Mammon là một con quỷ, tuy bản thân tên của nó trong Tân Ước thường được dùng để ám chỉ tiền bạc, sự giàu có vật chất, lòng tham con người, hoặc một thế lực nào đó có thể ban phát sự giàu có. Ở thời trung đại, lòng tham này được nhân hóa thành một con quỷ và là một trong bảy hoàng tử địa ngục.
Thuật ngữ “mammon” có nguồn gốc từ từ “mammona” (thịnh vượng) trong tiếng Latin, được sử dụng thường xuyên trong kinh Vulgate. “mammona” thực chất là từ mượn của tiếng Hy Lạp cổ và tiếng Aramaic địa phương thời kỳ xưa. Thuật ngữ này cũng có thể liên quan tới ngôn ngữ Canaanite, tuy trong Cựu Ước Do Thái không dịch được nghĩa, nhưng lại được tìm thấy trong các tập tài liệu Qumran. Cũng có ý kiến cho rằng māmōn trong tiếng Aramaic là từ vay mượn của thổ ngữ Do Thái Mishnaic, mang nghĩa ám chỉ tiền bạc, tài phú, sự chiếm đoạt. Trong bản dịch chuẩn của kinh thánh bằng tiếng Anh, “mammon” được giải thích là một từ thuộc ngôn ngữ Semit có nghĩa là tiền bạc hay giàu có. Quốc tế Kinh thánh cho trẻ em cũng sử dụng thuật ngữ này trong câu: “Ngươi không thể cùng lúc phụng sự Chúa và đồng tiền.” Thiên Chúa giáo bắt đầu sử dụng “mammon” để thể hiện sự miệt thị, miêu tả tính tha lam, thèm muốn của cải vật chất. Ngoài ra, “mammon” còn xuất hiện trong sách Phúc âm.
Giám mục Gregory Nyssen từng cho rằng Mammon là một cái tên khác của Beelzebub. Trong thế kỷ thứ tư, giám mục Cyprian và thánh Jerome đã giải thích “mammon” là một từ ám chỉ tội tham lam và những người bị tội lỗi này biến thành nô lệ, và giám mục John Chrysostom thậm chí còn nhân cách hóa nó. Trong thời trung đại, Mammon thường được nhân hóa thành con quỷ của lòng tham và sự giàu có: “Sự giàu có tên của một con quỷ, đó là Mammon” (Peter Lombard). Còn theo Albert Barnes, Mammon là một từ trong ngôn ngữ Syriac để chỉ vị thần được con người tôn thờ, vị thần giàu có, tương tự với Plutus của Hy Lạp. Tuy nhiên không có dấu vết nào cho thấy có một vị thần Syriac như thế tồn tại, và có vẻ như việc Mammon được coi là tên vị thần của tiền bạc, giàu có là nhờ tác phẩm The Faerie Queene của Spencer, trong đó, Mammon là một nhân vật canh giữ cái hang đầy của cải, châu báu. Tập thơ Thiên Đường Đã Mất của Milton mô tả một thiên thần sa ngã, bị mê hoặc bởi những của cải vật chất trên trái đất và dùng chúng xây dựng nên thành phố Pandemonium. Một vài nhà huyền học mô tả Mammon là một sứ giả của địa ngục. Bên cạnh đó, có nhiều sự tương đồng giữa Mammon với vị thần Hy Lạp Plutus và Dis Pater trong thần thoại La Mã, thậm chí dường như Mammon được xây dựng dựa trên những vị thần này. Trong Thần Khúc, Plutus là một con quỷ xuất hiện trong lốt sói, và loài sói lại là sự tượng trưng cho sự tham lam trong thời trung đại. Tương tự, Thomas Aquinas mô tả tội tham lam là: “Mammon được mang lên khỏi địa ngục bởi một con sói, bước tới để nhuốm bẩn trái tim con người bằng tinh tham lam.”
Mammon không có hình ảnh nhất quán, đôi khi nó được mô tả là một con quỷ da đỏ khổng lồ, một vị hoàng đế giàu có hay một ông già bình thường có thể dễ dàng hòa vào đám đông. Tuy nhiên, dù là dưới hình dạng nào, Mammon đều là một kẻ phô trương sự khôn ngoan và giàu có của mình, dù là vơi tiền tài hay vàng bạc quý giá, hay khoe khoang về những gia tài đầy báu vật. Sức mạnh lớn nhất của Mammon có lẽ là gây ảnh hưởng lên tâm trí con người, khiến con người ghen ghét đố kỵ nhau, trở nên tham lam, biến những người trong sạch nhất cũng trở nên nhơ bẩn vì thèm muốn vật chất. Sự ảnh hưởng từ sức mạnh của Mammon có thể gây nên những nỗi ám ảnh dai dẳng về tiền bạc, cố gắng để có được mọi thứ mình muốn bất chấp tất cả. Vào thời trung cổ, Mammon là một vị thần tà ác, một trong bảy hoàng tử của địa ngục. Mammon có tới sáu triệu sáu trăm sáu mươi ma quỷ dưới trướng kiểm soát của mình, chờ đợi để hành động theo lời của hắn ta.