Tương truyền, Hoàng là con trai của đức Vua Cha Bát Hải, ngự ở Đào Nguyên. Ông vâng lệnh Vua ban Mẫu truyền mà giáng trần vào thời Lê Thái Tổ, sinh ra văn võ song toàn, nghĩa khí hơn người, được phụ mẫu đặt tên Nguyễn Xí. Lúc quốc gia biến loạn, ông phụng mệnh triều đình đánh quân xâm lăng. Khi thiên hạ đã thái bình, ông được giao trấn giữ đất Nghệ An. Lưu lại xứ Nghệ, ông mở man giao thương cho muôn dân được ấm no, nhiều lần ông đoán sự thiên cơ mà cứu dân thoát cảnh cơ hàn. Có một hôm dường như biết trước bão giông sẽ kéo đến, ông cho người lên rừng đốn cây mang về chuẩn bị cất nhà. Quả nhiên hôm ấy phong ba nổi lên thổi tung làng mạc, nhờ ơn ông mà chẳng mấy lâu dân lại có nơi nương náu.
Trong một lần dạo thuyền ngang sông, lúc xuôi về chân núi Hồng Lĩnh trời kéo mây đen, sóng gió nổi lên nhấn chìm thuyền, ông thác hoá giữa dòng sông Lam. Dân thấy vậy vội lo nhang khói cho ông, lúc ấy thi hài ông nổi lên giữa dòng, dung mạo vẫn hiền hoà, sắc mặt hồng hào rồi trôi vào bờ. Đất đá bấy giờ tự kéo lên che lấp di quan của ông, từ đó ánh lên hào quang nhẹ nhàng. Trên trời có mây lành năm sắc kéo lại thành hình xích điểu, thiên binh thần tướng đến nghênh đón ông về cõi Thánh.
Sau khi hiển ứng, ông ngự trong phủ Nghệ An trông coi muôn dân bá tánh, phù hộ cho trăm nẻo an lành. Dân ta suy tôn là Đức Thánh Hoàng Mười còn gọi là Ông Mười Nghệ An.
Có lời truyền khác cho rằng Ông Hoàng Mười giáng trần tên huý là Lê Khôi, ông là cháu của Lê Lợi theo phò đại thúc đánh Minh, sau được sắc phong hiển thánh.
Ông Mười là vị Thánh Hoàng rất hay ngự đồng, Ông được Vua Cha, Thánh Mẫu giao cho trọng trách chấm lính nhận đồng. Ông về đồng mặc áo vàng có thêu rồng hình chữ thọ, đầu vấn khăn thắt lét vàng, cài chiếc kim lệch bằng vàng. Ông vốn có tài thơ phú, ca ngâm nên sau khi khai quang, múa cờ Ông thường lấy quạt bút ngâm thơ, cung văn cũng dân lên Ông những câu ca xứ Nghệ.
Cre: Fanpage Epic