Hưng Đạo Đại Vương

Trần Hưng Đạo là một danh tướng đời nhà Trần, ông lập chiến công hiển hách qua hai lần tiêu diệt quân Mông Nguyên xâm lược Đại Việt, “tiếng vang đến phương Bắc, khiến chúng thường gọi ông là An Nam Hưng Đạo Vương mà không dám gọi thẳng tên”. Ông mất vào năm 1300, dân kính ngưỡng tôn thờ gọi là Đức Thánh Trần.

Truyền tích về ông được kể lại như sau: Bà Trần Liễu phu nhân (Lý Thị Nguyệt) vốn là người hiền lương thục đức, kính trọng Tam Giáo. Một hôm bà nằm mơ thấy chính sự có việc đại loạn, từ trên trời cao có vị tiên nhân khoác bạch y hiện ra, tay cầm hốt ngọc đề hai chữ “sắc giáng”, vị này xưng là Thái Bạch Kim Tinh thừa lệnh Ngọc Hoàng Đại Đế cho Thanh y Đồng tử thác thai làm con bà, lĩnh việc cứu dân, giúp nước. Thế rồi bà mang thai một hài nhi, thời gian thai sản lâu hơn người thường và rồi sinh ra cậu con trai khôi ngô tuấn tú, bà đặt tên con là Quốc Tuấn. Mới một tuổi Quốc Tuấn đã biết nói, sáu tuổi học hết kinh thư, biết nghĩ ra thế trận khôn lường. Cha ông là Trần Liễu biết con có tài thiên bẩm nên luôn rèn đúc để sau này con hay văn, giỏi võ. Về sau, nhiều lần bọn Mông Nguyên man di mọi rợ kéo sang hòng chiếm nước ta, Quốc Tuấn nói với vua rằng: ” Nếu bệ hạ muốn hàng, xin hãy chém đầu thần trước!”. Sau khi quốc gia thanh bình, ông lui về Vạn Kiếp, Trần Thánh Tông hoàng đế cho xây Sinh từ để thờ sống ông, dân xem ông là bậc thượng phụ. Ngày 20 tháng 8 năm 1300 ông mất, được vua phong là Trần phong Thái sư thượng phụ, Thượng quốc công Bình Bắc đại vương nguyên soái, Võ liệt hồng huân Nhân Vũ Hưng Đạo đại vương. Hai vị tướng phò trợ ông là Dã Tượng và Yết Kiêu cũng được suy tôn là Nam Tào và Bắc Đẩu. Đền thờ ông xây trên nền ngôi biệt phủ ngày xưa, gọi là đền Kiếp Bạc, hai bên có đền Nam Tào, Bắc Đẩu chầu vào.

Trong bài chầu văn có câu:
“Dung nghi tướng mạo đường đường,
Khuê trương vĩ vọng đống lương đại tài.
Võ thao lược hùng oai quán cố,
Văn kinh luân khí độ Việt nhân
[…]
Bạch Đằng nhất trận thủy công,
Tặc Nguyên đại phá huyết hồng mãn giang.”

Từ đó, tín ngưỡng tôn thờ Đức Thánh Trần lan truyền khắp dân gian Việt Nam và ảnh hưởng đến văn hóa hát văn, hầu đồng Bắc Bộ. Mỗi năm đến ngày 20 tháng 8 âm lịch, người Việt gọi là ngày “tháng Tám giỗ Cha”, bá tánh dâng hương cung kính cầu nguyện Ngài phù hộ quốc thái dân an, an cư lạc nghiệp.

“Nghi ngút khói hương không dứt,
Đền thiêng Vạn Kiếp trang nghiêm.
Thiêng liêng thờ phụng tôn sùng,
Sánh với thập phương Bồ tát.” _Nguyễn Bỉnh Khiêm

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *