Sự tích chim Đa Đa

Nói đến thần thoại Việt Nam, ta không thể không nhắc đến kho tàng cổ tích đồ sộ với biết bao câu chuyện thần tiên và huyền ảo. Và trong kho tàng đó, nổi cộm lên nhất có lẽ là thể loại Sự tích 

Ở các thần thoại của những nền văn hóa khác, ta thường gặp motif là một ông thần toàn năng sẽ sinh ra mọi sinh vật cùng một lúc. Nhưng ở Việt Nam, mỗi sinh vật, đồ vật hay tập tục đều có một câu chuyện rất khác nhau kể về sự ra đời của chúng. Theo mình thì chính những câu chuyện sự tích này đã tạo nên một cái chất rất riêng cho thần thoại Việt Nam. Và nếu bạn muốn tìm hiểu về thần thoại nước ta, thì mình tin mảng sự tích vạn vật là một món ăn không thể thiếu.
SỰ TÍCH CHIM ĐA ĐA

Chim đa đa hay gà gô là một giống chim khá lớn và phổ biến ở Việt Nam, thường được nuôi làm cảnh vì tiếng gáy đặc trưng của mình. Dù vậy, mấy ai biết đằng sau tiếng gáy đó lại là một câu chuyện rất buồn… 

Chuyện kể rằng…

Ngày xửa ngày xưa, có đôi vợ chồng bác tiều phu nọ, mãi mà chả có đứa con nào. Quá mong mỏi một đứa con, họ cùng nhau lên chùa ăn chay niệm Phật mong được thần linh phù hộ. Và họ có con thật, là một bé trai, tên là Đa Đa 
Thế nhưng thần linh thì không cho đồ free như thế, khi cậu bé lên 7 thì mẹ nó qua đời. Cha nó vì không chịu được cảnh gà trống nuôi con nên đã cưới về một người mẹ kế để chăm sóc cho Đa Đa mỗi khi ông phải đi làm.

Và như bao câu chuyện về mẹ ghẻ con riêng khác, người mẹ kế này rất ghét Đa Đa. Bà ta hằng ngày đánh đập, bắt cậu bé tội nghiệp phải đi chăn đàn vịt của mình. Đã vậy, bà ta lại hay bỏ đói thằng bé, chỉ cho ăn mấy thứ đồ thừa. Thằng bé thì lại quá… hồn nhiên, đêm về cứ khóc lóc mách với bố, chỉ tổ làm mụ dì ghẻ thêm phần căm ghét.

Để đánh lừa người chồng, bà ta xúc một bát cát, rồi rải lên một lớp cơm mỏng, bảo Đa Đa ăn. Cậu bé biết là cơm trộn cát nên không ăn mà cứ ngồi khóc. Ngay khi người chồng, với vẻ mệt mỏi sau một ngày làm việc vất vả, vừa về, bà ta liền đón đầu:” Đó, ông xem thằng Đa Đa hành hạ tôi đến bực nào, cơm đã dâng tận tay mà nó không chịu ăn, ngồi khóc rấm ra rấm rứt, có khi ma trù ma ẻo thì còn làm ăn gì được.”

Người chồng phần vì mệt mỏi phần vì mụ vợ diễn quá đạt, nên mắc mưu ngay, thấy toàn cơm trắng mà thằng con lại cứ khóc mãi. Trong cơn điên cuồng bất chợt, ông ta vớ ngay lấy khúc củi mà đánh, chẳng may trúng đầu, khiến thằng bé chết ngay tại chỗ. Cái xác của thằng bé ngã xuống cùng với chén cơm oan nghiệt, phô bày ra những lớp cát ẩn bên dưới.

Người cha sực tỉnh cơn mê, lòng đầy ân hận và tội lỗi, nhưng chuyện thì đã lỡ rồi, ông chỉ còn biết đuổi người vợ đi và chôn xác đứa con thơ tội nghiệp.

Ba ngày sau, khi ra thăm mộ của con, người cha nhìn thấy có một con chim màu xám bay lên từ dưới mộ, đậu trên cành cây, quay về phía ông mà gáy:

“Bát cơm cát trả cho cha, đánh bể óc ác la, ác la đa.”

Người cha đau khổ mà nhận ra ngay đó là hồn thằng Đa Đa hóa thành, buông ra những tiếng kêu thê thảm, ai oán cho cuộc đời ngắn ngủi, đầy bất hạnh của một cậu bé nghèo.

Bài viết của bạn Nguyễn Võ Nhật Minh.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *