Trong tín ngưỡng thờ Mẫu Việt Nam là việc tôn thờ nữ thần, thờ mẫu thần, thờ mẫu Tam Phủ Công Đồng và Tứ Phủ Vạn Linh xuất hiện khá phổ biến và có nguồn gốc lịch sử và xã hội sâu xa. Có nghiên cứu cho rằng tín ngưỡng xuất phát từ đồng bằng sông Hồng được cho là có giá trị rất phong phú và lâu đời, mang đậm bản sắc Việt với nghi thức hầu đồng. Tuy tất cả đều là sự tôn sùng thần linh nữ tính, nhưng giữa thờ nữ thần, mẫu thần, mẫu tam, phủ tứ phủ không hoàn toàn đồng nhất.
Tín ngưỡng thờ Mẫu Việt Nam là một tín ngưỡng bản địa cùng với những ảnh hưởng ngoại lai từ đạo giáo, tín ngưỡng lấy việc tôn thờ Mẫu (Mẹ) làm thần tượng với các quyền năng sinh sôi, bảo trữ và che chở cho con người. Tín ngưỡng mà ở đó đã được giới tính hoá mang khuôn hình của người Mẹ, là nơi mà ở đó người phụ nữ Việt Nam đã gửi gắm những ước vọng giải thoát của mình khỏi những thành kiến, ràng buộc của xã hội Nho giáo phong kiến. Ngoài ra còn có Thánh Bản mệnh là vị thần đứng đầu dẫn dắt người tu đạo đi đến với Mẹ – Đấng Tối cao trong đạo Mẫu Việt Nam – Hoàng Thiên Tiên Thánh Giáo trong tín ngưỡng thờ Mẫu.
Đạo Mẫu chi ra một hệ thống chư vị Tiên Thánh theo thứ bậc rõ ràng, mỗi vị lại có một tích truyện riêng, trong mỗi tích truyện lại có nhiều phiên bản khác nhau, về cơ bản hệ thống thần linh như sau:
1. Phật với biểu trưng là Quan Âm Bồ Tát.
2. Tứ vị Vua Cha là cha của các vị Thánh Mẫu gồm: Ngọc Hoàng, Long Vương Bát Hải, Sơn Tinh, Diêm Vương.
3. Tam Tòa Thánh Mẫu/ Tứ Phủ Thánh Mẫu: Mẫu Thượng Thiên, Mẫu Thượng Ngàn, Mẫu Thoải, Mẫu Địa.
4. Các hàng Quan Lớn: Quan Lớn Đệ Nhất, Đệ Nhị, Đệ Tam, Đệ Tứ, Đệ Ngũ và Quan Điều Thất, Quan Hoàng Triệu.
5. Chầu Bà: Chầu Đệ Nhất, Đệ Nhị, Đệ Tam, Đệ Tứ, Đệ Ngũ, Chầu Lục, Chầu Bảy, Chầu Bát, Chầu Cửu, Chầu Mười, Chầu Bé, Chầu Thủ Đền…
6. Quan Hoàng: Ông Hoàng Cả, Hoàng Đôi, Hoàng Bơ, Hoàng Tư, Hoàng Năm, Hoàng Lục, Hoàng Bảy, Hoàng Bát, Hoàng Chín, Hoàng Mười.
7. Thánh Cô: Cô Cả Thượng Thiên, Cô Đôi Thượng Ngàn, Cô Đôi Cam Đường, Cô Bơ, Cô Tư, Cô Năm, Cô Sáu, Cô Bảy, Cô Tám, Cô Chín Thượng, Cô Chín Giếng, Cô Mười và các vị Cô Bé.
8. Triều Cậu: Cậu Hoàng Cả Phủ Giầy, Cậu Hoàng Cả Sòng Sơn, Cậu Hoàng Đôi, Cậu Hoàng Bơ, Cậu Hoàng Tư, Cậu Hoàng Năm, Cậu Bé Đồi Ngang,…
Thờ Mẫu ở Bắc bộ
Đền Thánh Mẫu ở Đông Hưng, Thái Bình thờ 1 hoàng hậu nhà Đinh
Bắt nguồn từ tục thờ Nữ thần có nguồn gốc xa xưa từ thời tiền sử, tới thời phong kiến một số Nữ thần đã được cung đình hoá và lịch sử hoá để thành các Mẫu thần tương ứng thời kỷ từ thế kỷ XV trở về trước với việc phong thần của nhà nước phong kiến, hình thức thờ Mẫu thần với các danh xưng như Quốc Mẫu, Vương mẫu, Thánh Mẫu như hiện tượng thờ Âu Cơ, Quốc Mẫu Tây Thiên, Mẹ Thánh Gióng, Tứ vị Thánh nương, Đinh Triều Quốc Mẫu…
Từ khoảng thế kỷ XV trở đi, hình thức thờ mẫu Tam phủ, Tứ phủ được định hình và phát triển mạnh, đây cũng là thời kỳ xuất hiện các nhân vật như Thánh Mẫu Liễu Hạnh, Mẫu Thượng Ngàn, Mẫu Thoải, Cô Đôi Thượng Ngàn,… với các nghi thức ảnh hưởng từ Đạo giáo.
Thờ Mẫu ở Trung Bộ
Dạng thức thờ Mẫu này chủ yếu ở khu vực nam Trung bộ, đặc trưng cơ bản của dạng thức thờ Mẫu ở đây là tín ngưỡng thờ Mẫu không có sự hiện diện của mẫu Tam phủ, Tứ phủ mà chỉ có hình thức thờ Nữ thần và Mẫu thần. Hình thức thờ Nữ thần như thờ Tứ vị Thánh nương, Bà Ngũ Hành và hình thức thờ Thánh Mẫu như thờ Thiên Y A Na, Po Nagar.
Thờ Mẫu ở Nam bộ
So với ở Bắc Bộ, tục thờ Nữ thần và Mẫu thần có sự phân biệt nhất định với biểu hiện rõ rệt là thông qua tên gọi và xuất thân của các vị thần thì ở Nam Bộ sự phân biệt giữa hình thức thờ Nữ thần và Mẫu thần ít rõ rệt hơn, hiện tượng này được giải thích với nguyên nhân Nam Bộ là vùng đất mới của người Việt, khi di cư vào đây họ vừa mang các truyền thống tín ngưỡng cũ lại vừa tiếp nhận những giao lưu ảnh hưởng của cư dân sinh sống từ trước tạo nên bức tranh không chỉ đa dạng trong văn hoá mà còn cả trong tín ngưỡng
Những Nữ thần được thờ phụng ở Nam Bộ như Bà Ngũ Hành, Tứ vị Thánh nương, Bà Thuỷ Long, Bà Chúa Động, Bà Tổ Cô,…và những Mẫu thần được thờ phụng như Bà Chúa Xứ, Bà Đen, Bà Chúa Ngọc, Bà Thiên Hậu,…
Vào hồi 17h15 giờ địa phương (21h15 giờ Việt Nam) ngày 1/12/2016, tại Phiên họp Uỷ ban Liên Chính phủ về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể lần thứ 11 của UNESCO diễn ra tại thành phố Addis Ababa, Cộng hòa dân chủ Liên bang Ethiopia, di sản “Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt” tại 21 tỉnh thành của Việt Nam (các tỉnh từ Thừa Thiên Huế trở ra và thành phố Hồ Chí Minh)[3] đã chính thức được UNESCO ghi danh tại Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại và Lễ đón bằng UNESCO ghi danh “Cử hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt” đã diễn ra vào ngày 2/4/2017.