Tam hoàng – Ngũ Đế

Tam hoàng - Ngũ Đế

Tam hoàng - Ngũ Đế

Tam Hoàng Ngũ Đế (chữ Hán: 三皇五帝) là thời kỳ lịch sử đầu tiên của Trung Quốc, và là các vị vua huyền thoại của Trung Quốc trong thời kỳ từ năm 2852 TCN tới 2205 TCN, thời kỳ ngay trước thời nhà Hạ.

Tam Hoàng (三皇) là ba vị vua đầu tiên của nước này. Ngũ Đế (五帝) là năm vị vua nối tiếp theo Tam Hoàng, có công khai hóa dân tộc Trung Hoa, đưa dân tộc này thoát khỏi tình trạng sơ khai. Trong thời kỳ này, người Trung Quốc đã biết chế ra lửa để nấu chín thức ăn, biết cất nhà, làm quần áo, trồng ngũ cốc, chài lưới, thực hiện lễ nghi, và bắt đầu tạo ra chữ viết. Theo truyền thuyết, ba vị vua này được cho là thần tiên hoặc bán thần, những người đã sử dụng các phép màu để giúp dân. Do phẩm chất cao quý nên họ sống lâu và thời kỳ cai trị của họ hòa bình thịnh vượng.

Đó là thời kỳ sơ khai tối cổ của Trung Quốc. Văn minh chưa có hay mới bắt đầu có nhưng rất thô sơ và dân chúng rất thưa thớt, sống từng nhóm nhỏ theo lối du mục, không có dấu tích gì còn sót lại. Điều này khiến việc nghiên cứu để biết rõ các triều đại tối cổ này khá khó khăn.

Những từ ngữ như Tam Hoàng, Ngũ Đế, và hiệu của các vị vua, do người đời sau đặt ra để hệ thống hóa các tư liệu về cổ sử. Còn Đế hiệu thì lấy tên đất mà đặt ra, gọi là Địa hiệu, hoặc lấy công đức đối với dân mà đặt ra, gọi là Đức hiệu.

Tam hoàng

Các học giả Trung Hoa không nhất trí với nhau về Tam Hoàng cụ thể là ai.

Theo Sử ký Tư Mã Thiên, ba vị vua là:
1. Thiên Hoàng – 天皇 (trị vì 18.000 năm)
2. Địa Hoàng – 地皇 (trị vì 11.000 năm)
3. Nhân Hoàng – 人皇 (còn gọi là Thái Hoàng – 泰皇) (trị vì 45.600 năm).

Vận Đẩu Xu (運斗樞) và Nguyên Mệnh Bao (元命苞) cho rằng ba vị là:
1. Phục Hy
2. Nữ Oa
3. Thần Nông

Trong đó, Phục Hy và Nữ Oa là thần chồng và thần vợ, được coi là tổ tiên của loài người sau một trận đại hồng thủy. Cũng như Thần Nông là người đã phát minh ra nghề nông và là người đầu tiên dùng cây cỏ làm thuốc chữa bệnh.

Các sách Thượng thư đại truyện (尚書大傳) và Bạch hổ thông nghĩa (白虎通義) thay thế Nữ Oa bằng Toại Nhân (燧人), người phát minh ra lửa. Sách Đế vương thế kỉ (帝王世紀) thay thế Nữ Oa bằng Hoàng Đế (皇帝), người được coi là tổ tiên của người Hán. Sách “Thông Giám Ngoại Kỷ” lại thay thế Nữ Oa bằng Cộng Công, tức là thủy thần. Sách “Bạch Hổ Thông Nghĩa ” còn có 1 thuyết khác thay thế Nữ Oa bằng Chúc Dung, tức là thần lửa.

Việc thay thế Nữ Oa – một nữ thần – bằng một vị nam thần được cho là kết quả của việc chuyển từ chế độ mẫu hệ thời cổ xưa sang chế độ phụ hệ trọng nam khinh nữ.

Ngũ đế

Ngũ Đế cũng có nhiều giả thuyết: Theo Sử ký Tư Mã Thiên, Ngũ Đế bao gồm:
1. Hoàng Đế (黃帝)
2. Chuyên Húc (顓頊)
3. Đế Cốc (帝嚳)
4. Đế Nghiêu (帝堯)
5. Đế Thuấn (帝舜)

Theo Sử Trung Quốc của Nguyễn Hiến Lê, các vua đó đều do người Trung Quốc tưởng tượng ra, chỉ có Nghiêu, Thuấn có thể coi là bán thực bán huyền (semi-historique). Trong đó, Nghiêu và Thuấn còn được gọi là Nhị Đế, cùng với Đại Vũ (禹), người sáng lập ra nhà Hạ, được Khổng giáo coi là các vị vua kiểu mẫu và là các tấm gương đạo đức. Thượng thư tự (尚書序) và Đế vương thế kỷ lại liệt kê Thiếu Hạo (少昊) thay cho Hoàng Đế.

Sở Từ (楚辭) nói đến Ngũ Đế như là các vị thần ở các phương:
1. Thiếu Hạo (đông)
2. Chuyên Húc (bắc)
3. Hoàng Đế (trung)
4. Phục Hi (tây)
5. Thần Nông (nam)

Lễ ký (禮記) đồng nhất Ngũ Đế với Ngũ Thị (五氏), bao gồm:
1. Hữu Sào thị (有巢氏)
2. Toại Nhân thị (燧人氏)
3. Phục Hi thị (伏羲氏)
4. Nữ Oa thị (女媧氏)
5. Thần Nông thị (神農氏)

Vị hoàng đế Trung Hoa đầu tiên trong lịch sử là Tần Thủy Hoàng (秦始皇), người đã tạo từ mới cho “hoàng đế” (皇帝) bằng cách kết hợp các danh hiệu “hoàng” (皇) của Tam Hoàng với “đế” (帝 với nghĩa vua – thần).

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *