Sơn Trang

Sơn Trang

Sơn Trang

Ngoài tín ngưỡng thờ Mẫu Tứ Phủ, ngoài Tứ Phủ Công Đồng còn có hai công đồng thường được phối thờ trong các đền phủ, gồm ban Trần Triều và ban Sơn Trang.

Tục thờ Sơn Trang là một tục thờ tối cổ của người Việt, ra đời từ thời Âu Lạc, cách đây cỡ 2000 năm. Còn tục thờ Tứ Phủ có lẽ chỉ thịnh hành khi có xuất hiện Thánh Mẫu Liễu Hạnh cách đây hơn 600 năm. Như vậy, tục thờ Sơn Trang ban đầu là một tín ngưỡng thờ Mẹ rừng có từ trước khi Mẫu Liễu Hạnh ra đời.

Khi xuất hiện Mẫu Liễu Hạnh. Triều đình nhà Lê đã phong Chúa Sơn Trang là “Lê Mại Đại Vương”. Kể từ đó Chúa Sơn Trang trở thành Mẫu Thượng Ngàn đứng ngôi thứ hai trong Tam Tòa Thánh Mẫu. Như vậy, Tín ngưỡng thờ Tứ Phủ được coi là sự kết hợp hài hòa của tục thờ Mẫu Liễu Hạnh và tục thờ Sơn Trang.

Ban đầu tín ngưỡng thờ Mẫu cổ của người Việt chỉ có Tam Phủ: thiên – địa – thủy, chưa có nhạc phủ. Trong khi đó, tục thờ Sơn Trang đã tồn tại cả ngàn năm trong cộng đồng người dân tộc miền cao. Thời Minh thuộc, Chúa Sơn Trang phù hộ cho nghĩa quân Lam Sơn mà được Lê Lợi sắc phong làm Lê Mại Đại Vương. Bà Chúa Sơn Trang khi đó cũng trở thành Mẫu Thượng Ngàn, đứng ngôi đệ nhị trong Tam Tòa Thánh Mẫu; Nhạc Phủ cũng bấy giờ mới nhập vào Tam Phủ ban đầu mà hình thành Tứ Phủ.

Như vậy, Sơn Trang có thể coi là tín ngưỡng đại diện cho đồng bào miền cao, là tiền thân của Nhạc Phủ; ngày nay tục thờ Sơn Trang vẫn tồn tại song song và được phối thờ với Tứ Phủ Công Đồng trong các đền phủ, thể hiện mối liên kết hài hòa giữa người Kinh ở miền đồng bằng và các dân tộc đồng bào miền núi.

1. Chúa Sơn Trang – Tam Tòa Sơn Trang:

Đây là ba Chúa Sơn Trang có từ thời Vua Hùng, cả 3 ngôi này đều được coi là ba hiện thân của Mẫu Thượng Ngàn. Bởi Mẫu Thượng Ngàn tại đền Bắc Lệ chính là La Bình Công Chúa; tại Đền Suối Mỡ chính là Quế Hoa Công Chúa, còn tại đền Đông Cuông là Lê Mại Đại Vương Công Chúa.

Đứng đầu ban Sơn Trang là ba vị Chúa Sơn Trang từ thời Hùng Vương, gồm:

Sơn Trang Đệ Nhất: Thanh Sơn Đại Vương Bạch Anh Quản Trưởng Sơn Lâm Công chúa Lê Mại Đại Vương. Bà là con gái của một gia đình người Mán, tên húy là Lê Thị Kiệm, vợ của ông Hà Văn Thiên người Tày. Bà có công lập làng ấp, dạy dân chúng mưu sinh, sau thác hóa còn hiển linh phù hộ những ai băng suối vượt non được tai qua nạn khỏi. Ngàn năm sau dùng phép thần thông giúp đỡ vua Lê Lợi lúc hiểm nguy, bà được vua sắc phong là Lê Mại Đại Vương, chính là hóa thân của Mẫu Thượng Ngàn.

Sơn Trang Đệ Nhị: Diệu Tín thiền sư La Bình công chúa. Bà xuất thân từ dòng họ Hà trâm anh hào kiệt, từ nhỏ đã có tướng hổ nhi. Lớn lên bà bỏ nhà vào rừng gặp sư tổ xin tu luyện. Về sau giặc giã nổi lên cướp phá làng quê, Diệu Tín trở về một mình đánh tan quân giặc, vô tình đoàn tụ với cha mẹ sau nhiều năm ly biệt nhờ nhận diện vết bớt đỏ trên tay. Cha mẹ bà bàng hoàng vì gặp lại con đến nỗi hồn lìa cõi tục, khiến Diệu Tín tan nát cõi lòng. Bà chôn cất bậc phụ mẫu sinh thành rồi trở về núi tiếp tục tu luyện, trở thành Diệu Tín thiền sư, được các đấng sơn thần thổ địa, bát bộ sơn trang quy phục.

Sơn Trang Đệ Tam: Diệu Nghĩa thiền sư Quế Hoa công chúa. Văn chầu Đệ tam Mường tổ kể rằng bà Diệu Nghĩa xuất thân từ thời Hùng Vương, vì thương dân thương nước mà được Ngọc Hoàng ban cho quyền phép vô song, lại có thuật tàng hình lợi hại, trừ ma diệt quỷ cứu giúp dân lành.

Có quan điểm coi Tam Tòa Sơn Trang là ba người khác nhau. Có quan điểm lại cho rằng ba ngôi này đều là các hóa thân của Mẫu Thượng Ngàn. Chúa Sơn Trang cai quản tam thập lục động Sơn Trang, gồm 12 chốn Mán, 12 chốn Mường, 12 chốn thổ tộc, 82 cửa rừng, 72 cửa biển. Dưới quyền Chúa Sơn Trang có hội đồng chúa bói, chúa chữa, chúa Mường, lại có tám vị tướng quân gọi là Bát Bộ Sơn Trang, theo hầu Chúa là Thập Nhị Tiên Cô Sơn Trang.

2. Hội đồng Chúa Bói:

Hội đồng Chúa Bói là các vị chúa bói chúa chữa chúa Mường, chúa bản cảnh của các địa phương, phải kể đến: Chúa Đệ Nhất Tây Thiên, Chúa Đệ Nhị Nguyệt Hồ, Chúa Đệ Tam Lâm Thao, Chúa Thác Bờ, Chúa Năm Phương, Chúa Cà Phê, Chúa Mọi, Chúa Ba Nàng, Chúa Bà Đá Đen, Chúa Bản Cảnh Ninh Bình, Chúa Bản Cảnh Bắc Hà…

3. Bát Bộ Sơn Trang:

Tương truyền Mẫu Thượng Ngàn lấy một ông họ Đỗ ở Đồng Đăng, hạ sinh được ông Đỗ Đống. Ông Đỗ Đống lại lấy bà Nguyễn Thị Tươi sinh ra tám người con trai tướng mạo phi thường. Họ trở thành tám vị tướng quân phò tá An Dương Vương, sau này lại hiển linh phù hộ cho Hai Bà Trưng và các đời Lý, Trần, Lê. Nhân dân ta gọi là tám vị tướng sơn trang, hay Bát Bộ Sơn Trang, cai quản các lũng, các nương núi rừng, gồm: Đỗ Trinh, Đỗ Triệu, Đỗ Hiệu, Đỗ Trung, Đỗ Bích, Đỗ Trương, Đỗ Cường, Đỗ Công, Đỗ Dũng.

4. Thập Nhị Tiên Cô Sơn Trang:

Cuối cùng, ban Sơn Trang còn có mười hai tiên cô theo hầu Chúa Sơn Trang. Lưu ý rằng các tiên cô Sơn Trang khác Tứ phủ Thánh Cô trong Công đồng Tứ phủ. 12 cô Sơn Trang bao gồm:

• Cô Cả Núi Dùm
• Cô Đôi Bắc Lệ
• Cô Bơ Thượng Ngàn
• Cô Tư Ỷ La
• Cô Năm Đồng Tiền
• Cô Sáu Đồi Ngang
• Cô Bảy Tuyên Quang
• Cô Tám Thượng Ngàn
• Cô Chín Thượng Ngàn
• Cô Mười Suối Ngang
• Cô Mười Một Đồng Nhân
• Cô Mười Hai Thượng Ngàn

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *