Oedipus

Thần thoại Hy Lạp có một câu chuyện kể về bi kịch của chàng Oedipus, con trai của vua Laius và vương hậu Jocasta thành Thebes. Hai vợ chồng nhà vua mãi không có con, đành tới tham kiến nhà tiên tri đền Delphi và được phán rằng nếu Laius sinh con trai, thằng bé sẽ giết cha, cưới mẹ. Quả thật, Jocasta hạ sinh một bé trai. Để trừ hậu họa, vua Laius sai người hầu bỏ đứa con ngoài rừng tới chết. Nhưng gã hầu thương tình mà trao cậu bé cho một người chăn cừu. Đứa trẻ qua tay nhiều người, cuối cùng được nhận nuôi bởi vợ chồng vua Polybus và vương hậu Merope thành Corinth. Họ đặt tên cậu bé là Oedipus, nghĩa là “bị sưng nề”, vì lúc đó cậu đang bị sưng nề cổ chân.

Lớn lên, Oedipus vô tình được biết chàng chỉ là con nuôi của vua thành Corinth, nhưng cha mẹ nuôi không biết gì hơn về gốc gác của chàng. Oedipus tới gặp nhà tiên tri đền Delphi, và lại được phán về lời tiên tri “giết cha, cưới mẹ” của mình. Sợ làm liên lụy tới cha mẹ nuôi ở thành Corinth, Oedipus quyết định tới thành Thebes – chính là nơi cha mẹ ruột chàng sinh sống, dù Oedipus không hề biết điều đó.

Giữa đường, Oedipus bắt gặp vua Laius đánh xe ngựa đi ngang qua. Hai bên va chạm và xảy ra mâu thuẫn, cuối cùng Oedipus giết chết Laius trong cuộc giao chiến. Chàng tiếp tục tới thành Thebes mà không biết kẻ chàng vừa giết chính là vua Laius. Sau đó chàng lại gặp một con nhân sư và bị nó hỏi một câu đố nổi tiếng: “Con gì sáng đi bốn chân, chiều đi hai chân, tối đi ba chân”. Oedipus đáp là “con người”, và chàng được đi tiếp thay vì bị ăn thịt như những kẻ trả lời sai.

Lúc bấy giờ ở thành Thebes, mọi người đã biết tin vua Laius bị kẻ lạ mặt giết chết. Creon, em trai vương hậu Jocasta phán rằng ai là người đầu tiên thoát được con nhân sư sẽ được phong làm vua và cưới Jocasta làm vợ. Vậy là Oedipus hiển nhiên là người được cưới mẹ mình. Oedipus và mẹ sinh hạ hai người con trai và hai người con gái.

Nhiều năm sau, một “đại dịch hiếm muộn” càn quét thành Thebes, nhà nhà không thể có con. Oedipus sai ông cậu Creon tới diện kiến nhà tiên tri đền Delphi và được phán rằng kẻ sát hại vua Laius phải bị xử tử để thanh tẩy tội lỗi cho vương quốc (Nhà tiên tri này tạo nghiệp hơi nhiều!). Oedipus bằng mọi giá ra lệnh truy tìm kẻ đó, và sau một loạt drama như phim Hàn Quốc, thân thế của Oedipus được hé lộ và vương hậu Jocasta nhận ra chồng mình chính là con mình. Bà treo cổ tự vẫn, còn Oedipus đau đớn chọc mù đôi mắt mình rồi lưu vong khỏi vương quốc. Hai đứa con trai của Oedipus đánh nhau giành ngôi và giết nhau trong chiến trận. Cuối cùng, ông cậu Creon lên làm vua thành Thebes.

Sau này, nhà phân tâm học lừng danh Sigmund Freud đã mượn truyền thuyết này để đặt tên cho “phức cảm Oedipus”, một hiện tượng tâm lý ở trẻ nhỏ khi nó quý mến người sinh thành có giới tính đối lập, nhưng lại đố kị và căm ghét người sinh thành có cùng giới tính với nó.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *