Sự tích hồ Kim Ngưu – Tên cũ của Hồ Tây

Hồ Tây ở Hà Nội có tên cũ là hồ Kim Ngưu, do có liên quan tới truyền thuyết về một con trâu vàng kì lạ. Tương truyền xưa ở núi Tiên Du có con trâu vàng, nửa đêm thường tỏa sáng. Một nhà sư trấn yểm lên trán trâu, làm trâu hoảng sợ bỏ chạy. Nó lồng xéo húc vào làm sụt đất, về sau thành thôn Húc. Rồi trâu vàng chạy tới tận ven sông Tô Lịch, đúng lúc Cao Biền cưỡi diều giấy bay qua. Biền tính đuổi theo, mà thoắt cái trâu đã chạy xuống hồ rồi không thấy đâu nữa. Từ ấy mà thành tên hồ Kim Ngưu.

Một truyền thuyết khác lại liên quan tới thiền sư Nguyễn Minh Không, người từng chữa bệnh lạ “hóa hổ” cho vua Lý Thần Tông và được ban quốc tính họ Lý, sắc phong danh hiệu Quốc Sư. Lý Triều Quốc Sư có đạo hiệu là Không Lộ (tích dân gian thường đọc chệch thành ông Khổng Lồ), do có công phục hưng nghề đúc đồng trong quá trình xây dựng chùa chiền mà được mệnh danh là Tổ nghề đồng. Truyền thuyết kể rằng Không Lộ tu thiền đắc đạo có thể đi mây về gió, có lần sang phương Bắc chữa khỏi bệnh cho vua Tống. Vua trả ơn, hỏi muốn lấy gì, Không Lộ chỉ xin đồng đen cho vừa tay nải. Lạ thay, tay nải của Không Lộ tưởng chừng không đáy, cả kho đồng đen của nhà Tống có thể nhét vừa. Rồi ông lên thuyền, thả mũ một cái thuyền chạy băng băng về nước Nam, đem đồng đen đúc thành chuông lớn. Đồng đen là mẹ của vàng, nên khi gióng chuông, con trâu vàng từ phương Bắc nghe thấy tưởng trâu mẹ gọi, liền chạy sang Đại Việt. Khi tiếng chuông tắt, trâu vàng lồng xéo giẫm sụt mặt đất thành hồ rồi mắc kẹt luôn dưới đáy, từ đó gọi là hồ Kim Ngưu.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *