Nguyên Xi Vưu là một ác thần mình người đầu trâu, sừng trên đầu vô cùng cứng nhọn, lông mọc trên tai sắc bén như dao. Hắn có 81 người anh em, tên nào cũng đầu người thân thú, mình đồng da sắt, vô cùng hung tợn. Xi Vưu lại là kẻ giỏi chế tạo binh khí: giáo dài, cung tên, rìu chiến… trang bị đủ cả. Vì vậy quân đội của Xi Vưu thời đó rất hùng mạnh, thường đánh chiếm các lãnh thổ lân bang.
Ban đầu, Xi Vưu từng là tướng dưới trướng của Viêm Đế. Sau khi Viêm Đế bại, hắn lại quay sang thần phục Hoàng Đế. Nhưng chẳng bao lâu sau, Xi Vưu lại đem lòng phản trắc, tập hợp 81 anh em của hắn để lật đổ Hoàng Đế, lại xúi giục và liên kết với lũ ma quỷ chốn rừng sâu và đám người Miêu ở phương Nam cùng khởi binh gây chiến.
Hai phe gặp nhau ở trận Trác Lộc (thuộc tỉnh Hà Bắc – TQ ngày nay). Quân đội của Xi Vưu toàn hổ báo sài lang, quỷ thần, người khổng lồ vô cùng hung hãn, nhanh chóng đánh tan tác quân đội của Hoàng Đế. Bản thân Xi Vưu lại là chiến thần hùng mạnh, tinh thông nhiều phép thuật. Hắn hô mưa gọi gió, nhả khói phun sương, tạo ra một lớp sương mù dày đặc bao vây quân của Hoàng Đế, đánh cho đối phương hàng ngũ cũng chẳng còn. Tương truyền, Xi Vưu đánh 9 trận thì thắng cả 9, kết cục gần như đã ngã ngũ.
May thay lúc đó, thuộc hạ của Hoàng Đế là Phong Hậu đã nảy ra sáng kiến dùng đá nam châm chế tạo xe chỉ nam. Bất kể xoay chuyển thế nào, bức tượng nam châm trên xe cũng chỉ tay về hướng Nam, nhờ vậy mà quân của Hoàng Đế xác định được phương hướng và thoát khỏi vòng vây sương mù của Xi Vưu.
Lại nói, bên Xi Vưu có một tên thuộc hạ là Si Mị. Thân hình như dã thú 4 chân nhưng khuôn mặt lại như đứa trẻ lên 3. Hắn tuy nhỏ con nhưng miệng lưỡi xảo quyết, rất giỏi lừa mị người khác. Si Mị cùng đám yêu quái ra sức dùng ma thuật mê hoặc đối phương, khiến binh linh của Hoàng Đế thần hồn điên đảo. Giữa lúc đó, một bộ hạ của Hoàng Đế thổi lên một hồi quân hiệu. Tiếng tù và hùng tráng khiến binh lính tỉnh táo, vô hiệu hóa ma thuật của Si Mị. Rốt cục, trận này phe Hoàng Đế cũng thắng được một lần.
Xi Vưu lại mời hai trợ thủ đến giúp là thần gió Phong Bá và thần mưa Vũ Sư đến tiếp sức. Hai kẻ này dùng phép, hô mưa gọi gió, phút chốc đã nhấn chìm cả chiến trận. Tướng của Hoàng Đế là Ứng Long ngày thường cũng có thể điều khiển mưa giông mà hôm nay gặp hai đại cao thủ thời tiết này cũng đành thúc thủ.
Hoàng Đế vẫn không nao núng, ông gọi người con gái của mình tên là Bạt ra nghênh chiến. Bạt tuy là thiếu nữ nhưng dung mạo xấu xí, trán lại hói. Vừa ra trận, cái trán hói của Bạt bỗng phát ra ánh sáng chói lòa, trong phút chốc mưa giông sấm chớp đều tắt ngúm, Mặt Trời chiếu rọi trên cao, nước mưa khô cạn hết.
Sau đó, Hoàng Đế có bắt giết được một quái thú tên Quỳ – loài thú khổng lồ đầu trâu nhưng chỉ có một chân, xuất hiện ở đâu thì ở đó nổi mưa giông. Ông lột da nó làm trống, lấy xương làm dùi. Mang ra chiến trường đánh, tiếng trống phát ra còn vang hơn sấm nổ, vọng vào núi non thung lũng, trời đất cũng phải biến sắc. Tiếng trống làm tăng sĩ khí của quân Hoàng Đế, ngược lại khiến cho tay chân của Xi Vưu sợ đến hồn xiêu phách lạc. Bọn quái vật yêu ma sợ hãi chạy tán loạn, Ứng Long bay trên trời giết gần hết anh em của Xi Vưu, cuối cùng bắt sống được hắn.
Xi Vưu bị gông cổ giải đến trước mặt Hoàng Đế và bị xử tử ở ngay Trác Lộc. Tương truyền, khi hành hình, binh lính vẫn sợ hãi thần lực của Xi Vưu nên không dám cởi gông cùm trên người hắn ra. Khi Xi Xưu chết, chiếc gôm cùm dính đầy máu tươi của hắn, người ta đem vứt ra đồng hoang thì nơi đó mọc lên cánh rừng phong. Mỗi chiếc lá phong đều đỏ tươi như máu của Xi Vưu.
Lại có chuyện khác thì kể rằng Hoàng Đế đuổi giết Xi Vưu đến tận tỉnh Sơn Tây mới bắt giết được hắn. Lúc Xi Vưu bị chặt đầu, máu tuôn xối xả đọng lại thành hồ Giải Trì, hồ rộng khoảng 120 dặm, nước màu đỏ, nên người ta cho rằng đó máu của Xi Vưu năm xưa.