Mẫu Đệ Tam hay còn gọi là Thủy Cung Công Chúa là vị Mẫu cai quản miền sông nước. Trong điện thờ Mẫu, bà ngồi bên cạnh Mẫu Liễu, mặc trang phục màu trắng để biểu thị nơi vùng bà ngự và màu trắng ấy cũng nhắc về nỗi oan khiên buồn bã của bà. Chữ “Thoải” là đọc lệch âm từ chữ Thủy, về sau vẫn nhiều nơi gọi bà là Mẫu Thủy.
Tương truyền nàng vốn là con vua Bát Hải Long Vương Thủy Quốc Động Đình, nghe lời phụ vương, kết duyên cùng con vua Đất là chàng Kính Xuyên. Khi phu quân đi vắng, bà ngồi bên thềm khâu vá đã vô tình để kim đâm vào đầu ngón tay nhỏ huyết. Nàng dùng tấm vải trắng thấm đi máu ấy, không ngờ ả tỳ thiếp Thảo Mai đã lén nhặt lấy rồi vu oan giá họa. Kính Xuyên nghe lời Thảo Mai nghi hoặc nàng đã cắt máu thề nguyền để tư thông cùng nam nhân khác. Kính Xuyên nóng giận hồ đồ chẳng nghe lời minh oan của nương tử, sai người đóng cũi đưa nàng lên rừng cho cầm thú ăn thịt.
Nào ngờ nơi núi rừng hoang vu tưởng bề vong mạng, nàng lại được muôn loài yêu quý dâng lên quả thực, nước uống. Trời cao ban đức hiếu sinh đã đưa đường dẫn lối cho chàng thư sinh Liễu Nghị đi ngang nơi ấy nhìn thấy nàng. Khi nghe nàng kể tỏ tường mọi việc thì chàng hứa sẽ giúp đỡ nàng rửa oan cho phận nữ nhi. Nàng đưa cho Liễu Nghị một lá thư, chàng mang lá thư ấy ra bờ Long Giai ở Đông Hải, nơi này có một cây ngô đồng lớn, chàng rút chiếc kim thoa gõ vào thân cây ba cái, tiếng ngô đồng truyền âm vạn dặm. Lúc này dưới nước ngoi lên một đôi bạch xà thân dài vạn trượng, chàng tâu lại mọi việc, nhị vị rắn thần quyết định đưa chàng xuống Long Cung. Sau khi biết chuyện, Vua Thủy Tề cho trị tội Kính Xuyên và Thảo Mai, vua sai trưởng tử Xích Lân đón Công Chúa hồi quy Thủy Quốc, nàng và Liễu Nghị kết làm phu phụ, chàng được phong làm Quốc Tề Thủy Quan.
Tích xưa ghi chép đã đưa vào cung văn:
“Thỉnh mời Đệ Tam Thánh Tiên
Xích Lân Long Nữ ngự miền Thoải Cung
Kính Xuyên sớm kết loan phòng
Thảo Mai tiểu thiếp ra lòng gieo oan
Kinh Xuyên chẳng xét ngay gian
Vàng mười nỡ để lầm than sao đành
Lòng trời thương kẻ ngay lành
Xui quan Liễu Nghị nho sinh tìm vào…”
Tích của vùng Thái Bình cho rằng năm xưa thời lập quốc vua Kinh Dương Vương trong lúc chu du thiên hạ đã gặp người con gái quốc sắc thiên hương, nàng chính là Long Nữ con gái Long Vương. Họ kết tơ duyên, sinh ra Sùng Lâm, chàng lớn lên chính là vua rồng Lạc Long Quân.
Truyền thuyết khác lại nói rằng bà là phu nhân của vua Thủy Tề, vua cai quản đại dương biển rộng còn bà thì chăm lo nơi sông suối, ao ngòi. Các nơi bãi bồi, mom sông đều thờ phụng bà, những ai lập làng, dựng ấp ở miền sông nước thì tôn bà là Thành Hoang Bản Cảnh, danh xưng “Nhữ Nương Nam Nữ Nam Hải Đại Vương” cũng từ đó mà có.
Lại nói, cổ truyện kể rằng năm xưa vua Lạc Long Quân có ba người con gái tài sắc hơn người là Thủy tinh Động Đình Ngọc Nữ Công chúa, Hoàng Bà Đoan khiết Phu nhân và Tam Giang Công chúa. Ba bà được cha giao cho cai quản miền sông biển nước Nam, họ đóng dinh cơ ở sông Nguyệt Đức và có nhiệm vụ coi sóc sông nước, luồng lạc, dạy dân chế tạo thuyền bè, đan lưới bắt cá, chế ngự các vị thần mưa, thần gió nếu các vị này dám đến xâm hại. Sau này ba vị được gọi chung là Thánh Mẫu Đệ Tam.
Khi vua Lý Thái Tông đời Lý lên ngôi, việc trị thủy nước ta vẫn chưa hoàn chỉnh, dù đã đắp đê xây bờ nhưng ác lũ vẫn tràn về. Triều đình lập đàn cầu đảo, Mẫu Thoải linh ứng sai quân đi giúp dân đắp đê xây bờ khắp chốn Thăng Long, đê điều kiên cố, bá tánh an cư, từ con đê ấy mới hình thành một vùng phía trong sông Hồng. Suy ra, từ thần tích của bà mà có thủ đô Hà Nội ngày nay.
Lại kể đến thời Lê, nước Hồng Hà dâng cao tràn bờ, vua thân hành làm lễ Nam Giao, Mẫu Đệ Tam hiển linh giúp dân chống lũ, diệt trừ thủy quái. Đến đồi Lê Thánh Tông, vua mở rộng bờ cõi vào đất Chiêm Thành, đến vùng Phú Xuyên giông gió nổi lên không ngừng, vua thành tâm kính bái Thủy Cung Thánh Mẫu, bà cho lệnh dừng ngay sóng gió, mở đường cho vua hành cuộc Nam tiến.
Ngoài ra, cả hai lần Trần Nhân Tông đánh quân Mông Nguyên và Lê Lợi chống giặc Minh, Mẫu Thủy đều linh ứng phò vua bảo vệ bờ cõi, những nơi ấy phát tích, dân ta kính ngưỡng phụng thờ, ngày nay danh tiếng các đền đều nổi danh, con nhang đệ tử chiêm bái không ngừng.