Vào thời Lê Trung Hưng, có vị công chúa tộc người Nùng không quen xô bồ náo nhiệt đã đi lên cửa rừng Suối Lân bên cạnh dòng sông Hóa tìm nơi yên ắng mà tịnh tâm, tại đây nàng được thánh thượng giao cho trấn giữ nơi vùng đại ngàn. Nhìn cuộc sống muôn người nơi thâm sơn cùng cốc còn nhiều gian khó, “Chầu dạy người Kinh xuống sông thả lưới, dạy người Mường làm rẫy làm nương” (HV), không ngại gian khó nàng vẫn tìm cách mở mang cho dân được ấm no sung túc.
Về sau, nàng hóa đi tại đất ấy và hiển Thánh. Thánh Chầu linh ứng giúp dân trấn yểm quỷ yêu, diệt trừ ác thú. Vùng Suối Lân có trăm việc diệu kỳ từ khi Thánh Bà tọa ngự, người ta thường thấy vào những đêm trăng, Chầu Bà hiển hiện chèo thuyền bẻ lái trên Hóa giang cùng thập nhị tiên nàng, vạn dân ngàn họ kính ngưỡng tôn thờ gọi là Suối Lân Công Chúa.
Chầu Năm ít giáng đồng, Bà chỉ về vào những ngày tiệc trọng lễ vui hoặc thanh đồng sát căn ra bắc ghế Cha ngồi làm ngai Mẫu ngự. Lúc về đồng Chầu mặc áo màu xanh thiên thanh của dòng nước Suối Lân hoặc áo màu lục như Chầu Đệ Nhị (để không trùng màu áo với Chầu Lục). Thánh Chầu tọa về thì khai quang, múa mồi, chứng tòa sơn trang, chứng đàn cho con nhang đội mâm giầu trình. Cung văn có hát:
“Thỉnh mời Chầu Năm Suối Lân,
Đi qua sông Hóa tới đền Chầu Năm.
Sắc phong tiên nữ cung phi,
Chầu Năm người sông Hóa, Bà đi trên Thượng Ngàn.
Có nét đoan trang tựa vành ngọc tuyết,
Đôi mày ngài nửa khuyết vành trăng,
Trâm cài soi nước Suối Lân.
…
Ánh đuốc thiêng tỏa chiếu, soi bên đền Chầu Năm đẹp làm sao.
Mau mau sai Chầu xuống, đi cứu người, cứu người trần gian.”