Lối chơi của T1 vô tình khiến một tuyển thủ kém nổi bật hơn hẳn những đồng đội còn lại.
LCK Mùa Xuân 2024 có thể nói là một trong những mùa giải chứng kiến T1 thăng trầm nhất. Bởi lẽ, đội tuyển này đang từ vị thế “nhà vua của làng LMHT” sau chức vô địch CKTG 2023, đã “ngã ngựa” ngay trận ra quân gặp Gen.G. Đành rằng Gen.G rất mạnh nhưng không ai nghĩ T1 đang hừng hực khí thế lại có thể thất bại. Chưa kể, sau chuỗi thăng hoa với 12 trận thắng liên tiếp, chính Gen.G lại là cái tên kéo T1 xuống mặt đất. Để rồi giai đoạn còn lại của vòng bảng cho đến tận trước trận gặp Dplus KIA ở vòng playoffs đã chứng kiến một T1 vô cùng chật vật, loay hoay trong chính lối chơi của mình.
Mới đây, một số netizen xứ Trung đã tóm tắt lối chơi của T1 chỉ trong một bài đăng vài dòng. Theo đó, bài đăng có nội dung: “Nếu Keria gánh team, đối thủ cực kỳ kém. Nếu Zeus gánh team, đối thủ cũng khá nhưng không đáng kể. Nếu Faker và Oner gánh team, chúng ta chuẩn bị cạnh tranh chức vô địch, đối thủ rất mạnh. Nếu Gumayusi gánh team, thì đó là hết cứu”.
Dù là bình luận mang tính hài hước, nhưng thực tế điều này lại có phần rất chính xác, đối với T1 hay bất kỳ đội tuyển nào ở meta hiện tại. Và thực tế đã chứng minh, khi Keria sở hữu điểm số POG cao, cũng như những trận mà lối chơi Xạ Thủ Hỗ Trợ của anh phát huy tốt nhất, những đối thủ đều không thể bì được với T1. Trong khi đó, chỉ cần gặp những cái tên “cứng cựa” một chút (DK, HLE hay KT) thì Keria cũng khó lòng tạo đột biến như thường thấy. Điều này cũng áp dụng cho Zeus khi Aatrox của anh bị khóa chặt lối chơi bọc sau trong trận gặp HLE ở lượt về vòng bảng LCK Mùa Xuân 2024 vừa qua.
Trong khi đó, chỉ cần Faker – Oner, và nhất là Oner, thi đấu được như ở CKTG 2023, các tuyến còn lại vô cùng dễ chơi. Faker đã cho thấy anh có khả năng “gánh team” tốt thế nào, như pha Quadra Kill “thần sầu” trong trận chung kết gặp Gen.G. Và cũng trong trận chung kết đó, khi Gumayusi là niềm hy vọng cuối cùng, dù vẫn có sát thương tốt nhưng Xạ Thủ nhà T1 đã thực sự lực bất tòng tâm.
Trong vài phiên bản gần đây, Xạ Thủ đã bị “nerf” rất mạnh khiến cho các vị trí này đòi hỏi nhiều trang bị nhất có thể và những người chơi đủ kỹ năng, kinh nghiệm và bản lĩnh để chọn vị trí tốt, xả sát thương nhiều nhất trong giao tranh mà không bị chọn làm mục tiêu quá nhiều. Ở trận đầu playoffs gặp HLE, nhiệm vụ của Delight vô cùng đơn giản: dồn hết tất cả những gì có thể vào Gumayusi trước giao tranh và buộc T1 luôn phải ở thế 4 đánh 5, lại không có nhiều sát thương.
Bản thân Gumayusi cũng từng thừa nhận: “Vị trí AD là như thế này, ta dùng mì ramen làm ẩn dụ thì AD sẽ giống quả trứng. Đường Trên, Đường Giữa rồi Rừng thì như nước, mì, gia vị nhưng Xạ Thủ đôi khi không có cũng chẳng sao. Tất nhiên nếu cùng là ramen thì có trứng sẽ ngon hơn rất nhiều nhưng cảm giác như vậy đó. Hỗ Trợ thì giống như gói rau vậy. Ví dụ nếu bạn đặt hai tô mì giống hệt nhau, thì tô nào có trứng tô đó ngon hơn. Lúc đó mới thể hiện vai trò của trứng. Nhưng nếu ít nước, chưa có gia vị, hay mì chưa chín, thì có trứng để làm gì? Không có lợi ích gì cả. Nhưng nếu tất cả sẵn sàng, thì trứng sẽ trở nên quan trọng. Còn lại, thì không có ý nghĩa gì”.
Quả thực, với riêng T1, khi Xạ Thủ phải lên tiếng và “gánh team”, tức là giai đoạn đầu và giữa trận ở những vị trí khác đã không thực sự tốt (nên mới phải dịch chuyển lối chơi và dồn tài nguyên sang cho Xạ Thủ). Trong trường hợp ván đấu chưa vuột khỏi tầm kiểm soát thì mọi việc vẫn ổn. Nhưng nếu đối phương đã quá mạnh, căn bản Gumayusi cũng khó lòng tạo nên đột biến nếu đối thủ là những đội thi đấu chặt chẽ như Gen.G hay HLE.
Hơn ai hết, Gumayusi là người hiểu rõ những “thiệt thòi” nhất định mà mình phải chấp nhận. Nhưng có lẽ, với Xạ Thủ sinh năm 2002, chỉ cần T1 giành chiến thắng và danh hiệu, những yếu tố cá nhân có hay không cũng không còn quá quan trọng nữa.
Theo GameK