Liên Quân Mobile và hành trình ‘dậy thì’ thành công, tiệm cận đẳng cấp của ‘ông vua’ MOBA thế giới (Phần 1)

6 năm sau ngày ra mắt, Liên Quân Mobile (LQMB) đã và đang tiến hóa từng ngày để “tiệm cận” người anh đầy danh tiếng Vương Giả Vinh Diệu. 

Liên Quân Mobile (LQMB) chịu không ít điều tiếng kể từ ngày ra mắt chính thức tại Việt Nam vào tháng 11 năm 2016. Đã gần 6 năm trôi qua định kiến từ người hâm mộ vẫn còn mãi với người em của Vương Giả Vinh Diệu (VGVD) dù game đạt được không ích cột mốc thành công về doanh thu, cho đến tầm ảnh hưởng trong ngành eSports Việt Nam. Vấn đề chính khiến LQMB bị đánh giá thấp nằm ở 2 điểm tối quan trọng của bất kỳ game nào: Đồ họa, gameplay (cách chơi trong game, cân bằng, sự đa dạng tướng…) – Tuy nhiên, thời gian cùng nỗ lực tập thể là liều thuốc thần kỳ có thể thay đổi tất cả và Liên Quân Mobile cũng không ngoại lệ, game “rác” mà cộng đồng “ném đá” năm xưa nay đã khác nhiều. Hãy cùng SharingFunVN điểm qua những nét đáng chú ý của Liên Quân Mobile, sau khi dậy thì tương đối thành công qua bàn tay nhào nặn của Timi Studio trong bài viết hôm nay:

Phong cách thiết kế khác biệt của 2 tựa game

Trước khi đi sâu vào phân tích từng sự thay đổi của LQMB, SharingFunVN muốn làm rõ cho quý độc giả hiểu về xuất phát điểm của LQMB, bản thân game khi phát hành vào năm 2016 được định hướng như một phiên bản quốc tế hóa của người anh VGVD phát hành trước đó một năm tại thị trường nội địa. Sở dĩ có định hướng như vậy, vì cộng đồng game thủ quốc tế sẽ rất khó “tiêu hóa” được tạo hình đậm chất phương đông của người đàn anh LQMB khi đó. Cuối cùng phương án thay đổi ngoại hình, phong cách thiết kế hay đa dạng tên gọi được áp dụng để đưa LQMB thuận lợi xuất ngoại. (LQMB có nhiều cái tên khác nhau ở các khu vực mình phát hành từ Arena Of Valor, Liên Quân Mobile cho đến Realm Of Valor…).

Dù phải xuất ngoại nhưng LQMB lại không được trang bị đầy đủ tính năng hay đồ họa như người anh ở quê nhà. Tựa game này bị cắt giảm rất nhiều thứ từ đồ họa, gameplay cho đến giao diện. Mời quý độc giả xem ảnh ví dụ phía dưới đây, nếu quan sát vào bờ tường phía bên trái của ảnh, các bạn sẽ thấy vách đá của VGVD được làm rất chi tiết, gồm nhiều phiến đá chống lên nhau, được trang trí thêm 2 loại thực vật khác nhau để tăng phần sinh động. Ở phía ngược lại, bờ tường của LQMB được hạn chế tối đa chi tiết và cũng chỉ có 1 loại thực vật mọc hạn chế. Nếu để ý thêm một chút, các bạn sẽ thấy màu sắc, độ chi tiết của lối đi đường giữa trong VGVD cũng nổi bật hơn so với LQMB. Bức ảnh trên được SharingFunVN cắt từ một video so sánh 2 tựa game vào năm 2018 – Thời điểm sau gần 3 năm phát hành với cả hai anh em nhà Timi Studio. 

LQMB và VGVD thời điểm 2018

Xét đến yếu tố thời gian để thấy được, sau từng ấy năm Timi Studio và cả Tencent vẫn chưa “cho phép” Liên Quân Mobile được đồng vai phải lứa với người anh của mình, dù lúc này LQMB đã bắt đầu tạo được tiếng vang ở các thị trường Đông Nam Á như Thái Lan hay Việt Nam. Mọi thứ bắt đầu thay đổi tích cực hơn cho LQMB vào thời điểm giữa năm 2019, khi Timi Studio tung ra bản cập nhật bản đồ 3.0 dành cho LQMB, đây là thời điểm LQMB chuyển mình mạnh mẽ khi được nâng cấp toàn diện về cả đồ họa lẫn gameplay. 

Đồ họa: 

Dù đã trải qua rất nhiều đợt nâng cấp lớn nhỏ về đồ họa nhưng có lẽ ấn tượng nhất với người chơi LQMB vẫn là 2 đợt nâng cấp 3.0 và 4.0 (2019 và 2021) – Đây là 2 đợt thay đổi giúp LQMB chuyển mình hoàn toàn từ đồ họa ingame, giao diện cho đến mô hình nhân vật. Vào thời điểm 2019 khi bản đồ mới được cập nhật nhiều fan đã phải “ồ” lên vì độ chi tiết nó mang lại, từng ngọn cây cọng cỏ, cho đến dòng sông đều được Timi Studio chăm chút tỉ mỉ vì đứa con xa nhà. Bản cập nhật 3.0 cũng bắt đầu cho thời điểm Timi bắt đầu nâng cấp mạnh cho mô hình 3D của tướng, ở cả giao diện giới thiệu lẫn ingame, các nâng cấp tập trung vào độ chi tiết, khung viền cho mô hình, màu sắc sáng sủa hơn. 

Dấu mốc 3.0 thực sự là bước tiến mạnh mẽ về đồ họa của LQMB vào thời điểm đó khi so với VGVD, nhìn vào hình phía dưới nếu đổi vị trí của 2 vị tướng và chiêu thức chắc nhiều người sẽ lầm tưởng ảnh trên mới là của VGVD. 

LQMB vào thời điểm 2019 sau khi đã cập nhật bản 3.0 so sánh cùng VGVD

Trong “thời đại” 3.0 LQMB liên tục cho ra mắt những trang phục cấp độ SSS ấn tượng về hiệu ứng chiêu thức, gần như áp đảo về độ đẹp so với các trang phục họ từng ra mắt có thể kể đến vài cái tên như: Tulen Chí Tôn Kiếm Tiên, Butterfly Phượng Cửu Thiên, Violet Thứ Nguyên Vệ Thần – Đây là trang phục vô cùng quan trọng ra mắt vào năm 2019. Nó hé lộ phong cách đồ họa mới của LQMB trong tương lai (3 năm sau) đó chính là phong cách “anime hóa” như các fan vẫn thường gọi. SharingFunVN đánh giá đây là nước đi rất chiến lược của Tencent khi phong trào game anime lúc này đang rất phát triển với những cái tên đình đám như Honkai Impact 3 hay Fate Grand Order (Chưa kể đến tròn 1 năm sau đó Genshin Impact chính thức ra mắt).

Năm cuối của triều đại 3.0 (2020) ghi dấu không ít cuộc đại tu về ngoại hình cho các vị tướng lâu đời như: Yorn, Omega, Butterfly, đáng chú ý nhất trong số này là Airi (Vị tướng được xem như Yasuo phiên bản nữ của LQMB – Sở dĩ gọi như vậy vì Airi có tạo hình ngầu, mang phong cách xứ Phù Tang kết hợp với chiêu thức có kỹ năng lướt tương đồng với Yasuo). Những sự thay đổi về ngoại hình tướng không chỉ nâng cấp về mặt đồ họa, mà nó còn mang ý nghĩa khác sẽ được đề cập ở phần sau của bài viết.

Trang phục Violet Thứ Nguyên Vệ Thần sở hữu lượng fan đông đảo

Tiếp nối chu kỳ nâng cấp, nhân sinh nhật thứ 5 của LQMB – Timi Studio tung ra bản cập nhật 4.0 (2021) – Phiên bản ghi nhận LQMB “dậy thì thành công” về đồ họa. Nâng cấp đáng chú ý nhất chắc chắn là hệ thống bản đồ mới đậm chất Anime với 2 siêu quái vật Caesar Bóng Tối và Rồng Ánh Sáng, toàn bộ bản đồ chính của LQMB – “Bình Nguyên Vô Tận” được phủ lớp áo mới hoàn toàn, chi tiết hơn, có nét riêng hơn với sự khác biệt lớn ở khu vực hồi máu của cả 2 phe. Điểm độc đáo nhất chắc chắn là khu vực hang Rồng Kraydus (Hay còn gọi là Rồng Ánh Sáng) và hang Caesar Bóng Tối. Nếu chơi cả 2 tựa game VGVD và LQMB, bạn sẽ nhận ra lúc này Timi Studio đã truyền cho LQMB khoảng 70% công lực về sức mạnh đồ họa khi so với VGVD.

Dù rằng lần cuối VGVD nâng cấp “mạnh” bản đồ là vào năm 2019 – VGVD nâng cấp từng chi tiết nhỏ của bản đồ theo mùa giải, nếu lâu không vào chơi bạn sẽ thấy khác khá nhiều, nhưng nếu chơi thường xuyên rất khó nhận ra. Ngoài đồ họa, toàn bộ hệ thống giao diện UI của game cũng đã được tối ưu hóa, tinh giản trở nên “sang” hơn rất nhiều. Mục tiêu của Timi khi đưa ra nâng cấp như vậy, nhằm đảm bảo trải nghiệm của người chơi, giúp họ không phân tâm mỗi khi thao tác. Nhân chi tiết này, người viết rất muốn nói với cộng đồng người chơi LQMB: “Nhà sản xuất game thực sự quan tâm đến trải nghiệm của các bạn, dù họ chưa thể khiến LQMB hoàn thiện như các bạn mong muốn ngay, nhưng chắc chắn Timi Studio không vô tâm với những “mỏ vàng” của mình”. 

Caesar Bóng Tối và Rồng Ánh Sáng

Trở lại với hiện tại, bản cập nhật mới nhất với tên gọi Lễ Hội 5vs5 – LQMB một lần nữa nâng cấp ngoại hình, hiệu ứng kỹ năng cho hàng loạt vị tướng quen thuộc như: Aleister, Tel’Annas, Veera hay Arthur… Nói về ngoại hình tướng, nếu để ý kỹ bạn sẽ thấy từ những thay đổi đầu tiên vào giữa năm 2018 các vị tướng cho đến nay đều có sự đồng nhất trong thiết kế trang phục. Điển hình nhất có thể lấy ví dụ về Butterfly (2018) và Aleister (2022) –  Trang phục mới của cả 2 đều có điểm chung là loại bó sát toàn thân, giúp nét đẹp hình thể của họ được thể hiện rõ nét hơn, các chi tiết của trang phục cũng liền lạc, hiện đại rất phù hợp với bối cảnh của lục địa Athanorpha trộn giữa công nghệ cùng ma thuật (Các fan LMHT đọc đến đoạn này chắc sẽ đăm chiêu rồi nghĩ rằng: “Athanor là gì tôi chỉ thấy giống Runeterra.”).

Aleister và Butterfly trong diện mạo mới có nét tương đồng về thiết kế trang phục

Điều tạo nên sức hút về thị giác cho một vị tướng chắc chắn không chỉ nằm ở ngoại hình, mà còn bao gồm hiệu ứng kỹ năng mặc định của vị tướng đó. Rất khó để người chơi có hứng sử dụng một vị tướng để leo rank nếu ngoại hình, lẫn hiệu ứng chiêu thức mặc định không bắt mắt, chứ chưa nói đến việc đầu tư mua trang phục cho tướng. Trước khi trùng tu thật sự hiệu ứng chiêu thức mặc định của tướng trong LMQB chỉ có thể dùng từ “nhạt” để hình dung, chưa kể động tác khi thi triển chiêu thức nếu so với VGVD có phần ít hơn, thiếu sự hoa mỹ. Mời các bạn xem clip sau đây để cảm nhận sâu sắc điều người viết muốn đề cặp, nội dung clip so sánh sự khác biệt giữa 2 vị tướng có cùng chiêu thức là Thượng Quan Uyển Nhi (VGVD) và Zata (LQMB): 

 

Xem clip xong các bạn sẽ thấy Thượng Quan Uyển Nhi hoa mỹ trong động tác bao nhiêu, thì Zata đơn điệu bấy nhiêu. Đôi khi chỉ cần vậy thôi là bạn đã tụt cảm xúc với một vị tướng rồi, không cần đề cập thêm đến hiệu ứng bắt mắt mà chiêu thức mang lại. Dĩ nhiên Timi Studio hoàn toàn nhận thức được điểm này, nên họ đã lên kế hoạch cải thiện dần. Trong bản cập nhật Lễ Hội 5vs5, nhà sản xuất cũng đã thông báo cập nhật dần các hiệu ứng chiêu thức cho các tướng trong đó có Gildur, Triệu Vân, Toro… Mục tiêu là các tướng này phải “múa” ngầu hơn, hiệu ứng chiêu thức hoành tráng hơn khi thi triển kỹ năng. 

(Còn tiếp)

Xem thêm: Liên Quân Mobile: Chốt giá để sở hữu trang phục Keera Nezuko Kamado

game moba mobile king of glory Liên Quân Mobile lqmb moba timi studio Violet thứ nguyên vệ thần vương giả vinh diệu

Theo: Game4v

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *