Chú Cuội


Từ xưa, hình ảnh vết đen trên mặt trăng đã được dân gian ví von rằng đó là chú Cuội ngồi gốc cây đa. Ngày nay, chú Cuội cùng với những nhân vật đến từ thần thoại Trung Hoa như chị Hằng và Thỏ Ngọc vẫn được nhắc đến rất nhiều trong ngày tết Trung thu của các em nhỏ.

Sự tích chú Cuội trên cung trăng kể rằng Cuội vốn là một anh tiều phu. Một ngày kia, Cuội đi đốn củi trong rừng và và trông thấy một con hổ mẹ cứu sống đàn con bằng một thứ lá lạ. Cuội hái thứ cây ấy về, giữa đường cứu sống một lão ăn mày. Lão tỉnh lại, cho biết đó là cây cải tử hoàn sinh, có thể cứu giúp thiên hạ. Lão còn dặn Cuội hàng ngày nhớ chăm sóc cây, nhưng chớ tưới nước bẩn mà cây bay lên trời.

Từ ngày có cây thuốc quý, Cuội cứu sống được rất nhiều người, ai nấy đều biết ơn, và tiếng lành Cuội có phép lạ đồn đi khắp nơi. Một lần, Cuội cứu sống được con chó chết trôi, con chó sống lại quấn quýt quanh Cuội như một người bạn. Lần khác, Cuội cứu sống con gái lão địa chủ làng bên khỏi chết đuối, cô gái biết ơn nguyện theo Cuội kết nghĩa vợ chồng.

Vợ chồng Cuội sinh sống thuận hòa, nhưng rồi một ngày kia có bọn giặc qua nhà. Biết Cuội có phép cải tử hoàn sinh, chúng chơi ác giết vợ Cuội rồi moi ruột cô quẳng xuống sông. Cuội về thấy vợ chết, dùng lá cây cứu mà không được, vì thiếu ruột rồi thì còn sống làm sao. Đương lúc Cuội đau buồn, con chó ngày nào được Cuội cứu sống xin Cuội hãy lấy ruột nó mà thay vào ruột vợ. Chó nài nỉ làm Cuội bằng lòng làm theo thì vợ sống lại. Sau đó Cuội nặn bộ ruột bằng đất rồi đặt vào bụng chó, chó cũng sống lại. Kể từ đó, vợ với chồng, người với vật còn quấn quýt hơn xưa.

Nhưng kể từ ngày mang ruột chó, vợ Cuội mắc tính hay quên, lại thêm tật đái bậy. Cuội phải dặn kỹ “Có đái thì đái bên tây, chớ đái bên đông cây dông lên trời”. Ấy thế mà nói trước quên sau, lúc Cuội đi vắng chị vợ nhằm thẳng gốc cây mà đái. Vừa đái xong thì mặt đất rung chuyển, cây xanh bật gốc, gió thổi ào ào. Cuội vừa về đến nhà trông thấy vội ôm lấy bộ rễ cây mà níu lại nhưng không được, cả người và cây cùng bay lên trời. Chú Cuội kẹt trên cung trăng bên gốc cây quý kể từ ngày đó…

Có một nhân vật Cuội thứ hai trong truyện dân gian Việt Nam, là nguồn gốc của câu thành ngữ “Nói dối như Cuội”. Câu chuyện về “thằng Cuội” này không liên quan gì đến sự tích “chú Cuội” ngồi gốc cây đa, nhưng ngày nay hai phiên bản Cuội cũng thường được hợp nhất với nhau để kể cho các em nhỏ nhân dịp Trung thu.

Chuyện kể về một thằng Cuội có biệt tài nói dối, sống với chú và thím. Cuội nhiều lần lừa chú thím khiến hai người tức phát điên, đến nỗi đem cả thằng cháu bỏ vào thúng mà dìm xuống sông. Cuội lừa một gã hủi vào thúng thay, nhờ đó thoát chết; lại lừa tiếp một ông quan lớn để lấy hết quần áo lẫn ngựa. Cuội trở về xúng xính áo ngựa, kể với chú thím rằng xuống âm ti gặp bà con họ hàng, rồi được bà con cho ngựa trở về. Chú thím tưởng thật, sai thằng cháu cho chú thím vào thúng dìm xuống sông chết để còn gặp lại họ hàng lối xóm. Chú thím chết rồi, Cuội thừa hưởng cơ ngơi, nhưng rồi ăn chơi tiêu xài mà hết sạch tiền. Thế là Cuội nghĩ ra trò lừa ông vua tham lam, khiến ông ta rơi xuống biển chết, còn mình Cuội thì lên ngôi vua giàu sang phú quý.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *