Trong thần thoại Hindu, vũ trụ được tạo ra và điều khiển bởi 3 vị thần tối cao được gọi chung là Trimurti, bao gồm: Brahma – Đấng Tạo hóa, Vishnu – Đấng Bảo hộ và Shiva – Đấng Hủy diệt.
Thần Brahma được cho là vị thần tối cao, đấng tạo hóa của vạn vật thế gian, vị thần tạo ra con người và sáng tạo ra kinh Vệ Đà – bộ kinh được coi là suối nguồn tri thức của nền văn minh Ấn Độ. Có rất nhiềutruyền thuyết khác nhau kể về sự ra đời của thần Brahma. Có truyện kể ông tự sinh ra từ một đóa hoa sen, có truyện lại kể ông sinh ra từ một hạt giống, từ dưới nước hoặc từ một quả trứng vàng, quả trứng tách đôi, Brahma dùng nửa trên làm trời, nửa dưới làm đất (có nét tương tự truyền thuyết Bàn Cổ khai thiên lập địa ở Trung Quốc).
Thần Brahma được miêu tả là vị thần có 4 đầu, 4 gương mặt (tượng trưng cho 4 hướng Đông Tây Nam Bắc), 4 cánh tay (tượng trưng cho 4 phần của kinh Vệ Đà), râu tóc trắng xóa (tượng trưng cho sự trường cửu). Bàn tay phải phía sau biểu thị cho tâm trí, bàn tay trái phía sau biểu thị cho trí tuệ, tay phải phía trước là bản ngã và bàn tay trái phía trước là sự tự trọng. Trên 4 tay, thần Brahma luôn cầm theo 4 thần vật: 1 cuốn kinh Vệ Đà (tượng trưng cho tri thức), một đóa sen (tượng trưng cho thiên nhiên), một tràng hạt (tượng trưng cho vật chất trong quá trình sáng tạo vũ trụ), một cái ấm nước/ cái cốc hoặc quyền trượng (tượng trưng cho quyền lực tối cao). Ông là vị thần duy nhất không cầm theo bên mình bất kỳ loại vũ khí nào.
Biểu tượng của thần Brahma là loài thiên nga. Đây là thú cưỡi của thần Brahma và cũng là sự tượng trưng cho ân điển và sự sáng suốt của thần.