Bà chính là hóa thân của Thánh Mẫu Đệ Tam Xích Lân Thần Nữ. Chầu thân là Thủy Tinh Tiên Nữ, con vua Thủy Tề, ngự miền Long Cung, dân Đại Việt ta thường gọi là Lân Nữ Công Chúa, chủ quản các tiên nữ ở chốn Thủy Phủ.
Tích xưa lưu truyền, Bà là tiểu nữ của Vua Cha Bát Hải Động Đình nhưng cũng có nhiều thánh tích kể rằng bà là con gái của Cha Rồng Lạc Long Quân, danh hiệu Thủy Tinh Động Đình Ngọc Nữ Tam Giang Công Chúa.
Chầu Đệ Tam là rất ít khi giáng đồng vì cũng ít ai hầu giá của Chầu, nhất là vào các ngày tiệc vui. Nếu trong đàn mở phủ mà dâng bốn tòa Sơn Trang thì người ta cũng không hay thỉnh Chầu Bà Đệ Tam về chứng mà thường thay thế bằng giá khác như Chúa Thác Bờ hoặc Chầu Bé Thoải chứng tòa bạch sắc.
Chầu chỉ ngự đồng khi nào ghế đồng hầu ở nơi thoải đền thủy điện có Mẫu Thoải tọa vị. Chầu về đồng thường mặc bạch y, cầm quạt khai cuông. Người ta ít khi hầu chầu trong những ngày lễ vui vì những khi Chầu ngự lại có cảnh sắc u sầu thê lương, việc này liên quan đến câu chuyện năm xưa khi Chầu là con gái Vua Thủy Tề, ở chốn Long Giai. Chầu nên vợ nên chồng với Kính Xuyên, ai ngờ bị mụ tiện thiếp Thảo Mai đem lòng ghét ghen vu cáo cho tội không tròn tiết hạnh. Kính Xuyên hồ đồ vội đưa thê tử lên chốn non cao cho hổ lang đoạt mạng.
Đức cao chưa hết, phúc cát vẫn còn, chàng thư sinh Liễu Nghị là bậc nam tử trượng phu ra tay cứu giúp đã tâu lại mọi việc cho Vua Cha Thủy Tề, Thủy Tinh Công Chúa trở về Long Cung kết duyên cùng Liễu Nghị, Thảo Mai và Kính Xuyên phải về chịu tội. Đời sau lưu lại răn dạy chúng dân đặt là tích “Liễu Nghị truyền thư”.
Chầu Đệ Tam thường linh ứng phù hộ dân chúng nước Nam ta được bình an thoát nạn ở nơi sông sâu nước thẳm nên muôn dân lập đền thờ Chầu ở những bãi bồi, cửa biển. Mỗi lần Chầu ngự lại dâng văn:
“Tấm thân này có xá chi đâu
Lẽ nào nát ngọc trầm châu
Vùi hoa dập liễu bởi câu tam tòng
Xót vì nỗi má hồng bội bạc
Âu cũng đành bèo dạt mây trôi
Sự này há kể chi ai
Lòng trinh chuyển động đất trời chứng minh.”