Chuyện tổ tiên mở nước

Chuyện tổ tiên mở nước
Đánh giá post

Chuyện tổ tiên mở nước

Thời Hồng Bàng, đã lâu lắm rồi, cái thời tổ tiên ta mở nước và dựng nước. Thời gian phải lấy hàng ngàn năm mà tính.

Bấy giờ, Đế Minh là cháu ba đời của vua Thần Nông trong một dịp đi tuần thú về phương Nam, tình cờ gặp được con cái của Vụ Tiền. Mối tình hòa hợp, hai người đã kết duyên lành, rồi sinh được một người con trai bèn đặt tên là Lộc Tục.

Từ nhỏ, Lộc Tục đã sớm tỏ ra là bậc thánh trí thông minh, tài đức hơn người, nên Đế Minh vô cùng yêu quý. Vừa khi trưởng thành Lộc Tục đã được vua Đế Minh phong cho làm vua trị vì nước Nam ta. Sau khi lên ngôi, Lộc Tục lấy hiệu là Kinh Dương Vương, ngài đặt tên nước là Xích Quỷ.

(Truyền thuyết Kinh Dương Vương và Lạc Long Quân)

Buổi ấy, trời đất mới mở mang, núi cao, rừng rậm, đầm lầy còn bao phủ gần kín mặt đất. Kinh Dương Vương thường đi dọc khắp mọi vùng, trông nom đất nước. Một ngày kia, khi dạo tới một vùng nước còn mênh mông trắng xóa, chỉ lô nhô đồi gò đất cao lên, vua bỗng gặp người con gái có sắc đẹp tuyệt trần vừa như tiên giáng thế, vừa tựa thiếu nữ nơi thuỷ cung lên. Vua hỏi, nàng xưng là con gái của Động Đình Quân Thần Long. Trong lòng cảm động, Kinh Dương Vương bèn lấy nàng làm vợ. Chẳng bao lâu sau, vua sinh được một người con  trai có dáng vẻ tuấn tú, khôi kỳ lạ thường. Vua lấy tên Sùng Lãm đặt cho con  trai mình. Sùng Lãm trưởng thành, được tiếp tục nối nghiệp vua cha và tự xưng là Lạc Long Quân. Khi ấy, Đế Lai có người con gái yêu là Âu Cơ. Xuân xanh đang độ tài sắc vô phong, nhưng Âu Cơ vẫn chưa thuận chăn gối cùng ai. Lạc Long Quân hay tin liền đến cầu hôn và được Âu Cơ ưng thuận. Hai người chung sống với nhau vô cùng hạnh phúc. Rừng sau nhà họ chẳng lúc nào ngớt tiếng vượn hót, chim ca, hoa quanh nhà họ chẳng ngày nào là không đua nhau khoe sắc… thật là một buổi thanh bình.

Thời gian trôi theo cánh én. Chẳng mấy chốc đã đến kỳ Âu Cơ sinh nở. Nàng sinh được một cái bọc, trong đó có vừa tròn một trăm trứng, sau nở thành một trăm người con trai. Đàn con của họ người nào trông cũng khôi ngô, đĩnh ngộ. Lạc Long Quân và Âu Cơ vô cùng sung sướng, họ ra sức chăm chút, nuôi dạy các con. Vì thế không bao lâu sau, các con của họ đều trở thành những chàng trai tráng kiện, đủ sức lên rừng săn bắt con thú, xuống sông biển  tung lưới tìm kiếm cá tôm.

(Truyền thuyết Lạc Long Quân và Âu Cơ)

Bỗng một hôm. Lạc Long Quân bảo Âu Cơ rằng:

– Ta là giống rồng, nàng là giống tiên, thủy hỏa khắc nhau, khó lòng đoàn tụ lâu dài được, chi bằng…

Thế rồi, hai người từ biệt nhau; Lạc Long Quân mang theo năm mươi người con trở về miền biển, Âu Cơ mang theo năm mươi người con ngược lên miền núi. Người con trưởng của họ được tiếp tục thay cha cai quản đất nước – đó chính là vua Hùng Vương thứ nhất. Hùng Vương đặt tên nước là Văn Lang và chọn Phong Châu làm nơi đóng đô. Vua lại chia nước thành mười lăm bộ để dễ bề cai quản. Ngài rất chú trọng chọn người tài ra giúp nước. Các tướng văn đều được gọi là Lạc hầu; các tướng võ đều được gọi là Lạc tướng. Con trai, con gái của vua cũng có cách gọi riêng, con trai là Quan Lang, con gái là Mỵ Nương.

Nhà Hùng truyền ngôi cho nhau được mười tám đời cả thảy. Đó là một thời hưng thịnh của đất nước.

Người đời sau đã dựng lăng thờ Kinh Dương và đền thờ Lạc Long Quân ở  thôn Á Lữ, xã Đại Thành, huyện Thuận Thành.

Facebook