Linh Sơn Thánh Mẫu


Trong Gia Định thành thông chí của Trịnh Hoài Đức, viết vào đầu thế kỷ XIX, mô tả ngọn núi này “Giữa đất đồng bằng nổi lên ngọn núi Bà Đinh (Bà Đen), ngày đẹp trời, từ Sài Gòn có thể thấy ngọn núi này mờ mờ hiện ra trong mây mù, tương truyền đây là ngọn núi thiêng, có chuông vàng ẩn hiện trong hồ, đêm trăng, có thuyền rồng bơi lượn múa hát du dương…”. Núi Bà Đen được coi là ngọn núi thiêng, ngọn núi chính trấn thành Gia Định (tức Sài Gòn), giống như núi Tản Viên ở Thăng Long hay núi Ngự Bình ở cố đô Huế. Núi cao 986 mét, tọa lạc tại huyện Dương Minh Châu và là biểu tượng của mảnh đất và con người Tây Ninh.

Về truyền thuyết thứ nhất thì kể rằng nàng Đênh – một người con gái là con của một ông quan tri huyện ở vùng Trảng Bàng, nàng có nước da ngâm đen. Từ nhỏ nàng đã có lòng mộ đạo, thường hay lên chùa để lễ phật. Một lần nọ, nàng Đênh khi đang trên đường lên núi thì bị cọp vồ. Linh hồn của nàng báo mộng cho nhà sư tu ở chùa Linh Sơn. Sau đó, nhà sư đã đi tìm xác của nàng. Sau khi tìm được thì làm lễ mai táng, lập điện thờ phụng ở Điện Bà.

Truyền thuyết thứ hai lại kể về một cô gái mang tên Lý Thị Thiên Hương, quê ở Trảng Bàng, hay văn giỏi võ thường hay lên núi Quả Một (tên gọi cũ của núi Bà Đen) cúng Phật. Trên núi có một ngôi chùa thờ tượng Phật rất linh thiêng. Vì đường lên núi rậm rạp, thường có nhiều loại hổ báo ẩn náu nên dân chúng thường đi theo từng nhóm để hỗ trợ nhau khi bị thú dữ tấn công. Lý Thị Thiên Hương đã gặp một người con trai trong làng tên Lê Sĩ Triệt và hai người đem lòng thương yêu nhau tha thiết. Một lần nọ, cô bị một tên quan tham háo sắc trong làng ức hiếp và muốn cô gả cho hắn. Sau khi biết tin, vì không muốn người mình thương yêu phải lấy tên tham quan nên Lê Sĩ Triệt đã ra tay cứu người yêu. Sau khi cứu được nàng thì hai người nên duyên vợ chồng và chung sống với nhau rất hạnh phúc. Khi đó, Nguyễn Ánh (tức vua Gia Long sau này) đang cho người đi chiêu mộ quân sĩ để đánh lại nhà Tây Sơn, Lê Sĩ Triệt đã đầu quân cho Nguyễn Ánh. Lý Thị Thiên Hương ở nhà lên núi cầu Phật cầu cho chồng sớm quay về thì bị bọn cướp vây bắt. Cô nhanh chóng chạy vào rừng hòng thoát thân và mất tích từ đó. Đến thời vua Minh Mạng, trên chùa có một vị sư già làm trụ trì. Một hôm, khi đang tụng kinh niệm Phật thì nhà sư phát hiện bóng một cô gái xinh đẹp hiện ra, nói rằng: “Ta đây họ Lý, khi 18 tuổi bị bọn cướp vây bắt, nên chẳng may ngã xuống vực chết, nay đắc quả, xin Hòa thượng xuống triền núi phía đông nam, tìm thi hài của ta và chôn cất giùm”. Nhà sư y lời đi tìm xác cô đem về chôn cất. Dân chúng trong vùng ca ngợi tấm lòng trinh trắng, trung hậu của Lý Thị Thiên Hương – cô gái có màu da đen sậm, do vậy sau đó người dân đã cho xây dựng miếu thờ tự và gọi bà bằng tục danh là Bà Đen, đồng thời cũng cho sửa tên ngọn núi Một thành núi Bà Đen.

Như tất cả chúng ta đều biết, vùng đất Nam Bộ này trước khi mà cộng đồng lưu dân Việt từ miền Bắc di cư vào đây, từng là lãnh thổ của vương quốc cổ Phù Nam, và sau này là của Chân Lạp.

Tục danh “Bà Đen” cũng đã cho ta thấy được nét cơ bản nhất của hình tượng Bà. Sở dĩ gọi là Bà Đen vì Bà có khuôn mặt đen. Hình tượng Bà Đen thường đi liền với hình tượng Bà Trắng; hai vị nữ thần này trong văn hóa của Khmer được biết đến dưới tên gọi lần lượt là Neang Khmau và Mé Sar.

Trong ghi chép của Trịnh Hoài Đức ở cuốn Gia Định Thành thông chí vào đầu thế kỷ XIX thì ở trên núi Bà Đen chỉ có chùa Linh Sơn (hay Vân Sơn tự), tức tiền thân của Linh Sơn Tiên Thạch tự hiện nay, mà không thấy ông nhắc đến miếu thờ bà Đen. Chắc chắn miếu thờ Linh Sơn Thánh Mẫu trên núi Bà Đen được biết đến nhiều hơn qua truyền thuyết vua Gia Long được bà báo mộng cứu giúp khi còn tranh chấp với quân Tây Sơn trong những năm cuối thế kỷ XVIII, nên để tri ân bà, vua Gia Long khi lên ngôi đã cho người đúc tượng bà bằng đồng đen để thờ và sắc phong cho bà là Linh Sơn Thánh Mẫu. Vì thế, có thể điện bà được xây dựng khang trang hơn vào những năm cuối thế kỷ XIX, thời nhà Nguyễn trị vì; rồi kể từ đó đến nay người ta đã nhiều lần trùng tu điện Bà, cùng chùa Linh Sơn Tiên Thạch và xây dựng thêm nhiều chùa chiền, miếu điện thờ tự hỗn hợp nhiều loại hình tôn giáo tín ngưỡng khác nhau trên núi Bà Đen…

Hằng năm, lễ vía bà được tổ chức vào tháng 5 âm lịch, chánh lễ là ngày mùng 5 tháng 5 tết Đoan Ngọ, núi Bà Đen thu hút đông đảo người dân khắp nơi tụ về cúng bái, nếu nói về sự linh thiêng của bà Đen thì cũng nổi tiếng không kém bà Chúa Xứ, rất được người dân Nam Bộ kính ngưỡng.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *