Thần Nước


Trong thần thoại và những câu chuyện cổ của Việt Nam, có lưu lại dáng hình của những vị Thần Nước cai quản sông ngòi và biển cả.

Thần Nước nói chung xuất hiện trong câu chuyện Cường Bạo đánh trời, đánh cả Thần Sét thân tàn ma dại, Thần Nước được Ngọc Hoàng sai dâng nước lên đánh cũng không lại. Cuối cùng nhờ con cua, bộ hạ của Thần Nước cảm tử ra trận mà mới giết được Cường Bạo. Trong câu chuyện Sơn Tinh Thủy Tinh cũng kể về nhân vật Thủy Tinh có khả năng hô phong hoán vũ, nhưng vẫn bị thần núi Sơn Tinh chặn đứng. Đặc điểm chung của hai ông Thần Nước này là đều khá dữ tợn, quyền lực. Họ là đại diện cho thiên tai lũ lụt, và những chiến thắng của Cường Bạo hay Sơn Tinh là khát vọng làm chủ thiên nhiên, khắc phục thiên tai của nhân dân ta qua bao thế hệ. Do ảnh hưởng của văn hóa Trung Quốc, Thần Nước ở cai trị vùng biển khơi đôi khi cũng được gọi là Long Vương, mang hình rồng, còn cai trị ở vùng sông đôi khi cũng gọi là ông Hà Bá.

Trong nhiều câu chuyện cổ tích nhắc tới nhân vật Vua Thủy Tề, cũng là một vị thần nước ‘cấp dưới’, cai quản vùng nước ngọt, sông suối ao hồ. Vua Thủy Tề phúc hậu, tốt bụng hơn hẳn các phiên bản ‘Thần Nước’ khác, khi mà ông thường xuyên giúp đỡ và ban tặng vật cho người dân. Ông đã ban tặng Thạch Sanh chiếc niêu cơm và cây đàn thần. Vua Thủy tề có một người con trai có khả năng biến hình thành các động vật dưới nước. Nhưng anh thái tử này không hiểu cầm tinh con gì mà thường xuyên gặp nạn, lần thì bị bắt trong hang đại bàng, lần thì bị ngư dân quăng lưới bắt được, lần thì mắc cạn, để các người anh hùng phải xả thân cứu giúp. Mỗi lần cứu được thái tử con Thủy Tề thì các người anh hùng lại được Vua Thủy Tề hoặc chính anh thái tử ban ơn, tặng báu vật hoặc tiết lộ thiên cơ để nhân dân kịp đối phó, nói chung hai cha con nhà này cũng có phúc lắm.

Nói tới các vị nam thần nước rồi, giờ tới vị nữ thần nước – Mẫu Thoải, hay còn gọi là Thủy Cung Thánh Mẫu. Bà là Mẫu Đệ Tam, một trong ba vị Tam Tòa Thánh Mẫu của tín ngưỡng thờ Mẫu Tứ Phủ (các bạn biết tới dòng tín ngưỡng này dưới dạng hầu đồng đó). Về gốc gác của Mẫu Thoải thì có rất nhiều sự tích mâu thuẫn với nhau. Có tích kể rằng bà là vợ Vua Thủy Tề, có tích lại nói bà là con gái Thủy Tề. Có tích kể bà là con gái Lạc Long Quân và Âu Cơ, có tích lại kể bà là con Ông Trời và là mẹ của Lạc Long Quân. Mình sẽ viết cho bà một bài riêng khi nào có dịp làm nguyên album về những vị thần Đạo Mẫu. Các bạn có thể đọc về các vị thần này trong cuốn Tín ngưỡng Thờ Mẫu Tứ Phủ của Nhã Nam, rất thú vị!

Ảnh: cắt từ poster dự án phim Sơn Tinh Thuỷ Tinh của đạo diễn Victor Vũ

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *