Lại thêm một dẫn chứng nữa cho lý thuyết: khi bạn đã có ô dù to bảo kê thì cuộc sống thật dễ dàng. Đó là câu chuyện về oppa Jumong – người anh hùng và cũng là vị vua nổi tiếng trong truyền thuyết Triều Tiên, người sáng lập ra vương triều Goguryeo – vương quốc hùng mạnh nằm ở phía Bắc bán đảo Triều Tiên (sau thời của vương quốc Gojoseon).
Nếu kể ra thì thấy Jumong có xuất thân gia cảnh không khác gì với anh Hercules ở Hy Lạp. Truyền thuyết kể rằng, Haemosu là con trai của Ngọc Hoàng, đem lòng yêu nàng Yuhwa – con gái thần hà bá (Habaek). Chàng bắt gặp nàng đi tắm sông, yêu ngay từ cái nhìn đầu tiên và mây mưa với nàng luôn. Theo lẽ thường, con vua mà đã thích con lý trưởng thì chuyện hôn nhân kiểu gì cũng thành, thế nhưng ở đây, hà bá lại không đồng ý cuộc hôn sự này. Thế là hà bá lừa chuốc rượu cho Haemosu say rồi nhốt ông con rể hờ vào một cái túi da thần. Haemosu may mắn thoát được, quất ngựa truy phong, chạy thẳng về thiên giới.
Lại nói nàng Yuhwa ở lại, thần hà bá ngày ngày nhìn mặt con gái đi qua đi lại trông là thấy hãm nên quyết định cho nàng 1 suất đi biệt xứ. Nàng Yuhwa đi dạt đến nước Dongbuyeo, nhờ nhan sắc tuyệt trần nên lọt vào mắt vua nước này là Geumwa, nghiễm nhiên trở thành cung phi, còn vua Geumwa sau này nhận thêm vài cái “vỏ” mà không biết.
Một ngày nọ, một tia sáng từ trên trời chiếu thẳng xuống nàng Yuhwa, năm ngày sau thì nàng thụ thai, đẻ ra một quả trứng. Vua Geumwa biết chắc mình không phải là gà nên quả trứng này chắc chắn không phải con mình, vì thế đem ném dị thai vào rừng cho dã thú ăn. Thế nhưng kỳ lạ thay, không một con thú nào dám gây tổn hại đến quả trứng đó, thậm chí muông thú còn ra sức bảo vệ nó. Vua Geumwa tìm nhiều cách để tiêu hủy quả trứng nhưng đều vô ích, cuối cùng đành trả lại cho nàng Yuhwa. Thời gian sau, từ quả trứng nở ra một cậu bé khôi ngô, đó chính là Jumong – đứa trẻ mang dòng máu của thánh thần. Tương truyền, sau khi sinh 1 tháng đứa bé đã tự biết nói. Mắt cậu bé đặc biệt tinh tường và luôn khó chịu vì nhìn rõ lũ ruồi bay trước mặt. Nàng Yuhwa đưa cho con trai cây cung và cậu bé cứ thế bắn chết từng con ruồi, từ đó mà được đặt tên là “Jumong” (tức là “Cung thủ tuyệt diệu”).
Lớn lên, Jumong nhanh chóng thể hiện tài năng bắn cung bách phát bách trúng của mình, đến nỗi bị những người con trai khác của vua Geumwa đì do đem lòng ghen ghét. Lo cho tính mạng của Jumong, bà già bèn chạy cho một “suất du học”, Jumong và những tùy tướng trên đường bỏ trốn, bị kẻ thù truy kích, chạy đến bờ sông thì không biết làm thế nào, kêu trời khấn đất xin được giúp đỡ rồi lấy cây cung khuấy xuống nước, nước sông bỗng cuộn sóng, thần kim quy nổi lên hét to: “Giặc ở sau lưng ngươi kia kìa”. Í, nhầm đoạn này, nước sông bỗng cuộn sóng, rùa và cá tự xếp thành cây cầu cho đoàn người của Jumong chạy qua.
Jumong trốn thoát kẻ thù, định cư lập quốc, tạo nên nước Goguryeo (Cao Câu Ly). Có vua Songyang ở nước Biryu sang bắt nạt, đòi Jumong thần phục. Tên này không biết trời cao đất dày, động vào con ông cháu cha, bị trời phạt dâng lũ tàn phá, lúc đó Jumong mới xuất hiện, chỉ giơ roi ngựa ra, giơ đến đâu nước rút đến đấy, auto win!.
Từ đó về sau, danh tiếng vua Jumong ngày một thịnh. Chàng liên tiếp đánh thắng nhiều quân xâm lược, thống nhất các tiểu quốc và bộ tộc, đưa Goguryeo lên thành một quốc gia hùng mạnh. Jumong qua đời ở tuổi 40, được tôn xưng là Đông Minh Vương, nhường ngôi cho con trai là Yuri, triều đại Goguryeo mà Jumong lập ra kéo dài thịnh vượng hơn 700 năm. Người con thứ của Jumong là Onjo rời xuống phía nam lập ra vương quốc Baekje, một trong ba vương quốc hùng mạnh (Goguryeo, Baekje và Silla) tạo thành thế chân vạc thời Tam quốc.