Táo Quân

Táo Vương hay Ông Táo là vị thần canh giữ việc bếp núc trong văn hóa Trung Hoa và Việt Nam. Chữ Táo (灶) có nghĩa là bếp.

Trung Hoa:
Người Phúc Kiến cho rằng Táo quân là một vị nữ thần vì vậy thường gọi là “Táo Quân Lão Mẫu”. Ngài Hứa Thận thời Đông Hán thì cho rằng: “Táo thần họ Tô tên là Cát Lợi, phu nhân của Táo thần họ Vương tên Bác Giáp”. Người ở Ninh Hóa và một số vùng khác thì vốn xem Táo thần là nữ nhân vì việc bếp núc là của nữ giới. Ngày xưa, người Hoa quan niệm rằng cứ mỗi cuối tháng Táo sẽ lên trời bẩm báo việc làm của các thành viên trong gia đình. Sau này, Táo chỉ còn lên trời vào đúng một ngày trong năm là 23 hoặc 24 tháng Chạp. Vào ngày này, người ta bày thịt, cá và rượu ngon để cúng thần Táo cùng với một ít nước và cỏ khô để thần mã ăn rồi đưa vua bếp lên trời.

Việt Nam:
Táo quân trong văn hóa dân gian Việt Nam có nguồn gốc từ ba vị Thổ Công, Thổ Địa và Thổ Kỳ của Lão giáo Trung Quốc, là vị thần cai quản phúc đức, đời sống thuận hòa và ngăn chặn yêu ma đối với mỗi gia đình. Vì chữ Táo nghĩa là bếp lại thêm cái tích về ngài thổ công nên người ta vẫn thường gọi ngày 23 Tết là Tết Ông Công Ông Táo. Ở Việt Nam, sự tích Táo quân được truyền khẩu như sau:

Trọng Cao có vợ là Thị Nhi ăn ở với nhau đã lâu mà không con, nên sinh ra buồn phiền, hay cãi cọ nhau. Một hôm, Trọng Cao giận quá, đánh vợ. Thị Nhi bỏ nhà ra đi sau đó gặp và bằng lòng làm vợ Phạm Lang. Khi Trọng Cao hết giận vợ, nghĩ lại mình cũng có lỗi nên đi tìm vợ. Khi đi tìm vì tiền bạc đem theo đều tiêu hết nên Trọng Cao đành phải đi ăn xin.

Khi Trọng Cao đến ăn xin nhà Thị Nhi, thì hai bên nhận ra nhau. Thị Nhi rước Trọng Cao vào nhà, hai người kể chuyện và Thị Nhi tỏ lòng ân hận vì đã trót lấy Phạm Lang làm chồng.

Phạm Lang trở về nhà, sợ chồng bắt gặp Trọng Cao nơi đây thì khó giải thích, nên Thị Nhi bảo Trọng Cao ẩn trong đống rơm ngoài vườn.

Phạm Lang về nhà liền ra đốt đống rơm để lấy tro bón ruộng. Trọng Cao không dám chui ra nên bị chết thiêu. Thị Nhi trong nhà chạy ra thấy Trọng Cao đã chết bởi sự sắp đặt của mình nên nhào vào đống rơm đang cháy để chết theo.

Phạm Lang gặp tình cảnh quá bất ngờ, thấy vợ chết không biết tính sao, liền nhảy vào đống rơm đang cháy để chết theo vợ.

Linh hồn của ba vị được đưa lên Thượng đế. Thượng đế thấy ba người đều có nghĩa, nên sắc phong cho làm Táo Quân, gọi chung là: Định Phúc Táo Quân, nhưng mỗi người giữ một việc:

Phạm Lang làm Thổ Công, trông coi việc bếp. Danh hiệu: Đông Trù Tư Mệnh Táo Phủ Thần Quân

Trọng Cao làm Thổ Địa, trông coi việc nhà cửa. Danh hiệu: Thổ Địa Long Mạch Tôn Thần

Thị Nhi làm Thổ Kỳ, trông coi việc chợ búa. Danh hiệu: Ngũ Phương Ngũ Thổ Phúc Đức Chánh Thần.

Ngoài ra do vấn đề truyền miệng nên còn rất nhiều những dị bản khác. Người Việt quan niệm Táo quân là người kiểm soát phước đức của mọi người trong một gia đình, phước đức này từ những việc làm tốt của họ mà ra, Ông Táo giống như một nhân chứng cho phước đức ấy. Bàn thờ Ông Táo thường đặt gần bếp, trên có bài vị bằng tiếng Hán. Hàng năm, vào đúng 23 tháng Chạp, Táo sẽ về trời để bẩm tấu với Ông Trời những việc làm trong năm của các gia đình. Vì vậy mọi người thường cúng Táo quân rất thịnh soạn vào ngày này để mong muốn ba vị phúc thần sẽ nói rõ những việc tốt đồng thời “ém” bớt những việc xấu của họ. Khác với văn hóa Trung Hoa, Ông Táo của người Việt không cưỡi bạch mã thần mà lại cười cá chép vàng. Vì dựa trên tích cá vượt vũ môn hóa rồng sẽ cõng ông Táo bay lên trời nên người ta thường cúng cá chép rồi đem thả. Sau khi Táo về trời, đến Giao thừa sẽ trở lại hạ giới tiếp tục trông coi bếp lửa.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *