Bảo tàng Mariupol nơi lưu giữ bộ sưu tập hơn 500 vật phẩm liên quan đến các trò chơi cổ điển đã bị phá hủy trong chiến tranh Nga và Ukraine.
Trò chơi điện tử vẫn là một hình thức truyền thông tương đối mới và đã phát triển nhanh chóng đến mức các máy chơi game hiện đại đã được tích hợp công nghệ vượt xa các máy chơi game phát hành chỉ mới một thập kỷ trước. Bản chất phát triển nhanh chóng của ngành trò chơi cũng có nghĩa là một khi một thế hệ máy console nào đó kết thúc, các trò chơi thường phải ngừng phát hành cho nền tảng đó hoặc cho các hệ máy đời thấp hơn của thiết bị đó. Điều này có nghĩa là các thời đại trò chơi khác nhau luôn được tách biệt và xác định rõ ràng, khiến chúng trở nên hoàn hảo để được lưu giữ và trưng bày trong bảo tàng.
Bảo tàng trò chơi cho phép cả người mới và chuyên gia trong chủ đề này được đi qua lịch sử của ngành trò chơi và thấy sự phát triển của nó. Với lịch sử của chủ đề được trình bày rõ ràng, khách vào bảo tàng có thể nhận thấy những điểm tương đồng và khác nhau trên mỗi thiết bị công nghệ. Trong thời đại phương tiện kỹ thuật số có thể bị xóa hoặc biến mất, chẳng hạn như cửa hàng Nintendo 3DS và Wii U đóng cửa mới đây, lịch sử của ngành game ngày càng trở nên khó duy trì.
Thật không may là các bộ sưu tập trò chơi có thể mất hàng thập kỷ để xây dựng và sưu tập vẫn có thể bị mất ngay lập tức chỉ trong một khoảnh khắc. Đây là những gì đã xảy ra với Bảo tàng Máy tính Mariupol, nơi đã bị phá hủy trong thời gian Nga xung đột với Ukraine. Chủ sở hữu của bảo tàng là Dmitry Cherepanov hiện đang an toàn, nhưng ông không chỉ mất đi dự án tâm huyết trong 15 năm qua mà còn mất đi ngôi nhà của mình.
Bộ sưu tập của bảo tàng có hơn 500 vật phẩm từ ngành trò chơi và lịch sử máy tính, kéo dài từ những năm 1950 đến nay. Dmitry Cherepanov không chỉ là chủ bảo tàng mà còn tự mình phục chế nhiều món đồ trong bộ sưu tập, cho thấy rõ ràng là ông rất đam mê trong việc duy trì lịch sử ngành game. Cherepanov đã viết trong một bài đăng trên trang Facebook it8bit Club rằng “tất cả những gì còn lại từ bộ sưu tập của tôi mà tôi đã thu thập trong 15 năm chỉ là những mảnh ký ức vụn vặt”. Chiến tranh cũng đã ảnh hưởng đến nhiều người hoạt động trong ngành công nghiệp trò chơi vì Ukraine là nơi có nhiều studio phát triển, và một số nhà phát triển trò chơi này đã phải chạy trốn khỏi Ukraine.
Cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine đã bị nhiều công ty trong lĩnh vực game lên án, với một số công ty như CD Projekt Red đã quyên góp để giúp đỡ viện trợ nhân đạo cho Ukraine. Hàng trăm thường dân Ukraine đã thiệt mạng trong cuộc xung đột và hơn ba triệu người đã phải rời bỏ nhà cửa và đất nước của họ. Vụ phá hủy Bảo tàng Máy tính Mariupol chỉ là một trong hàng triệu ví dụ về việc nhiều người buộc phải từ bỏ đam mê và ngôi nhà của họ để được an toàn trong chiến tranh.
Mặc dù một bảo tàng trò chơi đơn lẻ này không thể so sánh với những thương vong khác do một cuộc chiến tranh quy mô gây ra, nhưng đây là một ví dụ về những mất mát hiếm khi được nhắc đến sau khi một cuộc chiến tranh kết thúc. Các khoản tiền đền bù thường được trả sau khi xung đột kết thúc, nhưng ngôi nhà và 15 năm làm việc cho một dự án đam mê đáng tiếc thay không phải là thứ có thể dùng tiền để bù đắp được.
Xem thêm: Nhiều game thủ không hài lòng về dịch vụ đăng ký mới của Grand Theft Auto Online
Theo: Game4v