Bồ Lao (蒲牢), còn được biết đến trong một số tài liệu như là Đồ lao (徒劳), là một loại rồng Trung Quốc, và là một trong số chín con của rồng (Long sinh cửu tử). Đứa con thứ tư của Rồng, mang hình dáng na ná giống như cha của nó, nhưng nhỏ hơnBồ Lao được cho là sống ở gần biển, thích “ca hát” (nói chính xác là gầm rống), tiếng gầm có thể vang tận trời, vọng khắp núi non. Con vật này cũng từng được một học giả nhà Đường tên Lý Thiện (630-689) nhắc đến như sau: “Giữa biển có cá lớn gọi là cá kình, trên bờ biển lại có loài thú gọi là Bồ Lao. Bồ Lao vốn rất sợ cá kình. Khi cá kình tấn công Bồ Lao thì [Bồ Lao] kêu rất to. Vì thế muốn làm chuông kêu to thì người ta đặt Bồ Lao ở trên đỉnh chuông và chày đánh chuông được chạm hình cá kình”.
Trong cuộc sống, không khó để ta bắt gặp hình ảnh Bồ Lao đặc biệt là ở những nơi đền chùa cổ xưa. Tượng một con Bồ Lao (có lúc sẽ là 2 con nhưng thân giữa nối liền vào với nhau, 2 đầu quay ra 2 bên tạo thành cái quai chuông) ở bên trên cái chuông (thường những chuông lớn, chuông chính mới có) bám chắc lấy quả chuông đó. Gõ bằng cái chày chạm khắc hình cá Kình, người thiết kế cho rằng họ đang dọa Bồ Lao, khiến nó kêu thay cho chuông những tiếng kêu vang vọng nhất mà họ muốn…
Trong thời nhà Minh, bồ lao (với tên gọi khi đó là đồ lao) đã xuất hiện trong danh sách các linh vật có ảnh hưởng xuất hiện trong kiến trúc và mỹ thuật ứng dụng, được Lục Dung (陆容, 1436-1494) biên soạn trong tác phẩm Thục viên tạp ký (椒园杂记).