Chắc hẳn bạn đã từng nghe qua trong truyện cổ tích Thạch Sanh về con Chằn tinh hung dữ bị Thạch Sanh chém đầu. Theo ghi chép hiện nay, Chằn tinh được cho là con trăn sống lâu ngày thành yêu quái. Thế nhưng nếu tìm hiểu kĩ, chuyện Thạch Sanh vốn là câu chuyện xuất phát từ vùng Nam Bộ và được pha trộn với văn hóa Khmer. Từ di tích động Thạch Sanh ở tỉnh Kiên Giang và nhân vật chính mang họ Thạch_họ của người Khmer ta có thể kết luận rằng cổ tích Thạch Sanh liên quan khá nhiều đến văn hóa Khmer. Vì vậy, nếu đồng hóa Chằn tinh với Xà tinh thì quả thật không đúng cho lắm.
Nếu bạn đi đến các đền chùa Khmer sẽ được thấy hai bức tượng to lớn với vẻ mặt hung dữ đứng trước cổng, đó chính là Yeak. Nguyên từ của Yeak hay Yak vốn có nghĩa là yêu quỷ, ma quái, từ này được người Việt đọc lệch âm gọi là Chằn.
Lý giải về hình tượng Yeak, nó vốn có xuất phát từ Yaksha (Dạ xoa) một loại quỷ hoặc tà thần trong Thiên long bát bộ của quan niệm Phật giáo. Ban đầu Yeak chuyên đi ăn thịt người, giết hại dân lành, về sau được Đức Phật giáo hóa nên đã theo hộ trì phật pháp. Một số chuyện dân gian của người Khmer cho rằng Yeak là cây thần, chuyên bảo vệ cho giếng nước và dân làng. Sau khi Hindu giáo du nhập vào Cambodia thì Yeak trở thành thần canh giữ kho báu, là thuộc hạ của thần tài lộc Kubera. Ở các chùa Khmer, chằn đứng thành cặp song song với cửa chùa, mặt mày hung dữ, mắt trợn, mày xếch, mũi to, miệng rộng, nanh dài, đội mũ chóp nhọn, mang hài, mặc áo giáp trụ, tay chống trên cây chùy (giống thần Vishnu) hoặc bảo kiếm (giống Thiên Vương). Chằn cái thì mũ thấp hơn, mặt quần quện hơn và quần áo sặc sỡ hơn. Chằn thường cưỡi trên con Reach Cha Sei, một loài vật đầu rồng, mình cọp, chân trâu, là loài vật hùng mạnh nhất. Tuy nhiên, Chằn lại rất khiếp sợ thần chim Krut, chính là đại bàng Garuda của Hindu giáo và là các tiên nữ chim Kinari của thần thoại Thái Lan. Người ta thường điêu khắc cảnh các vi chim thần Krut đậu trên đầu của Yeak. Hình ảnh Chằn quy phục trước Đức Thích Ca Mâu Ni cũng thường được thấy trong các bức họa Khmer. Ngoài ra, tượng Chằn còn thường được đặt đối diện với Tiên, thường cưỡi voi, có nhiều tay cầm vòng lửa, cung tên, đinh ba, kiếm giáo để giao đấu với tiên, người Khmer trong văn hóa Phật giáo luôn khắc họa sao cho Chằn thể hiện được cái thiện của mình. Trong các câu chuyện dân gian, Chằn tượng trưng cho cái ác, sự tàn bạo và thường trợ giúp cho những kẻ ác ôn. Thế nhưng trong tín ngưỡng Phật giáo, Chằn lại có ý nghĩa chiến thắng cái ác và phát huy cái thiện trong mỗi con người.