Hệ thống các vị thần của người La Mã thoạt đầu chịu ảnh hưởng từ các vị thần của người Etruscan sống ở miền Bắc nước Ý trước họ. Sau này khi Đế quốc La Mã bành trướng xâm lược nhiều vùng đất, họ lại đồng hóa các vị thần của riêng họ với các thần của vùng đất khác thông qua các đặc điểm tương đồng, đặc biệt là kế thừa rất nhiều từ hình tượng và tích truyện của thần thoại Hy Lạp. Thí dụ, ban đầu thần bầu trời tối cao của người Etruscan là Tinia, qua La Mã gọi là Jupiter, rồi ghép với thần tối cao tương ứng của Hy Lạp là Zeus.
Do người La Mã sống rất thực tế, coi trọng chiến tranh, chính trị, niềm tin đế chế, nên những câu chuyện về thần linh của người La Mã cũng không có nhiều, chủ yếu là dựa trên cốt truyện có sẵn của thần thoại Hy Lạp, hoặc thông qua các tập thơ như của Ovid, Statius, hay sử thi Aeneid. Những vị thần về mặt tính cách và ngoại hình vì thế cũng không được mô tả kĩ.
Đầu tiên xin điểm qua tên gọi khác của các vị cổ thần. 𝗧𝗲𝗿𝗿𝗮 (Hy Lạp: Gaia) là nữ thần Đất mẹ. Bà kết hôn với 𝗖𝗮𝗲𝗹𝘂𝘀 (Hy Lạp: Uranus), sinh ra 𝗦𝗮𝘁𝘂𝗿𝗻 (Hy Lạp: Cronus) và 𝗢𝗽𝘀 (Hy Lạp: Rhea), nữ thần của Màu mỡ. Thần Saturn là thần của thời gian và nông nghiệp, ông không tàn nhẫn như phiên bản Hy Lạp, mà dạy người dân trồng trọt, lao động, vì thế rất được dân chúng trọng vọng. Tên của ông còn được đặt cho ngày thứ Bảy (Saturday) và Thổ tinh (Saturn).
Lại có một số thần của thế hệ Titan khác sở hữu những cái tên latin đi vào từ điển tiếng Anh, phải kể đến anh em thần Mặt trời 𝗦𝗼𝗹 (Hy Lạp: Helios), nữ thần Mặt trăng 𝗟𝘂𝗻𝗮 (Hy Lạp: Selene) và nữ thần Rạng đông 𝗔𝘂𝗿𝗼𝗿𝗮 (Hy Lạp: Eos). 𝗩𝗶𝗰𝘁𝗼𝗿𝗶𝗮 (Hy Lạp: Nike), đúng như cái tên, là nữ thần Chiến thắng; và 𝗝𝘂𝘀𝘁𝗶𝗰𝗲 (Hy Lạp: Themis) là nữ thần Công lý, con của bà và Jupiter là nữ thần 𝗣𝗮𝘅 (Hy Lạp: Eirene) đại diện cho Hòa bình.
Nếu như thần điện Hy Lạp có 12 vị thần Olympian thì La Mã cũng có danh sách này, gọi chung là Dii Consentes. Nhưng vai trò và chức năng của họ trong thần điện cũng có những điểm giống nhau và điểm khác biệt so với phiên bản Hy Lạp tương ứng.
Bộ ba vị thần tối cao không phải là anh em nhà Zeus nữa, mà lại thuộc về Jupiter, Mars và một vị thần không-phải-Hy-Lạp là Quirinus (hóa thân của người anh hùng Romulus). Họ được gọi là Tam đại cổ thần (Archaic Triad), được phụng sự bởi các đại chủ tế, còn một số thần cấp dưới thì được phụng sự bởi các tiểu chủ tế thôi. 𝗝𝘂𝗽𝗶𝘁𝗲𝗿 (Hy Lạp: Zeus) vẫn là vị thần cao quý nhất, thần Bầu trời, vua của các thần. 𝗠𝗮𝗿𝘀 (Hy Lạp: Ares) được trọng vọng hơn rất nhiều so với Ares do bản chất tôn thờ Chiến tranh của người La Mã và do Mars gắn liền với truyền thuyết là vị thần sinh ra tổ tiên Romulus của họ.
Về sau, bộ ba tối cao cổ đại đươc thay thế bởi một bộ ba thần tối cao khác gọi là Tam thần Capitoline, bao gồm có: Jupiter cùng vợ và con gái ông là Juno và Minerva. 𝗝𝘂𝗻𝗼 (Hy Lạp: Hera), hoàng hậu của chư thần, và vẫn là nữ thần Hôn nhân và Gia đình; tên bà được đặt cho tháng Sáu (June). 𝗠𝗶𝗻𝗲𝗿𝘃𝗮 (Hy Lạp: Athena) thì lại không được thờ phụng về mặt Chiến tranh như Athena, do La Mã đã có nữ thần Chiến tranh Bellona riêng. Ở La Mã bà lại đặc biệt được thờ phụng với vai trò bảo hộ cho nghề thủ công. Nhà thơ Ovid đã gọi bà là “Nữ thần của vạn nghề”.
𝗩𝗲𝘀𝘁𝗮 (Hy Lạp: Hestia) với vai trò nữ thần Tổ ấm và Bếp lửa cũng được trọng vọng hơn rất nhiều so với ở Hy Lạp. 𝗖𝗲𝗿𝗲𝘀 (Hy Lạp: Demeter) thì vẫn giữ vai trò bảo hộ cho Mùa màng và Nông nghiệp như vậy. Thế nhưng 𝗡𝗲𝗽𝘁𝘂𝗻𝗲 (Hy Lạp: Poseidon) vai trò lại thu hẹp hơn, ông chỉ bảo hộ cho nước ngọt, sông hồ, khác với Poseidon là thần Biển cả do người La Mã không rành đi biển.
𝗩𝗲𝗻𝘂𝘀 (Hy Lạp: Aphrodite) vẫn được trọng vọng, thần Vệ Nữ là người sinh ra Aeneas, cũng là một người anh hùng tổ tiên của họ. 𝗠𝗲𝗿𝗰𝘂𝗿𝘆 (Hy Lạp: Hermes) thì chuyên tâm vào Thương nghiệp nhiều hơn, ngoài nghề Truyền tin và Trộm cắp ra. 𝗩𝘂𝗹𝗰𝗮𝗻 (Hy Lạp: Hephaestus) và 𝗗𝗶𝗮𝗻𝗮 (Hy Lạp: Artemis) vẫn giữ vai trò như phiên bản Hy Lạp, và đặc biệt nữ thần Diana vẫn còn được tôn sùng đến ngày nay trong các giáo phái neo-paganism như Wicca. Riêng thần 𝗔𝗽𝗼𝗹𝗹𝗼 được du nhập nguyên bản từ Hy Lạp về do La Mã không có thần tương ứng, nên vẫn gọi là Apollo thôi.
Danh sách 12 thần Olympian của La Mã không bao gồm 2 vị thần tiếng tăm khác cùng thế hệ. Đầu tiên là thần 𝗟𝗶𝗯𝗲𝗿 hay tên khác là thần 𝗕𝗮𝗰𝗰𝗵𝘂𝘀, chính là phiên bản La Mã của thần Rượu nho Dionysus. Liber có một người con gái với Ceres, tên là nữ thần Libera. Những giáo phái thờ thần Liber ngoài ra còn cầu nguyện cho mùa màng bội thu và sự tẩy uế.
Vị thần của âm phủ Hades trong thần thoại La Mã cũng có nhiều phiên bản tương ứng: Pluto, Dis và Orcus. Họ có thể gọi ông là 𝗣𝗹𝘂𝘁𝗼, hợp nhất cả vai trò cai quản mỏ khoáng sản của vị thần Hy Lạp Plutus có cái tên tương tự; hoặc có thể gọi phổ biến với cái tên 𝗗𝗶𝘀 𝗣𝗮𝘁𝗲𝗿. 𝗢𝗿𝗰𝘂𝘀 cũng là một bản thể cùng chức năng cai trị cõi âm với Hades, tuy bản thể này còn kiêm nhiệm cả chức năng trừng phạt kẻ phá lời thề. Orcus có hình dáng như một gã khổng lồ lông lá, thường được thờ phụng nhiều hơn ở miền nông thôn, đồng thời Orcus cũng là tên gọi của chính cõi Âm phủ.
Ngoài 14 vị thần trên còn có một số vị thần cấp dưới khác có phiên bản riêng đáng chú ý, ví dụ: nữ thần Mùa xuân Proserpina (Hy Lạp: Persephone), thần Tình yêu Cupid (Hy Lạp: Eros) – người có câu chuyện tình yêu nổi tiếng với nàng Psyche, Bellona (Hy Lạp: Enyo) – vị nữ thần Chiến tranh rất được tôn thờ bên cạnh thần Mars, Faunus (Hy Lạp: Pan), Juventus (Hy Lạp: Hebe), Salacia (Hy Lạp: Amphitrite) và người anh hùng Heracles cũng có tên La Mã là Hercules.