Đây là tên gọi chung của 7 vị thần mang lại may mắn trong thần thoại và văn hóa dân gian Nhật Bản. Họ là những vị thần gần gũi với tầng lớp nhân dân vì thế những biểu tượng của họ thường là những thứ gắn liền với cuộc sống hàng ngày như lúa, gạo, cá… 7 vị Phúc thần thường đi trên một chiếc thuyền chở đầy vàng bạc châu báu tên là Takarabune – thứ được mọi người phàm thèm muốn. Cứ vào ngày cuối năm, họ sẽ cưỡi thuyền đến với những người xứng đáng và có đức tin để trao tặng họ may mắn và tài lộc. Trẻ con thường đặc họ tặng cho những bao lì xì đựng tiền may mắn ( có lẽ tục lì xì năm mới bắt đầu từ đây).
7 vị phúc thần bao gồm:
Hotei (Bố Đại) – tay phải cầm quạt, tay trái cầm bao bố lớn và khuôn mặt luôn tươi cười phúc hậu, tượng trưng cho hạnh phúc và sức khỏe dồi dào. Được cho là hiện thân của Phật Di Lặc trong Phật giáo.
Jurojin (Thọ Lão Nhân) – vị thần có nguồn gốc từ Đạo giáo Trung Hoa, tượng trưng cho sự trường thọ, mang dung mạo một cụ già quắc thước, một tay cầm gậy phép, một tay cầm quạt hoặc quả đào, luôn có một con hươu đi bên cạnh.
Fukurokuju (Phúc Lộc Thọ) – Ông cụ có mái đầu nhẵn bóng và vầng trán cao,vị thần của hạnh phúc, phú quý và trường thọ, luôn có một con rùa và một con sếu đi cùng.
Benzaiten ( Biện Tài Thiên ) – vị nữ thần có nguồn gốc từ Ấn Độ, tay cầm đàn tỳ bà, là vị thần của tri thức, âm nhạc và sắc đẹp.
Ebisu (Huệ Bì Tu) – thần của dân chài và nhà buôn, thường cầm theo một cái cần câu và một con cá hồng. Ông đại diện cho sự thịnh vượng và sóng yên biển lặng. Đây là vị thần duy nhất trong 7 vị có nguồn gốc từ Nhật Bản.
Daikokuten ( Đại Hắc Thiên) – vị thần của tiền tài, giàu sang và nông nghiệp. Ông thường cầm theo một cái búa và một bao gạo. Đi cùng ông thường có những con chuột.
Bishamonten ( Bì Sa Môn Thiên) -vị thần chiến tranh, người canh giữ chốn linh thiêng của nhà Phật, có nguồn gốc từ Trung Hoa ( Đa Văn Thiên trong Tứ đại thiên vương). Một tay cầm thương, một tay cầm bảo tháp.