Nhật Bản luôn được xem là đất nước sở hữu nền văn hóa đa dạng và có bản sắc riêng. Bên cạnh những tập tục truyền thống được ca ngợi, xứ sở mặt trời mọc cũng sở hữu không ít những hủ tục dân gian tàn nhẫn. Trong đó, phải kể đến chính là tục lệ Ubasute hay còn gọi là “cõng mẹ bỏ mặc trên núi”. Tuy không có nhiều bằng chứng về việc người xưa có thực hiện hay không nhưng “cõng mẹ bỏ mặc trên núi” được xem là tục lệ được truyền miệng vô cùng nổi tiếng trong văn hóa Nhật Bản.
Hủ tục này được tương truyền trong văn hóa dân gian Nhật Bản và thường xuyên xuất hiện ở các bài thơ, truyện ngắn của xứ sở mặt trời mọc nhằm nhắc nhở con người về lòng hiếu thảo.
Truyền thuyết về hủ tục “cõng mẹ bỏ mặc trên núi”
Theo lịch sử Nhật Bản, hủ tục về “cõng mẹ bỏ mặc trên núi” hay còn gọi là Ubasute được truyền miệng có xuất phát từ thời kỳ khủng hoảng của nạn đói Tenmei từng khiến hơn 20.000 người thiệt mạng vào năm 1783. Thời điểm ngọn núi lửa Asama phun trào kéo theo đó là hàng loạt thảm họa thiên nhiên như hạn hán, lũ lụt,… đã dẫn đến một nạn đói bao trùm cả khu vực xung quanh.
Để có thể chống chọi lại với khó khăn vì nạn đói, thiên tai hoành hành, nhiều người đã phải duy trì sự sống bằng mọi cách. Nguồn thức ăn cạn kiệt đã khiến họ đành phải lựa chọn việc giảm tải nhân khẩu trong làng. Sức khỏe yếu lại không có khả năng lao động, không thể tự chăm sóc bản thân đã khiến những người già trong mỗi gia đình trở thành gánh nặng và là đối tượng bị “loại bỏ” lúc bấy giờ.
Trong số các ghi chép dân gian về hủ tục này, câu chuyện có tên Ubasute Yama là nổi tiếng và được lưu truyền phổ biến nhất. Ubasute Yama kể về một người mẹ già bị con trai cõng lên núi với ý định bỏ rơi bà. Biết rõ kế hoạch này nhưng người mẹ ấy vẫn quan tâm đến con trai và trong suốt quá trình, bà đã rải những cành cây nhỏ trên đường đi để người con có thể xuống núi mà không lạc đường.
Câu chuyện này được người Nhật Bản đem ra kể lại để giáo dục về tình yêu thương vô điều kiện của người mẹ dành cho con trong bất cứ hoàn cảnh nào và lên án tục lệ vô nhân đạo này một cách mạnh mẽ.
Độ xác thực của hủ tục tàn nhẫn
Mặc dù Ubasute xuất hiện rất nhiều trong các bài thơ, truyện ngắn hay các loại hình nghệ thuật dân gian Nhật Bản nhưng độ xác thực của hủ tục này trong quá khứ, lịch sử vẫn còn là một dấu hỏi lớn cần được nghiên cứu kỹ lưỡng.
Chính vì không có bằng chứng xác thực nên cho đến hiện tại, người Nhật Bản vẫn xem đây chỉ là những câu chuyện truyền miệng, lời đồn thất thiệt và là một phần của văn hóa nhằm dạy bảo con người về sự hiếu thảo và tình thân.
Len lỏi vào đời sống xã hội hiện đại của Nhật Bản
Mặc dù là một hủ tục thất truyền và còn mang nhiều ý nghĩa tranh cãi nhưng đáng tiếc thay, Ubasute lại trở thành “nguồn cảm hứng” cho hành vi của nhiều người Nhật Bản trong xã hội hiện đại.
Đất nước mặt trời mọc được đánh giá là một quốc gia phát triển, có nền kinh tế mạnh và kỷ luật đáng tự hào nhưng tỷ lệ dân số già trong xã hội của họ lại chiếm đến phần lớn. Nhiều người trẻ tuổi tại Nhật Bản vì phải vừa phấn đấu xây dựng sự nghiệp lại cố gắng chăm sóc gia đình riêng nên việc lo lắng, quan tâm bố mẹ khi về già đôi lúc lại trở thành “trách nhiệm nặng nề”, “khó lòng gánh nổi”.
Chính vì vậy mà không ít người cao tuổi tại Nhật Bản thường đa số tự nguyện hoặc được đưa vào các nhà dưỡng lão, hoặc sống một mình thay vì ở cùng con cháu. Mặt khác, có nhiều trường hợp thương tâm đáng bị lên án và trừng phạt trong xã hội Nhật Bản ngày nay.
Năm 2015, một người đàn ông 63 tuổi bị cáo buộc bỏ mặc người chị tật nguyền, già nua của mình ở trên núi cao vào năm 2011.
Năm 2018, nhiều người không khỏi giật mình trước sự kiện một người phụ nữ Nhật bị bắt vì bỏ rơi người cha đã cao tuổi ở một trạm dịch vụ trên đường cao tốc.
Có thể nói, mặc dù Ubasute là một hủ tục thất truyền, không có bằng chứng xác thực là có thật trong sử Nhật Bản nhưng khi nhắc đến nó lại khiến nhiều người không khỏi “sởn tóc” và phẫn nộ vì tàn nhẫn đến chua xót.
Còn bạn, bạn suy nghĩ thế nào về hủ tục “cõng mẹ bỏ mặc trên núi” này? Hãy chia sẻ quan điểm nhé!
Tổng hợp
Theo TinAnime