Trong Anime Mùa thu 2017, Inuyashiki là một trong những anime được chú ý và yêu thích nhất. Câu chuyện về cuộc sống của ông già Inu Yashiki tốt bụng sau khi biến thành một siêu anh hùng đã để lại cho người xem nhiều suy nghĩ. Thế nhưng, điều khiến người xem chua xót nhất trong suốt anime chính là sự thờ ơ, lãnh lẽo, thậm chí là chán ghét ra mặt của chính vợ con Yashiki-san đối với ông. Phim ảnh vốn từ thực tế đời sống mà ra, vậy câu chuyện thật của những người đàn ông ở Nhật Bản cũng là như thế sao? Hôm nay, TinAnime sẽ cùng các bạn tìm hiểu vấn đề này!
Từ câu chuyện trong thế giới 2D…
Xem tập 1 của Inuyashiki, rất nhiều fan đã khóc cho số phận của ông lão Inu Yashiki bất hạnh. Lao động cực khổ, sống tằn tiện từng chút một để chăm lo cho vợ con đủ đầy, mới 58 tuổi thôi mà trông ông y hệt như một lão già 70 tuổi.
Vậy mà người đàn ông ấy lại không nhận được một chút sự quan tâm và thấu hiểu của vợ và các con dù chỉ là nhỏ nhoi, thậm chí họ còn coi ông như gánh nặng. Người bạn duy nhất vui mừng chào đón ông mỗi khi về nhà lại là chú chó Hanako.
Bất hạnh ập đến bất ngờ và liên tiếp khi ông nhận được thông báo đuổi việc, rồi sau đó bác sĩ cho biết bản thân ông bị ung thư giai đoạn cuối và chỉ còn sống được 3 tháng nữa. Hy sinh cả đời vì gia đình, nhưng thời điểm này, ông cũng không biết, liệu rằng những người gọi là người thân ấy có khóc khi ông chết không?!
Và câu chuyện thương tâm của ông lão Inu Yashiki không phải chỉ là một câu chuyện ảo tưởng.
Đến hiện thực trong xã hội Nhật Bản
Nói đến Nhật Bản là nói đến một đất nước văn minh và hiện đại. Thế nhưng ở đó, người ta vẫn bảo lưu một truyền thống lâu đời, đó là sự phân công lao động rất rõ ràng trong gia đình.
Theo đó, người chồng làm việc kiếm tiền nuôi gia đình, còn người vợ ở nhà làm nội trợ, chăm sóc con cái.
Ít ai biết rằng, trong một xã hội tưởng như người chồng sẽ nắm được quyền quyết định tuyệt đối trong gia đình như vậy lại đang tồn tại một thực trạng đáng báo động. Đó là bạo hành gia đình mà nạn nhân lại là những người chồng.
Tình trạng này đã tồn tại trong xã hội Nhật Bản từ nhiều năm nay và đang có xu hướng gia tăng.
Câu chuyện của một người trong cuộc
Ông Tanaka (tên đã thay đổi), 50 tuổi là một nhân viên văn phòng tại Tokyo. Sau 20 năm kết hôn, ông và vợ đã có 2 người con trai.
Năm 2013, Tanaka buộc phải bỏ trốn khỏi chính căn nhà của mình vì không thể chịu đựng thêm những trận bạo hành của vợ.
Ông đã từng tới đồn cảnh sát để tố cáo vợ nhưng tại thời điểm đó không ai chịu tin ông là nạn nhân của bạo hành gia đình. Người đàn ông này đã phải rất cố gắng để nói về khoảng thời gian đau khổ ấy. Còn bây giờ ông, chỉ chờ về hưu và sống đơn độc suốt quãng đời còn lại.
Ban đầu, người vợ chỉ thay đổi cách xưng hô với chồng theo cách gay gắt hơn bình thường nhưng tình hình sau đó càng trở nên thậm tệ. Bà ta thậm chí còn không đồng ý cho cha mẹ chồng ở quê lên nhà mình chơi. Cách nói chuyện với chồng cũng càng ngày càng chua ngoa, đả kích.
Không chỉ nói xấu ông Tanaka trước mặt các con, người vợ còn mắng chửi chồng trước mặt những người dân trong khu phố.
Khi bố chồng nằm viện, bà ta lạnh lùng nói: “Ông ta nên chết đi mới phải”. Còn còn Tanaka ngã bệnh, thứ mà bà vợ quẳng cho chồng chính là câu nói đau hơn xát muối vào lòng: “Ước gì ông mắc bệnh ung thư mà chết đi”.
Đỉnh điểm của những dày vò là khi Tanaka bị vợ dội nguyên một chậu nước lạnh lên người khi đi làm về muộn, trời rét căm căm. Sau khi kéo tai chồng lôi ra ban công trong trạng thái chỉ mặc một chiếc quần đùi, bà ta tiếp tục cầm một con dao tiến về phía người bạn đời.
Quá sợ hãi, ông Tanaka vội lao nhanh ra đường. Đây cũng là ngày người đàn ông này quyết định chấm dứt những chuỗi ngày đau khổ. Ông và vợ chính thức ly hôn sau đó không lâu.
Nan đề chung khó lòng giải quyết!
Đây chỉ là một trong số rất nhiều vụ bạo lực gia đình mà nạn nhân là những người chồng trong xã hội Nhật Bản.
Theo một cuộc khảo sát được cảnh sát Nhật Bản thực hiện trong năm ngoái, những vụ kiện tụng liên quan đến vấn nạn chồng bị vợ bạo hành năm 2015 là 7.557 vụ, tăng 9.5 lần so với năm 2010.
Số liệu thống kê cho thấy, số vụ bạo hành gia đình mà đàn ông là nạn nhân ở Nhật Bản năm 2015 đã cao gấp 9,5 lần 5 năm trước đó.
Dường như đang có một sự thay đổi trong xã hội Nhật Bản khi những người đàn ông đang càng ngày càng bị nữ tính hóa.
Khi đề cập đến bạo hành gia đình, người ta thường nghĩ ngay đến cảnh một người đàn ông điên cuồng đánh đập và chửi rủa phụ nữ chứ rất khó liên tưởng đến những điều ngược lại.
Đáng lo ngại hơn, việc nam giới bị bạo hành tại Nhật Bản hiện nay không chỉ dừng lại trong phạm vi quan hệ vợ chồng mà còn xuất hiện ngày càng nhiều trong giới trẻ.
Theo thống kê, số đàn ông Nhật Bản bị bạn gái bạo hành chiếm tới 30% số cặp đôi trong khảo sát.
Với những tình huống nhẹ nhàng thì câu chuyện chỉ dừng ở những lời nói đả kích, còn với những trường hợp nặng hơn là sự xuất hiện của những cái cái véo tai, đấm đá, quăng quật đối phương bằng túi xách.
Theo một công bố của chính phủ Nhật Bản, năm 2014, 23,7% phụ nữ nước này bị bạo hành gia đình. Tỉ lệ này ở nam giới là 16,6%. Trong số này, có tới 75,4% người đàn ông lựa chọn cách im lặng.
Chưa có một nghiên cứu chính thức nào chỉ ra nguyên nhân cụ thể cho tình trạng này. Có thể là do môi trường sống, do bản tính con người hay cũng có thể do bệnh trạng…
Dù vậy, thực trạng đang xảy ra với một bộ phận đàn ông Nhật Bản khiến nhiều người không khỏi bất ngờ.
~#MamaTổngQuản~ (Tổng hợp)
Theo TinAnime