
Cựu vô địch CKTG bị chỉ trích vì chơi Black Myth: Wukong
Những ngày qua, có thể nói là gần như toàn bộ cộng đồng game thủ trên toàn thế giới phát sốt với Black Myth: Wukong. Tựa game thể loại nhập vai, cốt truyện mở tương tự như một số cái tên đình đám trước đó (Dark Souls, Naraka: Bladepoint…) Nhưng sức hút của Black Myth: Wukong còn đến từ việc tựa game dựa trên một trong Tứ đại kỳ thư của Trung Quốc và Ngộ Không thì đã là một trong những nhân vật bất tử của văn hóa đại chúng khắp thế giới. Riêng tại xứ Trung, tựa game càng được yêu thích hơn và ngay cả các siêu sao LPL cũng livestream chơi game này, nhất là những tuyển thủ đã giải nghệ như Uzi, Baolan… và những KOL đình đám khác.
Thế nhưng, cựu vô địch CKTG 2018 – Baolan lại gặp “tai bay vạ gió” với tựa game đình đám này. Cụ thể, Baolan chỉ dùng 1 mạng đã vượt qua được một Boss khó trong Black Myth: Wukong và vì quá phấn khích, cựu sao Invictus Gaming đã đăng bài khoe “chiến tích”. Thế nhưng, trái ngược với mong đợi của Baolan (và có lẽ là suy nghĩ thông thường của nhiều fan), Hỗ Trợ từng lên ngôi vô địch CKTG 2018 lại bị không ít fan nữ chỉ trích. Thậm chí, còn có bình luận thẳng thắn: “Anh nên hiểu rõ đối tượng fan của mình là ai, hãy nhìn vào số liệu livestream của anh mà xem, ai là người đang nuôi sống anh?”. Áp lực từ cộng đồng quá lớn và Baolan sau đó đã phải xóa bài đăng về Black Myth: Wukong đi.
Từ việc Baolan chơi Black Myth: Wukong đến sự toxic của một bộ phận fan “idol hóa” tuyển thủ
Việc các đội hướng tuyển thủ thành idol là chuyện không còn xa lạ tại LPL hay LCK. Nhưng chính từ đây, tuyển thủ lại trở thành “nạn nhân” của một bộ phận fan quá khích. Đáng nói, nếu Baolan vẫn còn thi đấu LMHT chuyên nghiệp cho một đội tuyển nào đó, việc anh làm là rất đáng trách. Nhưng đằng này, cựu sao IG đã nghỉ thi đấu được một thời gian dài và nhiều khả năng sẽ giải nghệ luôn trong tương lai. Chưa kể, anh cũng không vi phạm hợp đồng livestream game đối thủ với Riot hay Tencent.
Hơn nữa, việc các fan donate có thể giúp tuyển thủ có một nguồn thu nhập đáng kể. Nhưng riêng với bộ môn LMHT, không tuyển thủ chuyên nghiệp nào xem livestream như nguồn sống chính. Chính vì vậy, một bộ phận fan cực đoan có vẻ như đang có động thái nâng cao vị thế của mình hơn so với thực tế và gây áp lực tiêu cực cho các tuyển thủ.
Việc “idol hóa” tuyển thủ LMHT sẽ giúp các đội tuyển và tuyển thủ có một lượng fan lớn, nhất là fan nữ. Nhưng đây là “con dao hai lưỡi” mà bất cứ khi nào cũng có thể khiến đội tuyển và tuyển thủ chịu ảnh hưởng tiêu cực trong khi họ chẳng làm gì sai.
Theo GameK