Bằng cách nghiên cứu lực ma sát tạo ra trong một cái búng tay, một nhóm các nhà khoa học kết luận rằng thực tế sẽ không thể búng khi đeo Găng tay Vô cực.
Hầu hết mọi người đều không đặt câu hỏi về tính chính xác khoa học của những gì đang diễn ra trong Vũ trụ Điện ảnh Marvel, như cách Tony Starks chế tạo bộ đồ Iron Man hay cách Captain Marvel có thể đi xuyên không gian vũ trụ. Nhưng có một điều xuất hiện trong Avengers: Infinity War của Marvel Studios đã thu hút sự chú ý của Saad Bhamla, một kỹ sư tại Georgia Tech, và các học trò của anh ta.
Ở cuối phim, siêu phản diện Thanos đã thực hiện cú búng tay tiêu diệt một nửa sự sống trong vũ trụ khi đeo Infinity Gauntlet – một chiếc găng tay kim loại ma thuật có gắn sáu viên đá toàn năng. Cảnh tượng này đã khiến các kỹ sư đặt câu hỏi về tính xác thực vật lý của cú búng tay này và liệu Thanos có thể thực sự búng tay được khi đeo chiếc găng tay khổng lồ này không?
Câu trả lời là không, theo một nghiên cứu mới được công bố trên Tạp chí Giao diện xã hội Hoàng gia, nhóm nghiên cứu đã xem xét kỹ lưỡng để giải thích lực ma sát và các cơ chế khác của việc búng ngón tay.
Bhamla nói trong một thông cáo báo chí : “Trong vài năm qua, tôi đặc biệt hứng thú với cách chúng ta có thể búng tay. Đó thực sự là một câu đố vật lý đặc biệt mà chưa được tìm hiểu kỹ lưỡng”.
Phân tích của họ tiết lộ rằng một cái búng tay xảy ra trong tích tắc với tốc độ cực nhanh – chỉ mili giây – nhanh hơn 20 lần so với chớp mắt.
Bằng cách sử dụng máy quay tốc độ cao, máy đo gia tốc và cảm biến lực hiện đại, Bhamla và nhóm của ông đã phân tích các lực khi được sinh ra trong các thao tác nhanh khác nhau để thực hiện một cái búng tay.
Theo nghiên cứu, một cú búng tay bình thường sẽ có gia tốc quay bình phương 1,6 triệu độ/giây – nhanh hơn gần ba lần so với tốc độ ném bóng của một vận động viên bóng chày chuyên nghiệp.
Bhamla nói rằng: “Bạn sẽ nhận được dữ liệu như, ‘Ồ, chúng ta đang chạm tới 1,6 triệu độ mỗi giây. Đây thực sự là một khoảnh khắc khá nhanh”. “Chúng tôi cần nghiên cứu xem làm thế nào mà chúng ta có thể tạo ra gia tốc cực lớn như vậy”.
Raghav Acharya, một đồng tác giả của nghiên cứu kết luận rằng cái búng tay của Thanos dường như là một chi tiết được phóng đại theo cách đặc trưng của các bộ phim Hollywood, hơn là vận dụng những lý thuyết vật lý cơ bản.
Theo nghiên cứu, động tác búng tay hoạt động bằng cách sử dụng các cơ ở ngón tay như một lò xo bị nén để tạo ra thế năng đàn hồi, sau đó được giải phóng nhanh chóng để tạo ra gia tốc đáng kinh ngạc.
Thao tác búng ngón tay có cơ chế giống như chốt, trong đó năng lượng tiềm năng được nạp vào – bằng cách ép ngón giữa và ngón cái lại với nhau – rồi nhanh chóng được giải phóng khi chốt nhả ra hoặc khi các ngón tay trượt qua nhau – chân ếch, cú đấm của bọ ngựa và lưỡi tắc kè hoa cũng sử dụng cơ chế tương tự.
Họ đã thử nghiệm những cái búng tay từ nhiều người khác nhau và nghiên cứu điều gì sẽ xảy ra khi băng được đặt trên các bộ phận khác nhau của bàn tay, như cổ tay hoặc khớp ngón tay và sau đó là chỉ định đeo các loại găng tay và bao tay khác nhau để kiểm tra xem chúng sẽ ảnh hưởng như thế nào đến việc thực hiện một cú búng tay.
Nhóm nghiên cứu nhận thấy rằng khi đeo các loại găng tay như cao su, chiếc găng sẽ tạo ra quá nhiều ma sát, khiến nó chuyển hóa toàn bộ năng lượng thành nhiệt năng, và do đó không tích tụ đủ năng lượng cần thiết trong giai đoạn đầu của một cái búng tay.
Mặt khác, một chiếc găng tay trơn, hay bằng kim loại như Găng tay Vô cực thì sẽ không thể nén lại được như da người, khiến cho diện tích tiếp xúc giữ ngón giữ và ngón cái bị thu hẹp đang kể và không thể tạo ra đủ năng lượng. Do đó, những cú búng tay chỉ có thể thực hiện khi tay trần vì nó có thể tạo ra độ ma sát và năng lượng hoàn hảo.
Do đó, nếu ở bên ngoài đời thực, khi đeo Găng tay Vô cực, Thanos sẽ không có đủ lực ma sát và năng lượng để thực hiện một cú búng tay như trong phim.
Nếu cú búng tay của Thanos thành hiện thực, thế giới hiện có khoảng 7,6 tỉ người và nếu “bay màu” một nửa sự sống thì dân số Trái Đất sẽ rơi về mốc 3,8 tỉ của năm 1970. Trên lí thuyết là thế nhưng trên thực tế, khi cú búng tay được thực hiện thì nhiều vụ tai nạn ngay lập tức diễn ra và giết thêm một cơ số người còn sống khác. Giáo sư Justin Christensen thuộc Khoa Vật lí Đại học California tại Los Angeles ước tính có khoảng 20.000 máy bay luôn ở trên bầu trời tại mọi thời điểm và nếu các phi công đồng loạt “bay màu” dẫn theo 200 khách mỗi chiếc thì thế giới mất thêm gần 1 triệu người nữa.
Tuy nhiên, chúng vẫn không “đáng kể” so với số người còn sống và nhân loại sẽ dễ dàng hồi phục lại như cũ chỉ sau 20 – 30 năm nhưng chuỗi thức ăn lẫn hệ sinh thái thì tổn hại nghiêm trọng khi động vật không thể sinh sản kịp thời. Nhiều nguồn nước và thực phẩm sẽ bị nhiễm bẩn và ảnh hưởng nghiêm trọng tới con người. Hệ sinh thái bị thay đổi, nạn đói, dịch bệnh sẽ xảy ra và hệ quả tất yếu là chiến tranh.
Theo GameK