Lạc nhạn mỹ nhân Vương Chiêu Quân

Đánh giá post
Lạc nhạn mỹ nhân Vương Chiêu Quân
Vương Chiêu Quân tên thật là Vương Tường, quê ở tỉnh Hồ Bắc. Nàng có nhan sắc tuyệt trần, cử chỉ phong nhã, mắt ngọc mày ngài, tinh thông âm luật. Năm Kiến chiêu nguyên, do thông thạo tứ nghệ, nhan sắc lại mỹ miều, nàng được đưa vào nội cung của Hán Nguyên Đế. Trong suốt thời gian ở trong cung, nàng vẫn chỉ là một cung nữ và chưa bao giờ được diện kiến Hoàng đế. Tương truyền vì số lượng nữ nhân trong hậu cung quá đông, vua không thể xem mặt từng người mà phải lệnh cho họa sĩ Mao Diên Thọ vẽ lại dung mạo họ rồi dâng lên cho vua chọn. Các cung phi thường đút tiền cho Mao Diên Thọ để được vẽ đẹp hơn, mong được gặp hoàng thượng. Riêng Chiêu Quân vốn có tài hội họa không cần đến họa sĩ, nàng soi gương rồi tự vẽ mình, tên họa sĩ ấm ức trong lòng nên đã chấm thêm một nốt ruồi sát phu lên mặt mình. Từ đó cuộc sống của nàng cô độc nơi cung cấm, chôn hoài tuổi xuân.Năm Cánh Ninh nguyên, Thiên vu Hung Nô là Hô Hàn Tà có cuộc gặp gỡ nhà Hán, hai nước dự định bắt tay giảng hòa sau thời kì chiến tranh, Hô Hàn Tà nhân cơ hội này muốn cưới công chúa nhà Hán, trở thành con rể Hán Nguyên Đế. Hoàng thượng dĩ nhiên không đem con gái mình gả cho hàng man di, ông ban lệnh nếu ai trong hậu cung tình nguyện lấy thiền vu Hung Nô sẽ được sắc phong công chúa. Nhìn thấy tình cảnh mình chôn chặt cuộc sống nơi cung cấm buồn tẻ, Chiêu Quân thà chấp nhận ra đi để đổi lấy hòa bình cho quốc gia. Vào hôm triều đình đãi tiệc chia tay chuyến viếng thăm Trường An của Thiền Vu Hô Hàn Tà, Hán Nguyên Đế cho gọi Chiêu Quân đến. Chiêu Quân vừa bước vào, khắp hoàng cung bỗng sáng rực hẳn lên. Dung nhan chói lọi và khí chất thoát tục của nàng, quả thực không khác gì tiên nữ giáng trần, Hán Nguyên Đế kinh ngạc sửng sốt mãi không thôi, trong lòng thật sự rất muốn giữ nàng ở lại, nhưng lại không thể thất hứa với vua chúa Hung Nô được, đành phải gả nàng sang Hung Nô.

Chiêu Quân bất chấp tiết trời lạnh giá mà gả đến vùng đại mạc Mông Cổ phương bắc xa xôi nghìn dặm, chính là vì hòa bình lâu dài giữa Hung Nô và nhà Hán, nhờ đó mà bách tính hai bên tránh được nỗi đau chiến tranh. Sau khi nàng ra biên ải hòa thân, chiến tranh lâu dài giữa hai dân tộc Hồ – Hán từ đó đã được dập tắt, còn mang văn hóa Trung Nguyên đến Hung Nô. Nhà Hán và Hung Nô từ đó duy trì được hòa bình hơn 60 năm, có ảnh hưởng vô cùng to lớn và sâu sắc đối với sự hòa thuận của hai dân tộc. Có người thậm chí cho rằng việc mang lại bình yên cho hai dân tộc Hán – Hồ của Vương Chiêu Quân hoàn toàn có thể đứng ngang hàng với danh tướng triều đại nhà Hán là Hoắc Khứ Bệnh.

Truyền thuyết về vẻ đẹp của Vương Chiêu Quân thì có rất nhiều. Truyền thuyết kể rằng khi Chiêu Quân đi ngang một hoang mạc lớn, lòng nàng chan chứa nỗi buồn vận mệnh cũng như lìa xa quê hương. Nhân lúc ngồi lưng ngựa buồn u uất, liền đàn “Xuất tái khúc”. Có một con ngỗng trời bay ngang, nghe nỗi u oán cảm thương trong khúc điệu liền ruột gan đứt đoạn và sa xuống đất. Về sau người ta đã dùng từ “Lạc nhạn” trong câu “Trầm ngư lạc nhạn” (chim sa cá lặn) để hình dung vẻ đẹp tuyệt thế của Vương Chiêu Quân.

Nhưng Chiêu Quân đã có thể tự nguyện ra biên ải, thì tất nhiên không phải là người tầm thường, cô không hề cảm thấy xót xa cho bản thân mình. Truyền thuyết kể rằng Chiêu Quân vốn là Tiên nữ trên trời, đến nhân gian gả cho Thiền Vu của Hung Nô. Mục đích là để mang đến văn hóa cho Hung Nô và hòa bình cho hai dân tộc Hồ – Hán, rồi dựng nên một hình tượng xả thân vì người cho nhân gian.

Vẻ đẹp của Tiên nữ trong các câu chuyện truyền thuyết cũng mãi được lưu truyền: Khi Chiêu Quân ra biên ải, khi vừa mới đi đến bên sông Hắc Hà, ngay lúc đó, gió lớn nổi lên, cát bụi rợp trời, trước mắt chỉ thấy một mảnh tối tăm, người ngựa không cách nào đi tiếp được nữa. Chiêu Quân không hề sợ hãi mà lấy ra cây tỳ bà mang từ quê nhà, bắt đầu gảy lên. Tiếng tỳ bà mỹ diệu vừa mới vang lên, gió bắc ngừng thổi mạnh, mây lành bảy màu khắp trời, băng tuyết tan chảy, vạn vật bắt đầu sinh trưởng. Vùng đất cằn cỗi trong chốc lát đã mọc đầy cỏ xanh, nước của sông Hắc Hà cũng trở nên trong veo, khắp vùng nở đầy bông hoa dại tươi đẹp. Thiền Vu mừng rỡ, mang theo người dân của ông định cư ở bên sông Hắc Hà.

Về sau, Chiêu Quân đã theo Thiền Vu đi khắp chân núi Âm Sơn và nam bắc của vùng đại mạc. Chiêu Quân đi đến nơi nào, thì cỏ cây nơi ấy liền trở nên tươi tốt; đến những nơi thiếu nước, Chiêu Quân dùng tỳ bà vẽ lên không trung, mặt đất liền xuất hiện dòng suối trong vắt và cỏ xanh như thảm; Chiêu Quân còn lấy hạt giống ngũ cốc từ trong túi gấm tinh xảo của mình, rải xuống đất liền sinh ra các loại hoa màu và ngũ cốc.

Chiêu Quân đã nhận được tình cảm yêu thương của hết thảy người dân Hung Nô, truyền thuyết kể rằng khi nàng qua đời, người dân xa gần đều vội đến đưa tiễn. Họ đã lấy những chiếc áo gói thành từng bao đất, đắp thành mộ Chiêu Quân, chính là “thành chủng” (mộ xanh) nổi tiếng tọa lạc tại thành Hohhot ở nội Mông Cổ bây giờ. Ngôi mộ này cũng có truyền thuyết đặc biệt, tương truyền nó thay đổi ba lần trong một ngày: “thần như phong, ngọ như chuông, dậu như tung”. Ý chính là, mộ Chiêu Quân buổi sáng nhìn thì giống như một ngọn núi, giữa trưa giờ ngọ giống một cái chuông, lúc hoàng hôn giờ dậu nhìn thì thấy giống như một cây nấm hương. Lịch sử xưa nay có một cách nói: “Hồng nhan họa thủy”, Chiêu Quân trái lại đã dựng lập nên một hình mẫu “Hồng nhan lập công”.

Facebook