Vào thời Lê Cảnh Hưng, có sơn tặc từ Vân Nam tràn vào biên giới nước ta cướp phá khắp nơi. Triều đình cho lệnh Ông dọc theo sông Hồng mà tiến lên dẹp giặc. Ông thống lĩnh lục thuỷ đạo quân chia làm nhiều hướng tả xung hữu đột đánh tan giặc dữ, ác tặc khiếp sợ phải tháo chạy. Bờ cõi lại bình yên, ông kêu gọi thổ hào các phương về nơi ấy khai khẩn, lập nơi sinh sống. Cứ thế mà người Nùng, người Dao, người Thổ kéo về, chẳng mấy chốc lại an cư lạc nghiệp.
Hoà bình không bao lâu lại có giặc dữ khiêu chiến, Ông tiếp tục lãnh binh quyết đấu. Đia thế không thuận nên Ông bị địch bắt về tra tấn tàn bạo. Mặc cho thân thể chịu mọi cực hình, Ông quyết không hé răng khai ra nửa lời. Quân giặc nổi cuồng nộ ra tay sát hại, lúc Ông vừa lìa trần thì trời nổi giông gió mịt mù, mây lớn kết thành hình chiến mã, từ thân phóng ra luồng hào quang, ánh sáng ấy bay thẳng lên thân ngưa trên trời. Thi hài Ông trôi theo sông Hồng rồi tấp vào Bảo Hà, Lào Cai. Thân Ông vừa dừng lại bên bờ thì mây gió cũng tan, trên trời cao có áng mây năm sắc hợp thành hình tứ linh ẩn hiện.
Khi hiển Thánh Ông trấn đất Lào Cai, ngự dinh Bảo Hà, là một bậc Thánh rất mực anh tài, cung đao tượng mã đều giỏi. Lúc thanh nhàn cũng nức tiếng phong lưu, ngả bàn đèn hay uống trà Long Tỉnh, tổ tôm hay tam cúc ông đều sành sỏi. Hầu bên chân Ông thường có thập nhị tiên nàng hiến tửu dâng hoa.
Thời Minh Mạng, Thiệu Trị sắc phong ông là “Trấn An Hiển Liệt”. Trong hàng Tứ Phủ Ông Hoàng, Ông Bảy giữ trách nhiệm chấm lính nhận đồng, Ông cũng là vị Thánh Hoàng rất hay trắc giáng ngự đồng, Hoàng về mặc áo tím chàm thêu rồng hình chữ thọ, đầu đội khăn xếp thắt lét, cài chiếc kim lệch màu ngọc thạch. Ông ngự đồng tấu hương khai quang, cưỡi ngựa trên đôi hèo, truyền rằng giá Ông Bảy về mà thanh đồng ném hèo vào ai thì coi như người ấy được chấm đồng.
Quan Hoàng Bảy có người con gái giúp cha đánh giặc, sau khi thác hoá cũng được người dân tôn xưng là Cô Bé Tân An, thuộc hàng Thánh Cô, dựng đền thờ ở Tân An cũng gần đền Hoàng Bảy.
Cre: Fanpage Epic