Lạc Long Quân xuống biển, giao lại nước cho con trai cả là Hùng Quốc Vương. Hùng Vương thấy các sông ngòi năm nào cũng dâng nước to làm hại dân làng, mới sai thủy bộ chia nhau giữ gìn các thác ghềnh.
Miền Động Đình thường bị loài thủy quái dâng nước làm mất người mất của. Vua Hùng sai em là Hùng Hải về Động Đình chủ giữ các sông. Hùng Hải cùng vợ là Trang Hoa thường đi xem xét các sông Đà, sông Thao. Các loài giải thuồng luồng, ba ba về chầu rất đông, dân vô cùng khiếp sợ. Hùng Hải mắng các loài thủy tộc, dặn lần sau không được lộ hình cho dân thấy.
Một hôm, Hùng Hải nằm mộng thấy sứ mời về gặp Lạc Long Quân, Lạc Long Quân báo cho biết sẽ cử ba rồng trông coi một dải sông Thao để trấn giữ giặc nước và lệnh cho Hùng Hải về cửa sông Nhị.
Sau đó, Trang Hoa có mang. Tới ngày sinh nàng ngồi thuyền ra giữa sông ở ngã ba Bạch Hạc. Sóng nước nổi lên, mây đen kéo kín trời, chớp loà sấm động. Trang Hoa đau đẻ mấy này và sinh ra ba rồng Hùng Hải mừng rỡ. Ba Rồng vừa ra đời thì trời quang mây tạnh sóng lặng, sấm tan. Ba rồng vươn vai vụt trở thành ba chàng trai cao lớn tuấn tú, lạy chào cha mẹ. Hùng Hải liền vỗ về ba rồng, truyền cho rồng cả về trị nhậm ở ghềnh Ngọc Tháp, rồng hai về ghềnh Ba Triệu, rồng ba về đầm Đào Xá. Bắc Thành địa dư chí của Lê Đại Cương lại chép “Thần núi Tản Viên có ba vị: Nguyễn Hưởng, Nguyễn Tuấn và Nguyễn Lang” . Khâm Động Việt sử lại ghi thần Tản Viên có tên là Hương Lang con Lạc Long Quân. Đời thường Nghiên, nước ngập cả núi non, Hương Lang có phép tiên trừ được nạn lụt Thần rất thiêng, đi đâu thường có hạc múa, voi quì, rồng chầu, hổ phục. Cao Biền nhà Đường có ý muốn yểm nhưng không yểm nổi.
Khảo dị: Hùng Vương
(Chuyện tổ tiên mở nước)
Hùng Vương trị đất lạc, đặt tên nước là Văn Lang, chia ra thành nhiều khu vực cho các anh em mỗi người cai quản một nơi, còn một số thì ở với mẹ, anh cả được tôn làm vua, tức là Hùng Vương.
Buổi đầu, vật dùng của dân chúng chưa đủ, lấy vỏ cây làm áo, dệt cỏ làm chiếu, lấy nước nhựa làm rượu, lấy bột cây quang lang làm cơm, lấy cầm thú ngư trung làm mắm, lấy rễ gừng làm muối, cầy bằng dao, cấy bằng lửa. Đất nhiều gạo nếp, lấy ống tre để nấu. Gác cây làm nhà để tránh hùm sói. Cắt tóc ngắn để tiện đi trong rừng rú. Con mới sinh thì lấy lá chuối lót. Khi có người chết thì lấy cối chài ra mà giã, hàng xóm nghe thì chạy đến cứu giúp nhau. Trai gái lấy nhau thì chưa dùng trầu cau, lấy phong muối làm lễ đầu, rồi sau đem trâu dê để thành lễ.
Tổ chức thô sơ dần dần thành lập nên kinh đô Phong Châu, các bộ lạc thì ở dưới quyền tù trưởng gọi là lạc tướng, các lạc tướng thì phục tòng ít nhiều một vị tù trưởng có thế lực hơn hết cả gọi là lạc hầu hay lạc vương. Thôn ở dưới quyền một gia trưởng gọi là bố chính. Vương có nô lệ tôi tớ, con trai gọi là quan lang, con gái gọi là mị nương hay mệ nàng, cha chết thì truyền ngôi cho con trưởng, người nào cũng xưng hiệu là Hùng Vương.
Trong xứ có nhiều ao, đầm, hồ, sông và tiếp giáp biển, dân chúng sinh hoạt về nghề chài lưới thường bị các giống thủy tộc như thuồng luồng, cá sấu làm hại. Hùng Vương nghe những tai nạn dân sự hay gặp phải mới bảo rằng:
– Ta cùng các anh em vốn thuộc giống rồng. Rồng thường ưa đồng loại mà ghét dị loại, vậy nên dùng chàm vẽ hình rồng vào người, để khi lạn xuống các em nhận ra là đồng loại mà không làm hại nữa.
Do đó mà người Lạc Việt có tục xăm mình và tin rằng mình là con cháu giao long. Nước của Hùng Vương cũng vì thế mà gọi tên là Văn Lang.
Đất nước Văn Lang phía đông giáp biển Nam hải, phía tây đến nước Ba Thục, phía bắc đến hồ Động Đình, phía nam giáp nước Hồ Tôn (Chiêm Thành).
Theo sách Lĩnh Nam Chích Quái thì về phía đông nước Văn Lang hồi bấy giờ có một dân tộc thuộc về giống cá sống trên các hòn đảo. Tự thời xưa cá đã biến thành người, dần dà ăn nói như người, lên ở trên cạn: Họ lên đất thì chóng mặt, đi đứng khó khăn, nhưng xuống nước thì khỏe mạnh bơi lội rất tài. Họ sinh sống bằng nghề bắt cá và đưa cá vào đất liền để đổi lấy gạo ăn.
Phía nam Văn Lang, là nước Hồ Tôn tức Chiêm Thành về sau có một ông vua tên Thập Xa Vương có nhiều phép thuật, cai quản một bộ lạc mặt người đuôi vượn, rất khoẻ và hung dữ. Giáp giới phía nam nước này là nước Diệu Nghiêm có một ông vua có mười cái đầu nên gọi là Thập Đầu Vương. Ông vua hình dạng cổ quái này có tài biến hóa phi thường.
Thập Đầu Vương nghe tiếng con trai của Thập Xa Vương là Trưng Tư có một người vợ rất đẹp tên là Bạch Tĩnh, bèn đem bộ hạ đến nước Hồ Tôn vây đánh bất ngờ, rồi hóa phép vào cung bắt nàng bạch Tĩnh đem về nước.
Bị cướp mất vợ, Trung Tư đem quân mặt người đuôi vượn kéo đi báo thù hóa phép dời núi lấp khoảng biển hẹp cách ngăn hai nước Hồ Tôn và Diệu Nghiêm, mở đường tiến vào nội địa tình địch. Sau một trận giao chiến ác liệt, Trung Tư giết được Thập Đầu vương, giành lại được vợ đưa về.
Phía tây nam Văn Lang, có nước Tiết Hầu, nhân có việc rắc rối về ranh giới hai vua đôi bên mới phân định bằng cách mỗi bên cử một người từ nước mình, ở một chỗ nhất định rồi bắt đầu cùng một ngày, một giờ hướng về phía nhau mà đi, hễ gặp nhau ở đâu thì lấy đó làm giới hạn.
Bên Văn Lang cử một người đàn bà tên là Mụ Giạ, người cao lớn, có tài đi rất mau. Đôi bên đi gặp nhau ở một cái đèo, thuộc dãy núi ngày nay gọi là Trường Sơn. Dãy núi ấy được lấy làm ranh giới đôi bên theo lời giao kết. Cái đèo người ta vẫn gọi là đèo Mụ Giạ. Ở chỗ từ Tân Ấp (Hà Tĩnh) ngày nay sang Ban Thông Kham (Ai Lao).