Trong tín ngưỡng của dân bán đảo Triều Tiên có hàng loạt các vị thần bảo hộ cho nhà cửa, tiêu biểu phải kể đến: thần giữ nhà Seongju, thổ công Teojusin, thần bếp lửa Jowangsin, thần cửa Munsin, và có cả một vị nữ thần bảo hộ cho… nhà xí, tên gọi là Cheuksin.
Tương truyền xưa kia có đôi vợ chồng nghèo có bảy người con trai. Chồng tên là Namseonbi, vợ tên là Yeosan Buin. Nàng Yeosan là một người phụ nữ tháo vát, bày cho chồng dùng chút vốn liếng ít ỏi mua lấy chút lụa là, để đem sang làng khác đổi lấy ngũ cốc giá trị hơn, rồi lại đem sang làng khác nơi ngũ cốc được giá hơn nhiều mà bán lấy tiền. Namseonbi nghe lời vợ dặn, lái thuyền chở gấm vóc đắt tiền sang làng Odong, khiến ai đi qua cũng tưởng là lái buôn giàu có. Có một người phụ nữ tham lam gian xảo là ả Noiljadae lừa Namseonbi đến nhà ả sống, dụ anh ta đánh bạc thua hết nợ rồi cho Namseonbi ăn thứ gạo thô trong máng cơm của chó, đến nỗi Namseonbi sinh bệnh hóa mù lòa.
Nàng Yeosan Buin biết chuyện Namseonbi bị lừa, tất tả sang làng Odong tìm chồng. Nhưng khi tới nơi thì Yeosan lại bị ả Noiljadae lừa ngã xuống hồ băng chết đuối. Ả ta vẫn cứ tưởng nhà Namseonbi giàu có lắm, liền cải trang thành Yeosan đi cùng Namseonbi về nhà. Bảy đứa con của Namseonbi và Yeosan Buin thấy cha mẹ về, hân hoan chạy ra đón. Giấu đầu hở đuôi, riêng người con út Nokdisaengn phát hiện ra người đàn bà đó không phải mẹ mình. Noiljadae biết chuyện tức lắm, giả bệnh rồi đòi chồng cho ăn gan của đứa con út để chữa bệnh. Lũ trẻ bảo vệ người em út, lật tẩy mụ đàn bà gian xảo rồi dồn ép ả ta phải treo cổ tự vẫn trong phòng tắm.
Lại nói tới người con út Nokdisaengn vẫn nhớ mẹ khôn nguôi. Cậu bé cùng các anh em cầu nguyện tới thần tối cao Cheonjiwang để ngài đưa hài cốt của mẹ dạt vào bờ. Nokdisaengn lại nhờ một con sếu đưa cậu tới cánh đồng huyền thoại Seocheon để hồi sinh mẹ. Giữa đường, sếu hết cái ăn, cậu bé còn hy sinh cả cánh tay của mình làm thức ăn cho sếu. Khi sếu hạ cánh xuống đồng Seocheon, vị thần của cánh đồng hoa – thần Hallakgungi đã ban lại cho cậu bé cánh tay rồi cho cậu năm bông hoa thần lần lượt để hồi sinh xương, thịt, máu, hơi thở và linh hồn của người mẹ. Cảm động trước câu chuyện gia đình thiêng liêng, thần tối cao Cheonjiwang đã phong người vợ Yeosan Buin thành vị thần của bếp lửa Jowangsin. Người chồng Namseonbi, do đã vô dụng còn ăn hại, trở thành thần Japsin cai quản hố phân. Bảy người con cũng trở thành các vị thần của ngôi nhà: lần lượt từ con cả là Cheongje – thần hướng đông, Baekje – thần hướng tây, Jeokje – thần hướng nam, Heukje – thần hướng bắc, Hwangje – thần trung tâm căn nhà, Duitmunwang – thần cửa sau, và đặc biệt người con út lập nhiều chiến công nhất vinh dự trở thành Munsin – thần cửa trước.
Còn mụ Noiljadae độc ác, do treo cổ trong phòng tắm mà ả vĩnh viễn mắc kẹt ở đó, trở thành Cheuksin – vị ác thần của nhà xí. Tương truyền ả có mái tóc bù xù và mùi hương “ngào ngạt”. Ả dành cả tháng ngồi đếm tóc, và chỉ trồi lên khỏi hố xí trong ba ngày: mồng 6, 16 và 26 âm lịch. Vào những ngày đó, dân ở một số vùng kiêng đi cầu và dâng đồ cúng lên nữ thần Cheuksin để bà khỏi lôi cổ lũ trẻ xuống hố xí (bả rất ghét trẻ con do bị đám trẻ hại chết). Có người còn tin rằng vào nhà xí phải ho ba tiếng để báo cáo với nữ thần, kẻo bà ta tưởng kẻ gian sẽ chạm mái tóc bẩn thỉu vào người, sinh bệnh tật chết chóc. Họ cũng kiêng không mang đồ từ phòng bếp vào nhà xí và ngược lại, không phải vì mất vệ sinh, mà do mối quan hệ cơm chẳng lành canh chẳng ngọt giữa hai vị nữ thần Jowangsin và Cheuksin trong sự tích kể trên.