Ngài là vị Chầu Bà rất mực anh linh trong hàng Tứ Phủ Thánh Chầu, được con nhang đệ tử khắp nơi tôn thờ gọi tên Chúa Lục, Đệ Lục Thánh Chầu hay Mế Lục Cung Nương.
Tích cũ năm xưa có kể rằng khi Vua Cha Ngọc Hoàng mở buổi đại yến ở chốn Thiên Cung, nàng tiên nữ bưng khay rượu vô ý đánh rơi kim trản. Vua Cha phiền lòng đã giáng nàng xuống hạ giới.
“Trống rung chưa kịp dứt hồi
Bỗng đâu Chầu Lục sảy rơi chén vàng
Trên chín bệ Vua Cha phật ý
Nổi lôi đình truyền chiếu chỉ ra ban
Kíp đầy Chầu xuống trần gian…”
Đêm ấy ứng hiện điềm lành, mồng mười tháng chín có tiên cô thác sanh vào gia tộc người Nùng ở Chín Tư, Hữu Lũng, Lạng Sơn. Đại Việt ta có Thánh Chầu giáng sinh ban phước cho muôn dân nương nhờ.
“Đêm Đông xuống trần gian báo mộng
Hoàng Thị Nương cấn động bào thai
Mùa thu tháng chín ngày mười…”
Tương truyền, Ngài được gia đình họ Quách dưỡng dục (có tích ghi chép là họ Trần) đặt tên . Nàng lớn lên có nhan sắc mỹ miều, cốt cách trang nhã, khí chất thanh tao. Tiếc thay, vẫn chưa kịp báo đáp thập ân phụ mẫu thì có lệnh từ cõi Thượng Thiên, năm ấy tròn thập cửu tuế, nàng hóa thân về trời.
Dù đã về chầu long ngai Cha Trời nhưng Chầu vẫn một lòng thương nhớ song thân, cảm thông chân tâm hiếu thuận, Vua Cha phong làm Thánh Chầu cho Bà về hiển Thánh, bản doanh ở Hữu Lũng, Lạng Sơn. Chầu nhiều lần linh ứng chỉ bày chúng dân cách cho quả thực sinh sôi, vải tơ thêm sắc, từ đấy mà vạn dân kính tin lập nên đền thờ.
Chầu Bà tính rất đành hanh, Chầu thường cùng các tiên bạn hóa thành nữ nhân hàng nước bên đồi giễu cợt khách vãng lai. Trong Thập Nhị Chầu Bà thì Mế Lục đứng thứ sáu sau Chầu Năm Suối Lân. Chúa Lục là vị Thánh tối linh ở chốn ngành xanh non vĩ, các tân đồng thường thỉnh Chầu về chứng tòa Sơn Trang, chứng mâm trầu trình và sang khăn.
Về đồng Chầu mặc áo màu lam hoặc màu chàm xanh, khai quang múa mồi rồi phán truyền, chữa bệnh và phát lộc thượng ngàn.