Quan Lớn Đệ Ngũ

Ngài là Đệ Ngũ Tôn Quan Tuần Tranh Tối Linh Thần Cao Lỗ Đại Nhân, Vua Cha Ngọc Hoàng ban cho Ngài thiên binh địa tướng, thu chấp kim ngân tài mã mà giải oan nghiệp sớ cho nhân gian. Ông còn được gọi là Ông Lớn Tuần Tranh, là con thứ năm của Vua Cha Bát Hải Động Đình.

Ông giáng trần dưới thời Hùng Định Vương, bản gia ở phủ Ninh Giang có tài thao lược chiến sự vùng thủy bộ trấn giữ sông Tranh, lập được nhiều công trạng. Ngày trở về quê nhà Ông đem lòng yêu một cô nương nhưng chẳng hề biết nàng vốn là thiếp của một viên quan. Lại nói, nàng đau đớn cho kiếp chồng chung lẻ phận nên trong lúc yếu mềm đã nảy sinh tình cảm. Một ngày tên ác quan biết chuyện đã đem đày Ông đến chốn hoang vu, để tỏ lòng thanh bạch cùng trời cao, Ông trầm mình xuống Kì Cùng giang. Chơn hồn hóa thân thành đôi bạch xà trở về quê hương, có vợ chồng lão nông phu gặp được đã tiếp tế dưỡng nuôi. Viên quan lòng dạ tiểu nhân ti tiện biết được họ lén mang gà để nuôi đôi rắn liền mang ra công đường xét xử và cho giết cặp rắn, vợ chồng nông phu thương cảm xin cam tội nhưng mong được phóng thích nhị vị xà thần. Lúc đôi rắn trườn xuống sông Tranh thì tứ bề phong vũ, nước xoáy mưa sa và bạch xà biến mất.

Đến thời An Dương Vương chống quân Triệu Đà, vua cho thủy quân đi qua Tranh giang nhưng giữa dòng có xoáy nước lớn tựa thủy quái, chẳng thuyền bè nào vượt nổi. Vua cho lập đàn cầu đảo thì sóng yên nước lặng, trận đánh ấy cũng lập phần đại thắng. Vua nhớ ân sắc phong là Giảo Long Hầu, về sau Ông lại nhiều lần linh ứng dùng phép thần thông trừ tà sát quỷ, diệt ác tiêu gian được lòng dân tôn kính.

Về sau truyện “Ông Dài, Ông Cụt” cũa Nguyễn Dữ đời nhà Mạc được nhiều người nói chính là tích đền Tranh tuy nhiên không có xác thực. Quan Lớn Tuần Tranh rất hay ngự về đồng. Khi ngự đồng ông mặc áo lam thêu rồng, hổ phù; làm lễ tấu hương, khai quang, chứng sớ tán đàn rồi múa thanh long đao. Khi có đại đàn mở phủ hay bất cứ lễ tiệc nào, sau khi thỉnh các quan lớn về, đều phải đợi đến khi giá Quan Lớn Đệ Ngũ về chứng một lần hết tất cả các đàn mã sớ trạng rồi mới được đem đi hoá. Vì sự linh ứng khôn cùng nên cung văn vẫn thường hát: 
“Ra uy lẫm liệt tung hoành, 
Trừ tà sát quỷ nên danh tướng tài…”

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *