Tại sao Riot lại biến Udyr từ ‘6 múi’ thành ‘bụng bia’? Hóa ra là có căn cứ khoa học hẳn hoi

Đánh giá post

Udyr mới tuy có được nhiều ấn tượng tốt với cộng đồng game thủ LMHT, nhưng cũng vấp phải nhiều tranh cãi vì tạo hình “phát tướng” của mình.

Dự án làm lại Udyr có lẽ là một trong những chiến dịch tiêu tốn nhiều công sức và thời gian nhất của đội ngũ phát triển LMHT. Và thật may là những trải nghiệm ban đầu về tạo hình và chủ đề mới của vị tướng này đã phần nào khiến cộng đồng thỏa lòng mong đợi. Tuy nhiên, vẫn còn đó một chút “gợn gợn” trong tạo hình của Udyr mới khiến cộng đồng không khỏi thắc mắc. Đó là: Tại sao đống cơ bụng 6 múi “mlem mlem” của Udyr cũ lại hóa thành “bụng bia”? Tại sao Udyr mới lại trông “phát tướng” đến vậy?

Tại sao Riot lại biến Udyr từ ‘6 múi’ thành ‘bụng bia’? Hóa ra là có căn cứ khoa học hẳn hoi

Trên thực tế, như chúng ta đã biết, ngoại trừ việc cân bằng game ra thì Riot làm bất kỳ điều gì cũng có suy tính và hàm ý sâu xa cả, và dĩ nhiên, một khi đã biến Udyr từ 6 múi thành 1 ngấn, thì cha đẻ của LMHT cũng có dụng ý cả đấy, chứ chẳng hề làm bừa chút nào đâu. Và giờ, hãy cùng chúng tôi phân tích một chút về chi tiết tạo hình này của Udyr nhé! Bạn sẽ bất ngờ đấy, vì nó còn hàm chứa cả yếu tố khoa học thực tiễn trong đó nữa cơ.

Nguyên nhân thứ nhất: “Đu trend”

Sau khi leak tạo hình ban đầu của Udyr mới và bị cộng đồng bóc mẽ là… giống Kaido trong One Piece, cặp sừng trong concept art ban đầu của vị tướng này đã bị loại bỏ, và kết quả là chúng ta có được Udyr như hiện tại. Dẫu vậy, phiên bản hoàn chỉnh của Udyr mới lại khiến nhiều người liên tưởng đến phiên bản “Thor béo” trong Avengers: Endgame.

Udyr

Khỏi phải nói, hình tượng Thor “bụng bia” trong Endgame đã để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng khán giả điện ảnh trên thế giới đến mức nào, và dĩ nhiên, nếu Riot có lấy cảm hứng từ Thần Sấm để tạo nên Udyr mới (vốn cũng có sức mạnh sấm sét) thì cũng chẳng có gì là lạ.

Nguyên nhân thứ hai: Xuất thân của Udyr – Lý giải khoa học

Về nguyên nhân này, cần nhấn mạnh hai vấn đề: Udyr là một võ sĩ, và ông ta xuất thân từ Freljord.

Ở vế thứ nhất, xuất thân “võ sĩ” của Udyr lại không phải là dạng võ sĩ giác đấu, chuyên thi thố tài năng trên võ đài như Sett, mà nói chính xác thì Udyr là một võ giả – một chiến binh luôn đối mặt với những cuộc chiến sinh tử ngoài chiến trường (cụ thể là các trận chiến tại Freljord và Ionia). Nói về hình tượng chiến binh của Udyr, khoa học đã chứng minh rằng trên tế, các chiến binh trong thời kỳ vũ khí lạnh (cổ – trung đại) không hề sở hữu một “bo-đỳ 6 múi cuồn cuộn như trong phim ảnh, mà thực tế, thể hình lý tưởng của một chiến binh thời cổ đại phải là tạng người to béo, phốp pháp và… càng nhiều mỡ càng tốt.

Tại sao Riot lại biến Udyr từ ‘6 múi’ thành ‘bụng bia’? Hóa ra là có căn cứ khoa học hẳn hoi

Lý do là bởi việc sở hữu một lớp mỡ dày sẽ ảnh hưởng tới tính sống còn trên chiến trường của họ. Cùng với lớp áo giáp bên ngoài, lớp mỡ trong cơ thể sẽ giảm thiểu độ sát thương từ vũ khí, tránh cho nội tạng bị tổn thương chí mạng. Nói cách khác, lớp mỡ của các chiến binh gần như là một bộ áo giáp sinh học tự nhiên, giúp họ tăng khả năng sinh tồn trên chiến trường.

Bên cạnh đó, vấn đề thứ 2, liên quan đến khí hậu. Đối với những chiến binh sinh sống ở vùng có thời tiết lạnh giá, băng tuyết quanh năm, lớp mỡ cũng là phương tiện giữ ấm cho họ trên đường hành quân, và cũng là nguồn năng lượng dự trữ trong trường hợp phải chịu đói lâu ngày. Hiểu cách khác, một chiến binh to béo mới là một chiến binh thiện chiến, chứ không phải 6 múi, tương tự như loài gấu vậy.

Freljord là vùng đất vô cùng lạnh giá, và khá dễ để nhận thấy rằng hầu hết các vị tướng có giới tính nam xuất thân từ vùng đất này đều sở hữu cơ thể vô cùng to lớn, lực lưỡng. Udyr cũng không phải ngoại lệ.

Tại sao Riot lại biến Udyr từ ‘6 múi’ thành ‘bụng bia’? Hóa ra là có căn cứ khoa học hẳn hoi

Tượng Quan Công đọc kinh Xuân Thu – Trưng bày tại di tích Mộ Quan Công, thành phố Lạc Dương, Trung Quốc

Ví dụ điển hình và dễ hiểu nhất cho câu chuyện về các “chiến binh béo” ở trên chính là trường hợp của Quan Vũ – Danh tướng nổi tiếng bậc nhất thời Tam Quốc trong lịch sử Trung Quốc, và cũng là cái tên quen thuộc với người Việt Nam. Quan Vũ quê ở Sơn Tây – Phía bắc Trung Quốc, tuy không phải là vùng đất băng tuyết, nhưng cũng có khí hậu khô lạnh. Trong những tư liệu và hiện vật cổ, Quan Vũ cũng được phác họa là một võ tướng với thể hình to béo cùng chiếc “bụng bia”… to vượt mặt. Đó chính là hình mẫu lý tưởng của những chiến binh chinh chiến sa trường thời xưa.

Ngoài ra, một trường hợp tạo hình “sát thực tế” nhất về tạo hình của các nhân vật “bụng bia” trong thế giới game, chính là trường hợp của thần Thor trong tựa game bom tấn sắp ra mắt: God of War Ragnarök. Tạo hình của nhân vật Thor trong tựa game này cũng vừa được leak cách đây không lâu, và cũng giống trường hợp của Udyr, nó cũng vấp phải khá nhiều ý kiến trái chiều, khi Thor của God of War cũng phát tướng, to béo và trông như một gã bợm nhậu.

Udyr

Tạo hình của Thor trong God of War Ragnarök cũng gây nhiều tranh cãi

Thế nhưng, như đã nói ở trên, cả Riot Games lẫn Santa Monica Studio (nhà sản xuất God of War Ragnarök) đều có lý do vô cùng chính đáng, dựa trên nghiên cứu thực tiễn và lý giải khoa học – lịch sử, để tạo nên những hình mẫu về các nhân vật “béo ú” như Udyr và Thor.

Nguyên nhân thứ 3: Tư duy thiết kế thay đổi

Sau khi đọc những lý giải khoa học về thể hình của Udyr nói trên, chắc hẳn nhiều game thủ sẽ thắc mắc: Tryndamere hay Braum cũng là chiến binh, cũng xuất thân từ Freljord, tại sau vẫn có body 6 múi? Câu trả lời nằm ở tư duy thiết kế nhân vật của Riot.

Cả Tryndamere lẫn Braum và Udyr cũ, đều đã ra đời cách đây nhiều năm. Cụ thể, Braum là nhân vật ra đời muộn nhất trong số 3 cái tên kể trên, vào năm 2014. 8 năm đã trôi qua, và rõ ràng, định hướng phát triển tạo hình nhân vật của Riot Games đã thay đổi. Trước đây, Riot từng có một thời gian theo đuổi phong cách thiết kế “trai xinh gái đẹp” điển hình trong văn hóa giải trí đương thời. Tức là nếu vị tướng đó có nhân dạng con người, thì nhân vật nam phải cao to, 6 múi, gương mặt nam tính, góc cạnh, nhân vật nữ thì phải 3 vòng chuẩn siêu mẫu và có khuôn mặt “tỷ lệ vàng”.

Udyr

Những nhân vật điển hình cho phong cách này là Jarvan IV, Garen, Tryndamere, Darius, Yasuo, Sona, Miss Fortune,… (Dĩ nhiên, vẫn có những ngoại lệ như Jinx, nhưng chỉ chiếm thiểu số.

Tuy nhiên, trong những năm gần đây, Riot có vẻ như đã bắt đầu chuyển sang định hướng thiết kế nhân vật theo xu hướng tả thực hơn, phá bỏ giới hạn tiêu chuẩn về cái gọi là “hình mẫu” thiết kế của chính họ. Những Illaoi, Kalista, Jhin, Camille… dù chỉ là những trường hợp ít ỏi, nhưng chính là minh chứng rõ nét nhất cho sự phá cách của Riot trong việc mở rộng định hướng tạo hình nhân vật, tất cả đều mang ít nhiều xu hướng “nghệ thuật tả thực” trong đó, tức là tạo hình nhân vật không chỉ phải đẹp, phải ấn tượng, mà còn phải hợp logic, hợp thực tế.

Và sẽ không có gì đáng ngạc nhiên, khi một dự án “bom tấn” như việc làm lại Udyr, sẽ trở thành một ví dụ điển hình tiếp theo cho con đường thực tế hóa vũ trụ LMHT mà Riot đang hướng tới.

Udyr

Xem thêm: LMHT: Sau khi làm lại, Udyr ‘full AP’ có thể ‘bất tử’ và sở hữu lượng sát thương khổng lồ

làm lại tướng LMHT Riot riot games Udyr Udyr làm lại Udyr mới

Theo: Game4v

Facebook