T1 và Gen.G có thể xem là hai đội có phong cách chuyển nhượng trái ngược nhau trong vòng 3 năm trở lại đây.
T1 và Gen.G trong những năm gần đây luôn được xem là cặp “kỳ phùng địch thủ” cân tài cân sức. Bởi lẽ, dù Gen.G thường giành chiến thắng tại giải quốc nội, nhưng khi đối đầu tại đấu trường quốc tế, T1 lại đang nhỉnh hơn rõ rệt, điển hình như MSI 2023 vừa qua. Không chỉ vậy, ngay cả trong chính sách xây dựng đội hình, cả hai cũng đi theo hai trường phái khác nhau hoàn toàn. Điều này cũng từng được mang ra so sánh trong mùa giải đầu tiên T1 và Gen.G công bố đội hình mới, cụ thể là vào đầu mùa giải 2022.
T1 với sức mạnh nội tại
T1 từ xưa luôn nổi tiếng với việc chuộng sử dụng tuyển thủ tự đào tạo và gần như rất ít khi tham gia thị trường chuyển nhượng. Và lò đào tạo T1 cũng nổi tiếng với những cái tên vô cùng chất lượng mà Faker chính là minh chứng rõ nét nhất. Hơn nữa, những tuyển thủ không xuất thân từ “lò T1”, khi gia nhập đội tuyển này, đôi khi cũng không có được thành công. Tất nhiên, vẫn có một số ngoại lệ như Khan hay Bang và sau này là Keria. Nhưng đặc điểm của SKT T1/T1 vẫn luôn là tập trung vào những tiềm lực sẵn có.
“Dải ngân hà” Gen.G
Về phần Gen.G, trong vài năm đổ lại đây, họ chuyển nhượng liên tục và đỉnh điểm là kỳ chuyển nhượng cuối mùa giải 2021. Khi đó, Gen.G ra mắt đội hình được xem là “Dải ngân hà” của LCK với việc bổ sung 4/5 vị trí gồm toàn những siêu sao ở thời điểm đó (Doran, Peanut, Chovy và Lehends). Tất nhiên, sự lắp ghép không thể có thành tựu ngay mà phải đến Mùa Hè 2022, Gen.G mới bắt đầu được nếm trái ngọt. Khi Ruler ra đi, Gen.G đôn Peyz từ đội trẻ lên và tiếp tục có thêm vinh quang tại giải quốc nội trong năm 2023.
Đội tuyển nào xây dựng lực lượng tốt hơn?
Đưa những tuyển thủ từ lò đào tạo trẻ lên sẽ giúp các đội tuyển bớt đi một khoảng lớn phí chuyển nhượng, lại còn tạo cơ hội cho những người trẻ được thể hiện và xây dựng lớp kế thừa. Chỉ có điều, T1 hiện tại đang tỏ ra loay hoay với chính những sao trẻ của mình khi họ liên tục thể hiện bản lĩnh non kém trong các trận đấu quan trọng nhất, và thái độ khá phụ thuộc vào Faker, kể cả đó là Keria – thành viên dày dạn kinh nghiệm thi đấu LCK nhất trong số 4 tuyển thủ trẻ của T1.
Trong khi đó, sau mùa giải đầu tiên va vấp, Gen.G đã ngày càng cải thiện lối chơi cũng như sự ăn ý giữa các tuyển thủ. Tuy nhiên, điểm yếu của Gen.G vẫn nằm ở chỗ “khôn nhà dại chợ” mỗi khi bước ra đấu trường quốc tế. Đáng nói, đối thủ khiến Gen.G lỡ mất các danh hiệu quốc tế, lại chính là những “bại tướng” của họ tại LCK (DRX và T1). Cũng những con người đã cùng nhau thống trị LCK đó, khi gặp lại đối thủ quen thuộc lại bị lép vế hoàn toàn. Đặc biệt, người ta thường nghĩ Gen.G không lệ thuộc vào bất kỳ tuyển thủ nào. Nhưng trên thực tế, Gen.G chưa tìm được cho mình một thủ lĩnh thực sự như Faker – người chỉ cần xuất hiện là cả đội thi đấu như thể họ mới là những nhà vô địch.
Kết
Sẽ thật khó để chỉ ra đâu là lối xây dựng đội hình tốt hơn giữa Gen.G và T1. Đôi bên đều có những giai đoạn thăng trầm nhất định và đều đã thể hiện điểm mạnh – yếu trong đội hình của mình. Tất nhiên, những danh hiệu cũng là một dẫn chứng cho việc một đội hình có thành công hay không. Và ở LCK hiện tại, Gen.G đang cho thấy sự áp đảo. Trong khi đó, các tuyển thủ trẻ của T1 đã cận kề ngày hết hạn hợp đồng và những quyết định của họ cũng như của Ban lãnh đạo đội sẽ ảnh hưởng đến chính tương lai T1 cũng như cục diện LCK trong những mùa tới.
Theo GameK